Huyền thoại Mata Hari: Điệp viên quyến rũ hay chỉ là kẻ oan khuất nóng bỏng? (P.2)

13/10/2017 - 14:49

PNO - Một thế kỷ kể từ ngày 15/10/1917, khi Mata Hari - điệp viên phản quốc, kẻ dối trá thủ đoạn, người phụ nữ độc ác đến tận xương tủy - bị áp giải đến trường bắn, tên tuổi của cô vẫn vang vọng.

Sau khi ly hôn người chồng thứ hai, Mata Hari nỗ lực đòi quyền nuôi con gái, nhưng nghề nghiệp và lối sống của cô khiến tòa quyết định chồng cũ MacLeod mới là người phù hợp. Có vẻ cả hai người con của cô đều nhiễm giang mai bẩm sinh; đến năm 1919, con gái Mata Hari mất vì xuất huyết não khi mới 21 tuổi.

Huyen thoai Mata Hari: Diep vien quyen ru hay chi la ke oan khuat nong bong? (P.2)
 

Sau này, khi Mata Hari bị bắt giữ, người ta tìm thấy trong đồ dùng vệ sinh cá nhân một tuýp thuốc chứa thủy ngân – phương pháp chữa trị giang mai duy nhất lúc bấy giờ. Cả căn bệnh và thuốc đều có khả năng gây tổn thương cho não. Phải chăng Mata Hari cũng nhiễm giang mai?

Huyền thoại Mata Hari: Điệp viên quyến rũ hay chỉ là kẻ oan khuất nóng bỏng? (P.1)

Mata Hari kiếm được rất nhiều tiền từ công việc nhảy múa, nhưng cực kỳ phung phí trong chi tiêu. Mùa thu năm 1906, cô nhận 10.000 FF (khoảng 50.000 USD theo tỉ giá hiện tại) cho một loạt màn trình diễn tại Olympia, Paris.

Thế nhưng, tên cô cũng xuất hiện trong một loạt vụ kiện vì không thanh toán hóa đơn, có thể kể đến hóa đơn trang sức lên tới 12.000 FF. Đây có lẽ đã trở thành thói quen, mỗi khi nhận được thù lao, Mata Hari lập tức đốt tiền vào quần áo, lông thú, trang sức, xe cộ. Cô sẵn sàng trả giá để xây dựng cho mình vẻ đẹp quyến rũ và bí ẩn.

Cô viết trong bức thư gửi thẩm phán người Pháp: “Tôi là vũ công, và sau khi chiến tranh kết thúc, tôi có lẽ phải lưu diễn trong các nhà hát ở Berlin hoặc Vienna. Tôi vẫn độc thân. Tôi là kiểu phụ nữ đi đây đó, du lịch rất nhiều. Thứ lỗi cho tôi vì tôi không có khái niệm về tiền bạc. Đôi khi tôi thua cuộc, nhưng rồi lại thắng.”

Một ván bạc năm 1915 đem đến cho Mata Hari số tiền khổng lồ, nhưng cô suýt không nhận ra cho tới gần kết thúc. Mùa hè năm 1914, cô sống tại Berlin để chờ biểu diễn vào tháng Chín ở Nhà hát Metropol, thu hút hàng loạt người hâm mộ, trong đó có cả vị cảnh sát trưởng.

Chiến tranh bất ngờ nổ ra vào tháng Tám khiến tất cả mọi người hoảng loạn. Mata Hari không ngờ vì chiến tranh, cô bị đóng băng tài khoản ngân hàng và tịch thu gần như mọi hàng hóa, vật dụng, bao gồm chỗ lông thú mà sau này, cô mới tiết lộ, trị giá đến 80,000 FF. Đó là một mất mát mà nữ vũ công không thể dễ dàng quên đi.

Theo lời Mata Hari, cô là một người phụ nữ quốc tế - nói nhiều thứ tiếng, thường xuyên đi khắp châu Âu, có “người thương” ở mọi quốc gia. Nhưng sau khi chiến tranh nổ ra, biên giới được bảo vệ nghiêm ngặt, yêu cầu hộ chiếu và những câu hỏi xác định nhân thân. Sự mơ hồ và huyền bí không còn là tài sản quý giá, thay vào đó nhanh chóng khiến chính quyền đặc biệt chú ý đến cô. Mata Hari là người phụ nữ không nơi cư ngụ, không chồng con, không có thu nhập ổn định.

“Tôi là vũ công. Tôi vẫn độc thân. Tôi là kiểu phụ nữ đi đây đó, du lịch rất nhiều. Thứ lỗi cho tôi vì tôi không có khái niệm về tiền bạc.”

Ngày 6/7, cô viết trong bức thư gửi người hầu gái ở Hà Lan: “Đáng lẽ tôi nên nhận ra trước khi đến đây nhưng thật không may, mọi thứ đã thay đổi. Con người ích kỷ hơn, bao khó khăn và thủ tục phức tạp khó lòng mà vượt qua. Đi đó đây đã trở thành điều không thể đối với một người phụ nữ như tôi.”

Huyen thoai Mata Hari: Diep vien quyen ru hay chi la ke oan khuat nong bong? (P.2)
 

Lối sống tình dục phóng khoáng khiến cô dễ dàng bị buộc tội phản quốc, đặc biệt trong thời kỳ nước Pháp coi lối sống tình dục phản ánh toàn bộ nhân cách con người. Trong chiến tranh, người ta thường quan tâm đến lòng yêu nước. Đối với một phụ nữ chủ yếu sống dựa vào những mối quan hệ tình ái, không bất ngờ khi chính quyền nhanh chóng cho rằng cô có thể dễ dàng bán đứng tổ quốc.

Không may thay, phần lớn người tình của Mata Hari lại làm việc trong quân đội. Đại úy Bouchardo, thẩm phán điều tra tòa án quân đội Pháp, liệt kê: đại tá Hà Lan, chỉ huy Bỉ, đại úy Nga là những người tình chính thức, nhưng bên cạnh đó còn hàng loạt sĩ quan ở Montenegro, Italy, 2 sĩ quan Ireland, 3 – 4 sĩ quan Anh và ít nhất 5 sĩ quan Pháp.

Mata Hari trả lời thẩm vấn của đại tá: “Tôi thích sĩ quan quân đội. Tôi đã yêu những người đó cả cuộc đời rồi. Tôi thà làm người tình của một sĩ quan nghèo hơn là yêu đương chủ ngân hàng giàu có.”

Điểm mấu chốt của vụ kiện chống lại cô là 20.000 FF Mata Hari nhận từ lãnh sự Đức tại ở Amsterdam mùa hè năm 1916 - thời điểm nước sôi lửa bỏng khi mà mỗi tháng có 40.000 lính Pháp hy sinh dưới họng súng đại bác của quân Đức tại Verdun.

Cô thừa nhận ngài lãnh sự mời mọc cô làm gián điệp, nhưng thề không bao giờ đồng ý. Cô chỉ lấy tiền, cắt đứt liên lạc với “người tình” rồi chuyển đến Paris. Đó là hành động trả thù vì mất chỗ lông thú quý giá - Mata Hari nhấn mạnh trong suốt 5 tháng thẩm vấn.

Trong bức thư gửi cho Đại úy Bouchardon, cô viết: “Đơn giản là Mata Hari tận dụng cơ hội để bù đắp cho chính mình. Tôi cầu xin ông hãy tin tôi. Tôi chưa từng thực hiện hành động gián điệp chống Pháp, và sẽ không bao giờ làm vậy.”

Tuy nhiên, một khoản tiền 5/000 FF nữa đến tay cô qua một người đàn ông bị nghi ngờ là đặc vụ Đức. Sau đó, các cơ quan tình báo Pháp nhận được bản sao nhiều bức điện tín từ Đức mô tả hoạt động của Đặc vụ H-21, các động thái và địa chỉ liên lạc mà từng phút, từng chữ đều chỉ một phía về Mata Hari.

Cô nói với Bouchardon, người Đức đang chơi trò “mèo đuổi chuột” hòng khiến họ xao nhãng. Thực tế, các bức điện tín được gửi đi dưới một đoạn mã mà người Đức đều biết là đã bị phá mã.

Trong các cuộc thẩm vấn, Đại úy Bouchardon hỏi đi hỏi lại về khoản tiền 20.000 FF. Theo bản ghi ngày 12/6, Mata Hari trả lời: “Trong thời gian ở Pháp từ tháng 6 đến tháng 12/1916, tôi đã tiêu khoảng 15.000 – 16.000 FF, nhưng tôi không nhớ chính xác vì không có thói quen đếm tiền. Tôi dùng 20.000 FF của lãnh sự Đức để trả nợ ở Hà Lan, đặc biệt là những vụ kiện cáo với người bọc thảm.”

Huyen thoai Mata Hari: Diep vien quyen ru hay chi la ke oan khuat nong bong? (P.2)
 

Bouchardon và đội không chấp nhận thái độ kiêu ngạo, coi thường tiền bạc của cô. Ông nói: “Chúng tôi đã điều tra kha khá trường hợp gián điệp. Chúng tôi biết giá cả ở Đức và có thể khẳng định rằng, đó là một khoản tiền khổng lồ.”

Không chỉ là tiền bạc, Mata Hari còn liên can đến một cuộc gặp mặt với đặc sứ quân đội Đức ở Madrid vào tháng 12/1916. Tháng 2/1917, cô bị bắt rồi ra tòa vào tháng 7. Một nhóm 7 thẩm phán quân sự đã mất 2 ngày để kết tội cô và khép án tử hình; đơn kháng cáo và đơn xin giảm án cũng vô ích.

Trong thời gian đó, Mata Hari bị giam ở nhà tù Conciergerie, cùng với một người phụ nữ khác đang chờ ra tòa tên Marie Antoinette. Trong bức thư viết cho cô hầu gái ở Hà Lan, cô viết: “Trường hợp của một phụ nữ ngoại quốc như tôi là cực kỳ nhạy cảm ở Pháp lúc này.”

Bouchardon đưa một linh mục và hai nữ tu vào nhà tù để đón cô trước bình minh ngày 15/10. Mata Hari khoác lên mình chiếc áo choàng màu đen viền lông thú, mũ phớt đen và đeo giày cao gót cũng màu đen. Họ đưa cô đến khu pháo đài Fort de Vincennes, phía đông Paris, và để cô đứng trước một cây cột. Mata Hari không muốn bịt mắt, và cô nhìn chằm chằm vào 12 người lính khi họ khai hỏa.

Ngày nay, Fort de Vincennes lưu trữ các tài liệu về lịch sử bảo vệ tổ quốc, bao gồm bộ hồ sơ dài 1.300 trang của vụ án Mata Hari. Cô là 1 trong 126 người bị xử tử vì tội làm gián điệp trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất; và còn ít nhất 2 người phụ nữ khác bị kết án tương tự.

Cuộc đời của Mata Hari kết thúc, nhưng danh tiếng của cô mới chỉ bắt đầu. Năm 1931, hình tượng Mata Hari được đưa lên màn ảnh dưới diễn xuất của 2 diễn viên nổi tiếng là Greta Garbo và Marlene Dietrich, trong những bộ phim phần nào dựa trên câu chuyện của cô. Hàng trăm cuốn sách đã được xuất bản, trong đó có tiểu sử, tiểu thuyết, tiểu thuyết lịch sử hư cấu – phi hư cấu và thậm chí là truyện khiêu dâm và truyện tranh.

Câu chuyện cuộc đời Mata Hari được đăng rộng rãi trên mạng xã hội như Twitter, Facebook và YouTube. Nhà hàng và quán bar mang tên cô được mở ra khắp Pháp và Đức. Nàng vũ công quyến rũ ngày nào còn được tưởng nhớ trong cuộc triển lãm kỷ niệm 100 năm ngày mất tại Bảo tàng Fries quê nhà.

Gần như ở mọi thời khắc quyết định, Mata Hari đều đưa ra lựa chọn sai lầm. Cô đã không học được bài học từ cuộc sống, không nhận ra những manh mối quan trọng cho đến khi quá muộn.

Thế nhưng, cô đã thành công trong việc tạo nên một nhân vật, một vũ công mãi còn nhảy múa trên sân khấu văn hóa. Không ai chắc chắn Mata Hari là gián điệp, nhưng ai cũng có thể khẳng định cô sẽ sống mãi như một nhân vật huyền thoại.

Ngọc Anh (theo The Daily Beast)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI