Đảng Dân chủ Mỹ "thắng thế" sau vụ trần nợ công

20/10/2013 - 07:06

PNO - Đảng Dân chủ đã thực sự giành thắng lợi trước Đảng Cộng hòa sau các cuộc tranh cãi gay gắt tại Quốc hội về việc nâng trần nợ và chấm dứt cuộc khủng hoảng khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần.

edf40wrjww2tblPage:Content

Dang Dan chu My

Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner rời khỏi cuộc họp của các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Washington, DC., ngày 12/10 - Ảnh: AFP

Ngày 17/10 là thời điểm hết sức quan trọng của nước Mỹ, bởi đó là thời hạn chót trước khi chính phủ liên bang cạn ngân sách để trang trải các hóa đơn.

Các nhà kinh tế dự đoán việc Quốc hội nước này không thể đạt đồng thuận để nâng trần nợ công sẽ gây ra những hậu quả kinh tế vô cùng thảm khốc.

Bất hòa giữa hai đảng chủ yếu liên quan đến luật cải cách y tế Obamacare do Tổng thống Barack Obama đề xuất. Đảng Cộng hòa muốn hủy một số điều khoản của điều luật gây nhiều tranh cãi này để đổi lại việc mở cửa chính phủ trở lại và nâng trần nợ.

Tới cuối ngày 16/10, sau 11 giờ thảo luận, hai bên đã đạt được một thỏa thuận cho phép gia hạn quyền vay nợ của chính phủ đến tháng 2/2014 và mở cửa trở lại một số cơ quan liên bang bị buộc ngừng hoạt động tạm thời kể từ ngày 1/10 vừa qua.

Mặc dù hai bên kiên quyết không nhượng bộ trong suốt các cuộc tranh luận, và thậm chí giới chỉ trích còn cho rằng Tổng thống Obama đã tỏ ra vô cùng cứng rắn khi nhất định không thay đổi dù chỉ một chi tiết của Obamacare, song trên thực tế Đảng Cộng hòa (GOP) mới là những người phải hứng chịu vô số các chỉ trích sau khi nước Mỹ lần đầu tiên tiến sát tới bờ vực vỡ nợ.

Nhà nghiên cứu kỳ cựu Darrell West, làm việc tại Viện Brookings, nói: "Đảng Trà (Tea Party) thực sự là những người 'thua cuộc' bởi họ đã hành xử một cách vô trách nhiệm khi đẩy chính phủ tới sát bờ vực vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Họ (Đảng Trà) đã đánh mất sự tín nhiệm. Trong khi đó, Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ là những người chiến thắng bởi họ đã thể hiện một tinh thần trách nhiệm cao độ".

Giáo sư David Lewis, thuộc Đại học Frostburg tại bang Maryland, cho rằng Đảng Trà đã phải hứng chịu một thất bại lớn bởi họ không nhận được bất kỳ sự nhượng bộ đáng kể nào về chính sách và còn làm tổn hại tới uy tín của GOP. Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng bản thân Chủ tịch Hạ viện John Boehner cũng là một "kẻ thua cuộc" bởi việc ông không thể kiểm soát Đảng Trà sẽ khiến tầm ảnh hưởng của ông trong các cuộc đàm phán tương lai với Nhà Trắng bị xói mòn đáng kể.

Tối 16/10, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật gia hạn nâng trần nợ và mở cửa trở lại chính phủ với tỷ lệ 285-144. Trong đó, tất cả các Hạ nghị sỹ Đảng Dân chủ và một số Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa bỏ phiếu thuận, 144 Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống.

Theo nhận định của một số nhà phân tích, không ai muốn nước Mỹ vỡ nợ, bởi vậy trên thực tế, các nhà lập pháp thuộc GOP đã chờ tới khi biết có đủ số phiếu thuận để thông qua dự luật nói trên, họ mới bỏ phiếu chống.

Chiến lược gia Ford O'Connell thuộc Đảng Cộng hòa nói: "Họ muốn gửi thông điệp tới các cử tri rằng họ sẽ giữ nguyên quan điểm (phản đối Obamacare)", ám chỉ đến chiến lược của Đảng Cộng hòa nhắm tới các cử tri bảo thủ, những người vốn phản đối các cải cách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà Tổng thống đề xuất. Ông nói: "Họ không mấy bận tâm về thất bại trước một thành viên Đảng Dân chủ, mà chỉ lo ngại bị 'hất cẳng' bởi một người Cộng hòa khác".

Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính-chính trị tại Mỹ hiện đã tạm lắng xuống, song "núi nợ" đang cao ngất vẫn là một đề tài nổi cộm, và các cuộc tranh luận về trần nợ được dự đoán là sẽ tiếp tục trở nên căng thẳng vào tháng 2/2014 tới. Phe Cộng hòa thường xuyên chỉ trích chính quyền Obama chi tiêu quá tay và cho rằng đó là nguyên nhân khiến nguy cơ khủng hoảng là điều không thể tránh khỏi.

Dang Dan chu My

Lãnh đạo phái đa số tại Hạ viện Eric Cantor (giữa) sau cuộc họp tại Hạ viện , ở Washington, DC, ngày 1/8 - Ảnh: AFP

Trong khi những người ủng hộ cho rằng chương trình Obamacare đã giúp hàng triệu người dân Mỹ được hưởng bảo hiểm y tế, thì những người phản đối lại chỉ trích rằng đạo luật này là phi thực tế khi nước Mỹ đang phải gánh mức nợ lên tới 17.000 tỷ USD - gần tương đương với Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) - trong khi chưa hề có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính quyền sẽ kiềm chế các khoản chi tiêu.

Các nhà phân tích cho rằng mặc dù phe Cộng hòa liên tục bày tỏ quan ngại về vấn đề chi tiêu ngân sách song trên thực tế, không bên nào muốn can thiệp và điều chỉnh ba nhân tố chính khiến gánh nặng nợ của Mỹ ngày càng gia tăng là Medicare (chương trình chăm sóc sức khỏe cho người trên 65 tuổi), Medicaid (chương trình chăm sóc sức khỏe được chính phủ tài trợ) và chương trình an sinh xã hội.

Theo Vietnam+

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI