Biển Đông: Lợi ích quốc gia không thể đoạt bằng cách đe nẹt

03/08/2019 - 06:00

PNO - Các chủ đề chính tại hội nghị quốc tế ở Bangkok đều được dự báo xoay quanh Biển Đông, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…

Ngày 2/8, Bangkok tiếp tục chứng kiến các sự kiện quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Các chủ đề chính đều được dự báo xoay quanh Biển Đông, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…

Bien Dong: Loi ich quoc gia khong the doat bang cach de net
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN với Trung Quốc ở Bangkok, Thái Lan, ngày 31/7 - Ảnh: AP

Trước cảnh báo thường lệ - “đừng xen vào” Biển Đông của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, Mỹ không yêu cầu bất kỳ quốc gia châu Á nào đứng về phía nào khi Washington can dự vào khu vực mà Bắc Kinh đang ra sức thực hiện yêu sách lãnh thổ, bất chấp luật pháp quốc tế.

Trong hai ngày cuối tháng Bảy đầu tháng 8/2019, thủ đô Bangkok (Thái Lan) trở nên bận rộn hơn bao giờ hết khi Hội nghị thường niên Bộ trưởng ngoại giao ASEAN diễn ra lần lượt với các quốc gia đối tác bên ngoài khối. 

Ngày 1/8, truyền thông quốc tế hầu như đổ dồn về Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông lên cao vì Trung Quốc.

ASEAN như cô gái 12 bến nước

Hãng tin AP cho hay, phát biểu trước các bộ trưởng ngoại giao 10 nước ASEAN, ông Pompeo hoan nghênh cam kết Ấn Độ - Thái Bình Dương đã được lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á thông qua hồi tháng Sáu. Cam kết đó ủng hộ chủ quyền, minh bạch và tôn trọng trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.

“Chúng tôi không bao giờ yêu cầu bất kỳ quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương nào lựa chọn phía nào. Sự tham gia của chúng tôi trong khu vực này là một bài toán có tổng bằng 0. Lợi ích của chúng ta chỉ đơn giản là hội tụ một cách tự nhiên với lợi ích chung toàn khu vực. Quan hệ của Mỹ với ASEAN được hướng dẫn bởi một cam kết chung về các quy tắc cơ bản của pháp luật, nhân quyền và tăng trưởng kinh tế bền vững” - ông Pompeo nói.

Trong khi đó, Bắc Kinh cố gắng thể hiện tầm ảnh hưởng của mình trên toàn cầu thông qua “sáng kiến” Vành đai và Con đường cũng như tham vọng bành trướng trên Biển Đông bằng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn như đảo nhân tạo, sân bay, căn cứ quân sự… Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với chiến lược và tầm nhìn “tự do và cởi mở” mà Washington đang thúc đẩy cho toàn Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Hôm 31/7, sau cuộc hội đàm với các đồng cấp của ASEAN, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói, bất kỳ sự khác biệt nào cũng có thể được giải quyết song phương giữa chính các bên liên can trực tiếp. Họ Vương cũng tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh - sẽ ký kết Quy tắc ứng xử trên Biển Đông với ASEAN, sao cho khu vực tranh chấp trở nên “ổn định” hơn.

Trung Quốc, cây gậy và củ cà rốt

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn trái ngược. Các yêu sách lãnh thổ và sự xâm lược của Trung Quốc trên Biển Đông gặp phải sự lên án từ phía Mỹ cũng như các thành viên ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Trước đó, ASEAN và Trung Quốc đã hoàn thành vòng đàm phán đầu tiên về Bộ quy tắc ứng xử trên biển, nhưng theo các chuyên gia, hai vòng đàm phán tiếp theo có khả năng phá sản, vì không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ đồng ý với bất kỳ điều gì có thể làm giảm yêu sách hàng hải của họ.

Cũng trong ngày 31/7, Hội nghị thường niên Bộ trưởng ngoại giao ASEAN ra thông cáo chung cho biết, một số bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc cải tạo đảo nhân tạo. Các vụ việc vừa qua trong khu vực đã làm xói mòn niềm tin và gia tăng căng thẳng.

Sau đe nạt, ông Vương Nghị chuyển sang ve vuốt thương mại khi nói quan hệ mua bán hai chiều giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc đã đạt 580 tỷ USD vào năm ngoái, trong khi đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia Đông Nam Á đạt gần 10 tỷ USD. Ông nói, đây là lần đầu ASEAN trở thành điểm đầu tư lớn thứ hai của Trung Quốc.

Người ta sẽ phải chú ý đến sự xuất hiện và các phát biểu của Subrahmanyam Jaishankar - Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ - nước có liên quan trực tiếp trong sự căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông, sau sự xâm lược của phương Bắc trong hoạt động dầu khí. 

Căng thẳng trên Biển Đông bùng phát trở lại vào đầu tháng Bảy, khi các tàu Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam và Việt Nam cáo buộc Trung Quốc vi phạm chủ quyền - can thiệp vào các hoạt động dầu khí nằm trong lãnh hải Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Mỹ gọi hành động của Trung Quốc là làm suy yếu an ninh năng lượng khu vực và kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt hành vi bắt nạt, kiềm chế hoạt động khiêu khích, gây bất ổn.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI