Giáo dục hay hủy hoại tương lai?

17/02/2017 - 06:08

PNO - Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) chính thức lên tiếng về dự luật mới, siết chặt tội phạm vị thành viên của Philippines. Dự luật phạt tù trẻ từ 9 tuổi (thay vì 15 tuổi như luật hiện hành)

Dự luật do Chủ tịch Hạ viện Philippines Pantaleon Alvarez đề xuất từ tháng 11/2016, không chỉ gây tranh cãi trong dư luận Philippines mà còn khiến giới quan sát quốc tế quan ngại.

Giao duc hay huy hoai tuong lai?
Dự luật phạt tù trẻ từ 9 tuổi do Chủ tịch Hạ viện Philippines Pantaleon Alvarez đề xuất. - Ảnh: Getty Images

Về độ tuổi trong dự luật, Văn phòng luật sư công Philippines chỉ đồng ý giảm xuống 12 tuổi, mức tối thiểu được quốc tế chấp nhận.

 Chủ tịch Hạ viện Philippines Pantaleon Alvarez lập luận, việc quy định trẻ 15 tuổi mới phải chịu hình phạt tù là thái độ dung dưỡng đối tượng phạm tội dưới 15 tuổi.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ủng hộ đề xuất trên vì cho đây là công cụ pháp lý hữu hiệu để trừng trị tội phạm ma túy lợi dụng giới hạn này nhằm đối phó với cảnh sát. Thậm chí, ông Rodrigo Duterte còn muốn khôi phục án tử hình, cả những đứa trẻ từ 9 tuổi trở lên phạm tội.

Đại diện UNICEF Philippines, bà Lotta Sylwander lo lắng, những đứa trẻ chịu cảnh tù tội quá sớm sẽ không còn cơ hội làm lại cuộc đời. Theo bà, trẻ 9 tuổi không thể hiểu hết hậu quả của hành vi phạm tội mình gây ra, nhất là với những em phạm pháp do chịu sự ép buộc, uy hiếp của người lớn.

Bà Lotta Sylwander lập luận: “Não của một đứa trẻ không như người trưởng thành, đặc biệt là với quá trình suy nghĩ về hậu quả lâu dài và kiểm soát hành vi”. Phạt tù trẻ dưới 15 tuổi, ngoài việc đi ngược với những nỗ lực nhân quyền còn thể hiện sự bất công với trẻ.

Chúng bị xét xử, kết án khi chính bản thân không hiểu tội của mình đã gây hậu quả nguy hiểm đến mức nào cho xã hội. Điều này trái với ý nghĩa của chế tài và hình phạt trong bất kỳ hệ thống pháp luật nào.

Giao duc hay huy hoai tuong lai?
Nụ cười hồn nhiên của Francis. - Ảnh: Inquirer

Trong cuộc chiến chống tội phạm nói chung và cuộc chiến chống tội phạm ma túy nói riêng ở Philippines, cơ hội cải tạo dành cho “kẻ xấu” theo định nghĩa của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte là bằng 0.

Tháng 12/2016, thế giới sửng sốt khi nhìn thấy hình ảnh bé trai Francis (6 tuổi) với nụ cười trong trẻo, ngây thơ xuất hiện trên truyền thông cùng dòng ghi chú: “Một trong những nạn nhân nhỏ tuổi nhất trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines”. Em chết lúc đang say giấc, khi những tay súng tiêu diệt tội phạm ma túy ập vào tấn công người bố của em.

Bản án được thi hành mà không hề thông qua bất cứ cáo trạng nào đã đổ xuống đầu một cậu bé vừa tới tuổi cắp sách đến trường, là hậu quả của chính sách “diệt cỏ tận gốc” của chính quyền Philippines.

Trước đó, bé gái 5 tuổi Danica May Garcia cũng đã bị hai người đàn ông đi xe máy bắn vào đầu khi đang ngồi ăn trưa với gia đình ở thành phố Dagupan, Manila. Các em phải lãnh chịu cái chết đau đớn mà không có cơ hội minh oan cho mình.

Nghị sĩ Kaka Bag-ao, một trong những chính trị gia Philippines phản đối dự luật trên đã dẫn số liệu của cảnh sát từ năm 2006-2012 cho thấy, chỉ 2% đối tượng vi phạm pháp luật là trẻ em dưới 15 tuổi, chủ yếu là hành vi ăn cắp vặt.

Điều này cho thấy, trẻ em không phải là đối tượng nguy hiểm để phòng trừ, mà thay vào đó, các em cần được giáo dục. Trừng phạt bằng “kỷ luật sắt” không phải là lựa chọn phù hợp với trẻ.

Bộ Phúc lợi xã hội và phát triển Philippines cho biết, ước tính có đến 18.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến chống ma túy. Những đứa trẻ này phải mất người thân và hứng chịu sang chấn tâm lý khi tuổi còn quá nhỏ.

Bác sĩ Danilo Tuazon, chuyên viên tâm lý - thần kinh cho biết: “Trẻ em chứng kiến sự trừng trị khắc nghiệt với người thân và với bản thân chúng sẽ phải chịu áp lực khủng khiếp. Nếu không được hỗ trợ tốt về tinh thần, chúng sẽ ghim sâu nỗi oán hận đó cho đến khi lớn lên và mãi mãi không thể trưởng thành”.

Bác sĩ Tuazon từng tiếp cận cậu bé John Ryan (11 tuổi), em luôn giận dữ, thề sẽ trả thù cho người cha bị bắn chết bên đường vì nghi là tội phạm ma túy.

Theo bác sĩ Tuazon, trường hợp xấu nhất, nếu John phạm tội thì đó cũng không phải do nhân cách của cậu bé mà chính là hậu quả của chuỗi cảm xúc tiêu cực tích lũy một khoảng thời gian dài, tạo nên suy nghĩ lệch lạc.

Phạt tù trẻ vị thành niên, giới hạn độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là đề tài luôn gây nhiều tranh cãi ở mọi quốc gia. Tuy nhiên, đây không phải là mấu chốt vấn đề.

Giao duc hay huy hoai tuong lai?
Bé gái Danica May Garcia - Ảnh: Inquirer

Quan trọng nhất là cách xử sự của hệ thống tư pháp với những đối tượng phạm tội ở tuổi chưa trưởng thành về cả thể chất và trí tuệ. Tháng 12/2016, Bộ trưởng Tư pháp Anh, bà Liz Truss (từng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Giáo dục) khẳng định, sẽ sớm có những trường giáo dưỡng toàn diện cho tội phạm là trẻ vị thành niên thay vì tống các em vào tù.

Ở đó, các em dưới 18 tuổi sẽ học toán, ngôn ngữ và được hỗ trợ tâm lý. Theo bà, người phạm tội tuy phải nhận hình phạt nhưng mục tiêu cuối cùng là làm cho các em trở thành con người mới, hữu ích hơn cho xã hội.

Bộ trưởng Giáo dục Anh Justine Greening hoàn toàn ủng hộ cách thức trên. Theo bà Greening, mỗi đứa trẻ, bất luận xuất thân thế nào, cũng cần nhận được sự giáo dục đồng đều. Đó là điều kiện để chúng khám phá tiềm năng, theo đuổi hoài bão mà không phải lo lắng, sợ hãi vì quá khứ.

Theo quan niệm về hệ thống pháp luật toàn cầu, nhà tù được thiết kế nhằm bốn mục đích: ngăn ngừa, trừng phạt, phòng ngừa, cải huấn. Cải huấn là đích đến cuối cùng, mở ra cánh cửa hy vọng cho người phạm tội hòa nhập vào cuộc sống ở góc độ họ phải được đối xử công bằng.

  (Theo ) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI