Cuộc chiến chống nạn chết vì làm việc quá sức tại Nhật Bản

01/06/2018 - 15:00

PNO - Nhật Bản mới công bố kế hoạch dự thảo với mục tiêu ít nhất 10% số công ty quy định giờ nghỉ ngơi cố định cho nhân viên vào năm 2020, hướng đến môi trường làm việc tốt đẹp hơn cho thế hệ trẻ.

Tháng 7/2013, nữ phóng viên Miwa Sado của Đài phát thanh và truyền hình lớn nhất Nhật Bản NHK, từng đưa tin về cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo và Thượng viện nước này, tử vong vì đau tim tại nhà riêng.

Cuoc chien chong nan chet vi lam viec qua suc tai Nhat Ban
Miwa Sado không phải là trường hợp tử vong hy hữu trong văn hóa làm việc chăm chỉ, khắt khe tại Nhật Bản.

Chỉ cho đến cuối năm 2017, nguyên nhân thực sự đằng sau cái chết của Sado mới được quản lý của cô tại đài NHK tiết lộ.

Trong vòng một tháng trước khi qua đời, nữ phóng viên trẻ đã làm việc tổng cộng 319 giờ, tức gấp đôi số giờ làm việc tiêu chuẩn của một lao động Mỹ bình thường là 160 giờ/tháng, mà chỉ xin nghỉ phép hai ngày.

Miwa Sado không phải là trường hợp tử vong hy hữu trong văn hóa làm việc chăm chỉ, khắt khe tại Nhật Bản. Năm 2015, Matsuri Takahashi - 24 tuổi, nhân viên công ty quảng cáo Dentsu - gieo mình tự vẫn từ chính cửa sổ công ty, gây rúng động cả xã hội.

Lý do Takahashi rơi vào căng thẳng kéo dài chính là hiện tượng Karoshi, tức là chết vì làm việc quá sức, khi đó đã là một vấn đề cực kỳ đáng lo ngại tại nước này. Trong vòng một tháng trước khi qua đời, cô gái trẻ đã làm thêm giờ hơn 100 tiếng đồng hồ.

Sau khi sự việc đáng buồn xảy ra, người ta mới nhận ra mức độ nghiêm trọng trong những bài đăng trên tài khoản mạng xã hội của Takahashi: "Tôi muốn chết” hay "Tôi bị tổn thương về thể chất và tinh thần".

Dẫu công ty Dentsu bị phạt vì vi phạm luật lao động, số tiền phạt hơn 100 triệu đồng là quá rẻ mạt so với cả một mạng người.

Cuoc chien chong nan chet vi lam viec qua suc tai Nhat Ban
Karoshi luôn là mối lo lắng lớn của chính phủ và xã hội Nhật Bản.

Trong nhiều năm qua, Karoshi luôn là mối lo lắng lớn của chính phủ và xã hội Nhật Bản, do cứ 1 trong mỗi 5 người lao động có nguy cơ tử vong vì làm việc quá sức.

Vì thế, vào thứ Năm (31/5), hội đồng Bộ Y tế Nhật Bản đã công bố kế hoạch dự thảo với mục tiêu ít nhất 10% số công ty quy định giờ nghỉ ngơi cố định cho nhân viên vào năm 2020, hướng đến môi trường làm việc tốt đẹp hơn cho thế hệ trẻ.

Theo đó, người lao động có một khoảng thời gian đảm bảo giữa lúc kết thúc ca làm việc trước và khi bắt đầu ca tiếp theo.

Cuoc chien chong nan chet vi lam viec qua suc tai Nhat Ban
Chỉ 1.4% công ty ở Nhật Bản có quy định giờ giấc nghỉ ngơi cho nhân viên.

Tuy nhiên, kế hoạch dự thảo lại không quy định rõ ràng thời gian nghỉ ngơi. Cũng đối phó với vấn đề tương tự, Liên minh châu Âu yêu cầu người sử dụng lao động tại các nước thành viên phải đảm bảo nhân viên được nghỉ ngơi ít nhất 11 giờ liên tục mỗi ngày.

Bộ Y tế Nhật Bản cũng đặt mục tiêu nâng cao nhận thức về hệ thống này - vốn đang được áp dụng tại một số công ty – lên hơn 80%. Chính phủ cũng dự định áp dụng kế hoạch mới nhất cho việc sửa đổi các biện pháp đối phó với Karoshi tại một cuộc họp Nội các vào mùa hè năm nay.

Các mục tiêu và biện pháp ngăn chặn Karoshi đã được đề cập trong bản dự thảo cũng như được trình bày trong cuộc họp của hội đồng chuyên gia bao gồm đại diện từ phía người sử dụng lao động, người lao động và gia đình của các nạn nhân Karoshi.

Cuoc chien chong nan chet vi lam viec qua suc tai Nhat Ban
Tính đến thời điểm này, theo số liệu từ chính phủ, Nhật Bản đã chứng kiến 107 cái chết vì Karoshi.

Một khảo sát của Bộ Y tế năm 2017 cho thấy chỉ 1.4% công ty ở nước này có hệ thống giờ nghỉ cho nhân viên, trong khi hơn 90% không có kế hoạch cũng không có ý định xem xét hệ thống và 40.2% thậm chí không biết đến nó.

Dự thảo chỉ định các ngành nghề cụ thể với thời gian làm việc dài như tài xế, giáo viên, nhân viên trong ngành y tế và truyền thông – các công việc cần sự chú ý đặc biệt để ngăn chặn Karoshi.

Tính đến thời điểm này, theo số liệu từ chính phủ, Nhật Bản đã chứng kiến 107 cái chết vì Karoshi, trong đó có 84 vụ tự tử và nỗ lực tự tử do làm việc quá sức.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết con số này chỉ là bề nổi của tảng băng khi nhiều trường hợp khác không được công khai rộng rãi.

Ngọc Anh (theo Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI