Dịch tả heo châu Phi mất kiểm soát, người nuôi heo quanh TP.HCM nháo nhào bán tháo

11/07/2019 - 15:30

PNO - Người nuôi heo tại nhiều tỉnh phía Nam chấp nhận bán dưới giá thành khi dịch tả heo châu Phi tiếp tục diễn biến xấu.

Cả nước hiện nay chỉ còn duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa có bệnh dịch tả heo châu Phi.

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp tổng thể phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi sáng 11/6 tại Hà Nội. Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho hay, hiện khu vực miền Nam và TP.HCM người nuôi có xu hướng bán chạy heo vì sợ bệnh dịch.

“Bây giờ, người nuôi heo ở đây đang bán ra với giá 29.000-32.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất. Do đó, người chăn nuôi nên bình tĩnh không nên bán tháo để tránh thiệt hại, đồng thời gây nguy cơ thiếu thực phẩm cuối năm…”, ông Dương khuyến cáo.

Thực tế, theo tìm hiểu của báo Phụ Nữ TP.HCM, giá heo hơi tại một số khu vực thuộc Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang… còn thấp hơn mức này khá nhiều, có nơi thương lái thấy người nuôi ồ ạt bán ra đã ép giá chỉ còn 27.000 đồng/kg.

Dich ta heo chau Phi mat kiem soat, nguoi nuoi heo quanh TP.HCM nhao nhao ban thao
Số lượng heo nhiễm dịch tả heo châu Phi quá lớn, nguy cơ thiếu nguồn cung thịt cuối năm

“Có những hộ khi thấy ổ dịch tả heo châu Phi xuất hiện gần trại của mình, chấp nhận bán theo con. Mỗi con heo nặng hơn trăm ký (hơn 100kg) bán đổ đồng 1 triệu đồng/con…”, một chủ trại tại Tiền Giang cho hay.

Theo Bộ NN-PTNT, tính tới thời điểm hiện tại, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố với tổng số bị tiêu hủy lên tới trên 3,3 triệu con.

Trong đó, có 4.560 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày; có 854 xã thuộc 226 huyện của 40 tỉnh đã qua 30 ngày; có 116 xã thuộc 73 huyện của 23 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh heo bệnh.

Bộ NN-PTNT nhận định, do bệnh dịch tả heo châu Phi là bệnh rất nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị và chưa có vắc-xin phòng bệnh; vi-rút tồn tại lâu ngoài môi trường, có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát; chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, mật độ rất cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.

Trên thực tế, có những trang trại quy mô vài ngàn con heo đã phát hiện heo mắc dịch tả heo châu Phi. Thậm chí, tại Đồng Nai còn phát hiện dịch bệnh này ở trang trại heo quy mô 20.000 con.

Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường bày tỏ sự chia sẻ với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp và bà con chăn nuôi, bởi chưa có dịch nào gây ra tác hại lớn, gây khó khăn vất vả trong quá tình ứng phó như dịch bệnh này.

Bộ trưởng Cường cũng nhận định, diễn biến dịch bệnh chưa dừng lại. Tuy nhiên, người nuôi heo không nên quá sợ hãi nếu nắm thật chắc và hành động.

"Vũ khí duy nhất ứng phó là an toàn sinh học, phương pháp này không chỉ có tác dụng với chăn nuôi heo mà với cả ngành chăn nuôi, thậm chí cả con người. Tình hình này phải xác định sống chung với dịch bệnh, phải sống chung để đảm bảo sự phát triển ngành", ông Cường bày tỏ.

Dù khuyến khích người dân thực hiện an toàn sinh học, nhưng ông Nguyễn Xuân Dương lo ngại, việc người dân lạm dụng chế phẩm sinh học trong bối cảnh còn nhiều hàng giả, kém chất lượng.

"Khi dịch bệnh xảy ra, người dân "có bệnh vái tứ phương" nên không ngại bỏ tiền ra mua sản phẩm. Tuy nhiên trên thị trường có rất nhiều hàng giả, kém chất lượng nên người dân "thua lại càng thua". Các địa phương cần cảnh báo và kiểm soát các sản phẩm khi đưa ra thị trường", ông Dương nói.

Bên cạnh đó, đại diện ngành chăn nuôi cũng cảnh báo tình trạng tái đàn tùy tiện. Theo ông Dương, không nên tái đàn ở các cơ sở có dịch, còn cơ sở an toàn thì nên mở rộng, nhằm đảm bảo nguồn cung thịt heo cuối năm.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI