Muốn kiếm việc làm ở Trung Quốc hãy trùng tu nhan sắc

14/05/2017 - 08:00

PNO - Cơn sốt đại phẫu nhan sắc để kiếm việc làm tại Trung Quốc đang gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho các tín đồ phẫu thuật thẩm mỹ.

Thời điểm học sinh, sinh viên gần tốt nghiệp là lúc các thẩm mỹ viện ở Trung Quốc tấp nập khách hàng với phần lớn là những người trẻ mong muốn trùng tu nhan sắc, chuẩn bị chạy đua cho cánh cửa hẹp tìm việc làm.

Muon kiem viec lam o Trung Quoc hay trung tu nhan sac
Lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ khiến gương mặt cô gái trẻ ngày càng trở nên quái dị

Truyền thông Trung Quốc tiết lộ, số ca phẫu thuật trong dịp này tăng trung bình 200% ở các trung tâm làm đẹp. Hầu hết khách hàng là nữ học sinh, sinh viên chuẩn bị ra trường.

Ở Trung Quốc đang ngầm tồn tại “luật bất thành văn” là càng đẹp càng dễ kiếm việc làm. Đó là lý do có nhiều bạn gái trẻ đổ xô đến các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ tìm kiếm nhan sắc mơ ước và cho đó là cơ hội đổi đời.

Theo ông Wang Yongan, Phó chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ, số phụ nữ dưới 30 tuổi từng qua dao kéo là 4 triệu người, chiếm một nửa tổng số người ở Trung Quốc từng sửa sắc đẹp. 

Bác sĩ Li Weiwei, Giám đốc thẩm mỹ viện Beijing Tsinghua Changgung cho biết, cứ đến gần kỳ thi tốt nghiệp, cô và các đồng nghiệp quá tải, phải tăng ca vì số ca hẹn khám và can thiệp thẩm mỹ tăng vọt.

Bệnh nhân của cô ngày càng trẻ, tập trung chủ yếu ở độ tuổi 17-18. 70% bệnh nhân yêu cầu nhấn mí mắt vì họ cho rằng đôi mắt to tròn mới phát ra ánh nhìn tinh anh. Họ không muốn đi xin việc với ánh mắt một mí mà bản thân họ cảm thấy mặc cảm vì thể hiện vẻ uể oải trên gương mặt.

Theo bác sĩ Li Weiwei, có những cô gái mang theo tấm hình thần tượng là các nữ diễn viên xinh đẹp, nổi tiếng của Trung Quốc hoặc Hàn Quốc và yêu cầu chỉnh sửa giống như vậy.

Đa số đều nhận lời khuyên từ bỏ ý định từ bác sĩ Li Weiwei vì đòi hỏi chi phí tốn kém và rủi ro hậu phẫu khá cao. Trong khi đó, bất chấp hậu quả, nhiều trung tâm vẫn trưng quảng cáo cam đoan phẫu thuật cho ra khuôn mặt như thần tượng!

Muon kiem viec lam o Trung Quoc hay trung tu nhan sac
Người mẫu thời trang xinh đẹp một thời của Trung Quốc Li Ying Zhi và gương mặt biến dạng vì giải phẫu thẩm mỹ quá đà

Theo thống kê, tỷ lệ khách hàng nữ ở các trung tâm thẩm mỹ cao gấp 13 lần nam giới và tỷ lệ này đang dần được thu hẹp khi dịch vụ dành cho cánh mày râu ngày càng nở rộ.

Kinh nghiệm từ các bác sĩ chỉ ra, khách hàng nam thường đi theo nhóm và có một người đóng vai “chuột bạch”, thực hiện độn mũi, căng da trước. Nếu thành công thì những người còn lại mới đồng ý tham gia. 

Câu chuyện của cô Hongfen Baobao (33 tuổi) ở thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô khiến mọi người phải rùng mình vì sự mê muội, ảo tưởng, phụ thuộc tuyệt đối vào dao kéo. Hongfen bắt đầu can thiệp thẩm mỹ trên gương mặt của mình với việc nhấn mí lúc 16 tuổi với tâm lý tò mò.

Càng về sau, Hongfen càng bị ám ảnh rằng mình vẫn còn những chi tiết ngoại hình chưa chuẩn. Cô tưởng tượng mọi người đang nhìn vào phần khiếm khuyết ấy và đánh giá thấp mình. Thế là Hongfen lao theo hơn 200 ca phẫu thuật chỉnh sửa, từ nâng mũi, gọt cằm đến bơm ngực, hút mỡ, kéo dài chân…

Khi nhận ra mình quá đà cũng là lúc Hongfen phải trả giá quá đắt. Phần ngực bơm chất Amazingel bị viêm nhiễm, buộc cô phải cắt bỏ. Cô gái đáng thương may mắn vượt qua cơn khủng hoảng và tuyệt vọng bằng cách chấp nhận xuất hiện trên truyền hình chia sẻ câu chuyện bi kịch của bản thân.

Cô nói: “Câu chuyện của tôi là bằng chứng chân thật để cảnh tỉnh các bạn gái trẻ. Hãy tự tin với năng lực của bản thân thay vì suy nghĩ lệch lạc như tôi đã từng”. 

Muon kiem viec lam o Trung Quoc hay trung tu nhan sac
Các cô gái trẻ Trung Quốc trưng hình chụp phần xương bị can thiệp và tổn thương vĩnh viễn sau dao kéo

Trung Quốc hiện trở thành điểm đến lớn thứ ba cho các đối tượng tìm kiếm dịch vụ trùng tu nhan sắc. Lợi nhuận mà ngành thẩm mỹ mang lại cho quốc gia này là món lời béo bở với mức tăng trung bình 20% mỗi năm, doanh thu hàng năm ước tính 50-70 tỷ USD. 

Song song đó là cánh cửa tuyển dụng ngày càng khép chặt với người trẻ khi mỗi năm có hàng triệu người trẻ cần việc làm mà nhu cầu thị trường lao động lại không theo kịp. Đó là lý do vì sao làn sóng cổ súy cho việc dao kéo trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết với triết lý: đẹp mới kiếm được việc làm.

Giáo sư Shujie Yao, người đứng đầu ngành nghiên cứu các vấn đề thời đại cua Trung Quốc tại Đại học Nottingham (Anh) cho rằng, nguyên nhân của việc thị trường lao động vừa thiếu vừa thừa lao động là vì chất lượng nguồn nhân lực không đủ đáp ứng.

Theo ông, việc ngộ nhận thiếu hụt ngoại hình cùng nỗ lực trùng tu nhan sắc không phải là giải pháp. Đó chỉ là mồi ngon béo bở cho ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ.

Anh Thông (Theo Shanghaiist, Global Times, Beijing Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI