Nã đạn không thương xót vào người tị nạn Syria: Thổ đang quẫn?

17/04/2016 - 07:26

PNO - "Khi dân thường bỏ chạy khỏi các cuộc giao tranh, Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng bằng đạn thật thay vì lòng từ bi"

Na dan khong thuong xot vao nguoi ti nan Syria: Tho dang quan?
Thổ Nhĩ Kỳ bị mắc kẹt giữa hai dòng tị nạn

Lực lượng biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ bị tố bắn đạn thật để xua đuổi người tị nạn Syria bỏ chạy khỏi các cuộc giao tranh leo thang giữa IS với các nhóm đối lập.

Tổ chức Quan sát nhân quyền đưa ra tuyên bố trên, đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn dân thường Syria, bổ sung rằng chiến sự mới nổ ra giữa các nhóm đối lập ở miền bắc Aleppo đã khiến 30.000 người phải di dời chỉ trong vòng 48 giờ.

Tổ chức Quan sát nhân quyền dẫn thông tin từ các nhóm cứu trợ quốc tế cho biết, 3 trại tị nạn hiện đang bị bỏ hoang vì chiến sự.

"Khi dân thường bỏ chạy khỏi các cuộc giao tranh, Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng bằng đạn thật thay vì lòng từ bi" - Gerry Simpson, nhà nghiên cứu cao cấp về người tị nạn của Tổ chức Quan sát nhân quyền nhận xét.

"Khi cả thế giới đang nói về cuộc chiến chống IS, thì những người có nguy cơ nhất trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực khủng khiếp này lại bị mắc kẹt ở phía bên kia của bức tường bê tông" - ông Simpson nói.

Một người dân trại Ikdah nói: "Chúng tôi rời trại và đi về hướng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Có khoảng 2.000 người tất cả. Khi chúng tôi đến biên giới, chúng tôi nhìn thấy lính Thổ Nhĩ Kỳ đứng đằng sau bức tường và họ bắt đầu nã đạn. Họ bắn vào chân chúng tôi và tất cả mọi người bỏ chạy tán loạn. Chúng tôi sợ vì ở Syria, IS đã ở rất gần trại tị nạn. Chúng tôi liệu có thể đi đâu?"

Như vậy, Thổ thực sự đã trở nên túng quẫn khi chọn cách giải quyết khủng hoảng di cư bằng biện pháp vô nhân đạo nhất. Đây được xem là kết quả tất yếu của việc Nga và quân đội Syria liên tiếp dồn dòng người tị nạn và khủng bố về biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu tiên phải kể đến là việc giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn thành cổ Palmyra từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS hôm 27/3 và giải phóng thành phố cổ Quraytyan ngày 3/4. Sau đó, Quân đội Syria và đồng minh đêm 7/4 đã mở cuộc tấn công tàn khốc nhất vào phía nam thành phố Aleppo kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực hồi tháng 2.

Không quân Nga, Syria càng đánh mạnh, đánh rát, chỉ chừa đường lui về biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, chính điều này đã khiến không chỉ dòng người tị nạn mà chính khủng bố cũng phải chạy sang phía Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chịu sức ép lớn của không chỉ từ người tị nạn Syria mà còn dòng người di cư từ châu Âu đổ về, khi thỏa thuận giữa Ankara và châu Âu chính thức có hiệu lực vào ngày 4/4 vừa qua.

Để thực hiện thỏa thuận hành động chung với EU về giải quyết khủng hoảng người tị nạn, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai xây dựng hai trung tâm đăng ký nhằm sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn từ Hy Lạp.

Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã đạt được thỏa thuận hạn chế dòng người di cư, nguyên nhân khiến châu Âu rơi vào khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ sau Thế Chiến II. Ankara sẽ trở thành bức tường chặn dòng người từ Syria cùng nhiều nơi khác đổ về châu Âu để đổi lấy hàng loạt sự nhượng bộ về tài chính và chính trị.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang có khoảng 2,7 triệu người Syria tị nạn, nhưng thỏa thuận đã quy định, cho phép một người Syria nhập cư sang châu Âu tương ứng với mỗi người Ankara phải đón nhận trở lại.

Với việc chịu sức ép tiếp nhận người tị nạn từ cả hai phía Syria và châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ bị mắc kẹt ở giữa. Đạt được thỏa thuận với khoản trợ cấp 6 tỉ euro từ EU, nhưng EU đang trả ngược người tị nạn, điều này đã khiến Ankara vấp phải nguy cơ đổ vỡ, an ninh đe dọa, bạo loạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nguyễn Thu (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI