​​​Đấu tranh đến cùng vì công lý đối với tội phạm dâm ô

28/03/2017 - 07:00

PNO - Bị đơn trắng án khỏi vụ kiện cưỡng hiếp vì nạn nhân không kêu cứu. Nạn nhân thậm chí còn bị gán tội vu khống. Kết luận này của vị thẩm phán ở Turin (Ý) làm dấy lên sự bất bình

Trước áp lực và sự giận dữ của dư luận, Bộ trưởng Tư pháp Ý Andrea Orlando mới đây đã yêu cầu xem xét lại vụ việc.  

​​​Dau tranh den cung vi cong ly doi voi toi pham dam o
Amanda Nguyễn - Ảnh: Guardian

Nạn nhân cho biết, cô chỉ có thể kêu lên “đủ rồi đấy” khi bị tấn công. Trong khi đó, luật sư biện hộ bảo vệ bị đơn xoáy vào tình tiết này và nói rằng cô gái đã không thật sự muốn thoát thân nên không thể gọi đây là vụ cưỡng hiếp.

Cô gái cho biết, bản thân không thể chống cự với gã đàn ông lực lưỡng đang trong trạng thái quá khích và điều duy nhất cô làm lúc ấy là trân mình hứng chịu.

Luật sư biện hộ còn dẫn chi tiết cô từng là nạn nhân ấu dâm mà thủ phạm là người bố nên cô đã… quen với việc bị cưỡng hiếp?! 

Một độc giả bình luận trên trang Corriere della Sera: “Cô ấy nói “đủ rồi đấy” nghĩa là cô ấy không sẵn sàng cho hành vi xâm phạm cơ thể mình.

Tòa án cần xem xét tình huống. Nếu kẻ tấn công trắng án thì sẽ tạo tiền lệ cho những vụ tấn công khác. Chúng ta sẽ vô tình đẩy phụ nữ vào tâm lý cam chịu”. 

Phụ nữ đứng lên đòi công lý cho bản thân trong những vụ cưỡng bức, xâm hại tình dục ngày càng nhiều, bất chấp xã hội vẫn nặng nề quan điểm “lỗi do nạn nhân”.

Một khi họ dám đứng lên làm cho ra lẽ thì đó không còn xuất phát từ việc bảo vệ danh dự và nhân phẩm cho họ mà còn là cách họ truyền cho nữ giới niềm tin vào bản thân.

Cô Linor Abargil là một điển hình như thế. Cô không chỉ nổi tiếng với danh hiệu hoa hậu Israel, hoa hậu thế giới mà còn được nể trọng vì quyết liệt bảo vệ lẽ phải. 

Năm 1998, chỉ vài tuần trước khi đại diện cho Israel tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới, cô bị một nhân viên ngành du lịch người Israel Uri Shlomo Nur bắt cóc, hành hung và cưỡng hiếp.

Vụ việc xảy ra ở Ý, Linor may mắn giữ được tính mạng, nhưng cô chọn cách lên tiếng thay vì buông xuôi, không để cho mọi sự rơi vào thinh lặng. Uri bị bắt nhưng sau đó được thả ra ngay vì cảnh sát không có đủ chứng cứ lập hồ sơ khởi tố. 

Cô gái 18 tuổi đã vượt qua cảm giác đau đớn, bàng hoàng để tiếp tục hành trình giới thiệu vẻ đẹp của người phụ nữ Israel.

Khi đăng quang ngôi hoa hậu thế giới, cô gái 18 tuổi Linor Abargil chọn con đường trở thành nhà hoạt động chống bạo lực tình dục. Cô muốn truyền ngọn lửa dũng cảm cho bất cứ cô gái nào không may trở thành nạn nhân của những tên yêu râu xanh.

Với cô, phá vỡ im lặng là cứu lấy mình, cũng là cách đưa thân phận phụ nữ ra khỏi bóng đêm u ám. 

Trở về Israel, Linor kiên trì theo đuổi vụ kiện và sau thời gian dài điều tra, cảnh sát đủ chứng cứ buộc tội Uri. Tòa tuyên hắn 16 năm tù.

Linor theo đuổi ngành luật, trở thành nhà hoạt động vì phụ nữ và là gương mặt người mẫu, diễn viên được yêu quý ở Israel không chỉ vì nhan sắc mà vì nhân cách ngày càng tỏa sáng.

Hiện cô sống hạnh phúc với tổ ấm nhỏ cùng người chồng cũng là luật sư và các con. Năm 2013, bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời Linor Brave Missworld (Hoa hậu thế giới dũng cảm) ra mắt công chúng.

Bộ phim đến nay tiếp tục gây tiếng vang, được dịch ra 14 thứ tiếng và truyền cảm hứng cho những nhà hoạt động chống bạo lực tình dục. Mới đây, trả lời trên tờ La Republica, Linor nhấn mạnh: “Tôi muốn những kẻ có hành vi phạm tội phải biết sợ, vì phụ nữ chúng tôi sẽ lên tiếng”. 

Cuối năm ngoái, nền tư pháp Mỹ được xốc lại với dự luật được sự phê chuẩn của Quốc hội nước này. Luật này tổng hợp những quyền lợi hợp pháp đã tồn tại ở nhiều bang khác nhau nhưng chưa tổng quát.

Đạo luật đảm bảo những người bị xâm hại tình dục sẽ được gặp tư vấn viên, được cung cấp những thông tin toàn diện về các sự lựa chọn pháp lý.

Tác giả của dự luật là cô gái gốc Việt Amanda Nguyễn (25 tuổi), từng là nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp. 

Trong quá trình tố tụng tại bang Massachusetts, Amanda có 15 năm để quyết định có nên theo vụ kiện hay không, nhưng oái oăm là bộ dụng cụ kiểm chứng hiếp dâm chỉ có hiệu lực trong sáu tháng.

Nghĩa là, để bảo vệ quyền khởi kiện, Amanda phải lặp đi lặp lại việc “làm sống dậy” bộ bằng chứng. Đó là điều gây tổn thương cho chính cô, không khác nào cô phải “ôm ấp” phần ký ức ám ảnh ấy.

Với tư cách là nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Amanda Nguyễn lập nên chiến dịch “Rise” (Trỗi dậy) với mong muốn những nạn nhân cưỡng hiếp được pháp luật bảo vệ trong suốt chặng đường tìm công lý.

Cô đã có câu nói thức tỉnh những nhà lập pháp: “Giữa việc chấp nhận bất công và viết lại luật pháp, tôi chọn viết lại luật pháp”. 

Bước ra ánh sáng chỉ đích danh kẻ phạm tội, đòi một bản án công tâm, những nạn nhân làm điều ấy không chỉ vì lẽ công bằng, mà còn vì lương tâm hối thúc họ hành động vì những số phận kém may mắn. 

Thiên Như
(Theo Evening Standard, La Republica, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI