'Donald Trump của Pháp' và sứ mệnh ái quốc

26/04/2017 - 13:15

PNO - Châu Âu coi Marine Le Pen - 'Donald Trump của Pháp' là cơn ác mộng, nhưng với nữ chính trị gia này, con đường bà đi cùng với sứ mệnh ái quốc đã như một định mệnh.

Những ngày qua, cả thế giới dồn sự tập trung vào cuộc chạy đua giành vị trí chủ nhân Điện Élysée. 

Kết thúc vòng đầu tiên, ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen giành số phiếu bầu cao nhất với tỷ lệ ngang nhau, đều 23%.

Nếu Emmanuel Macron là gương mặt trẻ trung, sáng láng với quan điểm cốt lõi là mở cửa với quốc tế thì bà Marine Le Pen - còn được gọi là Donald Trump của Pháp - lại đại diện cho điều ngược lại. 

 'Donald Trump cua Phap' va su menh ai quoc
Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen.

Thẳng thừng và quyết liệt, xuyên suốt chiến dịch tranh cử, bà Le Pen với khẩu hiệu “Nhân danh người dân” đã tạo nên dấu ấn đặc trưng của một nữ chính trị gia với lựa chọn tiên quyết là sứ mệnh ái quốc. 

Đường dài “chinh chiến” trên chính trường đã biến “con gái của bố” với tuổi thơ đầy bi kịch trở thành một nữ chính trị gia độc lập, sẵn sàng đối đầu không khoan nhượng vì mục tiêu duy nhất: lợi ích quốc gia.

Bất luận kết quả sau vòng bầu cử thứ hai ngày 7/5 sắp tới như thế nào, Marine Le Pen cũng vẫn là một hình tượng chính trị gia độc đáo trong bức tranh toàn cảnh nước Pháp thời hiện đại.

Những phát biểu, hứa hẹn gây sốc của bà đã đánh thẳng vào viễn cảnh đẹp đẽ của toàn cầu hóa.

Bà tuyên bố: sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để Pháp rời khỏi EU, cam kết trục xuất các phần tử cực đoan nước ngoài, phong tỏa visa dài hạn, bảo vệ việc làm cho công dân Pháp bằng cách siết chặt lao động nước ngoài, tái lập kiểm soát biên giới…

 'Donald Trump cua Phap' va su menh ai quoc
Bà Marine Le Pen - người được mệnh danh là Donald Trump của Pháp. Ảnh: Infowars

 Định mệnh đã chọn Marine Le Pen là người chứng kiến và viết tiếp con đường chính trị cha bà đã đi.

Tháng 11/1976, cô bé Marine Le Pen tám tuổi bừng tỉnh sau vụ nổ bom ở khu căn hộ gia đình đang sống tại Paris. Mục tiêu của vụ tấn công là người bố Jean-Marie Le Pen.

Trong quyển hồi ký Against the Flow (Ngược dòng chảy), bà viết: “Đêm ấy, tôi ngủ thiếp như mọi bé gái cùng lứa khác. Nhưng khi bật tỉnh, tôi đã không còn là một bé gái như bạn bè mình nữa”.

Chính khoảnh khắc ấy, Marine hiểu thế nào là sự bạo lực và một bộ mặt rất khác của thế giới: sự hung bạo, bất chấp tất cả vì quyền lực. Việc chứng kiến cảnh tượng bạo lực đã khiến Marine tổn thương tâm lý.

Đã vậy, Le Pen còn không may mắn có một tổ ấm hạnh phúc thời thơ ấu. Bố mẹ bà sống theo kiểu ngẫu hứng, có thể bỏ mặc con cho người giúp việc để có không gian riêng bất kỳ khi nào họ muốn.

Gia đình không có sự gắn bó, yêu thương khiến Marine sớm có một cuộc sống không ngọt ngào, thiếu hơi ấm của bố mẹ. 15 tuổi, một ngày đi học về, bà phát hiện mẹ mình đã bỏ nhà ra đi theo tiếng gọi tình yêu.

Năm bà 19 tuổi, bố mẹ ly hôn. Không lâu sau, chuyện tình của mẹ và người tình trẻ xuất hiện trên báo chí mỗi ngày như vết dao đâm sâu vào miền ký ức của cô con gái mới vào đời.

Marine Le Pen, cô con gái út trong ba người con gái sống cùng ông Jean-Marie Le Pen buộc phải trưởng thành trong cỗ máy chính trị và đế chế mà bố mình dựng lên, là đảng Mặt trận Dân tộc (FP) do ông là người sáng lập và giữ vị trí chủ tịch. 

Trong quyển The Real Marine Le Pen (Con người thật của Marine Le Pen), tác giả  Renaud Dely viết: “Marine Le Pen từng cố sống cuộc đời riêng của mình nhưng bà đã không thể nào làm được.

Người con gái út không thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của bố mình”. Tuy nhiên, trong quá trình trực tiếp đối mặt với chính trường phức tạp, Marine đã từng ngày thoát khỏi hình ảnh “con gái của bố”.

 'Donald Trump cua Phap' va su menh ai quoc
Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen liệu có giành chiến thắng trước đối thủ trẻ tuổi, điển trai, Emmanuel Macron?

Bà hiểu, khi nào đảng FP còn bám lấy quan điểm phân biệt chủng tộc một cách gay gắt thì không bao giờ đảng này đến gần hơn với cử tri. Đỉnh điểm của xung đột trong nội bộ đảng là việc Marine đẩy bố mình khỏi FP và hiện hai người đã không còn nhìn mặt nhau.

Thời gian ở bên bố giúp bà hiểu hơn về bố nhưng không gắn kết được tình thân, mà đơn thuần chỉ là sự kết nối của một ý thức hệ. Để tách ra khỏi bố, bà chủ động chiêu mộ chuyên gia nhiều lĩnh vực, tạo nên một bộ máy thật sự mạnh mẽ, giúp bà tỏa sáng đúng lúc, khi bất ổn bủa vây châu Âu và nước Pháp đang cần một thuyền trưởng 
cứng rắn. 

Hành trang quý báu nhất của bà Marine Le Pen là những trải nghiệm chân thật của bản thân. Qua phân tích của nhiều nhà quan sát, bà Le Pen chỉ thuyết phục được những trái tim bi quan, còn những ai lạc quan thì sẽ tin vào ứng cử viên Emmanuel Macron đầy sức trẻ và ý tưởng táo bạo.

Viện trưởng Viện Chính trị học Paris Martial Foucault trong bài nghiên cứu cục diện bầu cử Tổng thống Pháp đã chỉ ra điểm chốt hạ lá phiếu của cử tri chính là nỗi lo bị tổn thương của mọi công dân.

Không chỉ người nghèo, người ít học thiệt thòi vì toàn cầu hóa mà cả những người trí thức cũng phải trầy trật trong cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt và vấn đề quan trọng là chưa chắc họ sẽ chiến thắng. Họ không muốn nước Pháp bị lãng quên, không muốn bản thân bị lãng quên. 

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ứng cử viên Hillary Clinton gắn với chiến dịch kêu gọi làm nên lịch sử với nữ Tổng thống Mỹ đầu tiên. Với bà Marine Le Pen thì tuyệt nhiên không hề có thông điệp nữ quyền nào trong chiến dịch tranh cử.

Điều duy nhất được nhắc đến là sứ mệnh vì dân tộc và câu khẳng định như đinh đóng cột: “Tôi là ứng cử viên của người dân”. Đây là lý do bà Marine bất ngờ tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng FP ngay sau vòng tranh cử đầu tiên, vì muốn tách bản thân khỏi sự cạnh tranh giữa các đảng phái. Lợi ích quốc gia mới là mục tiêu tối thượng. 

ANH THÔNG (Theo Guardian, NPR One, Financial Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI