Các ‘tay săn ảnh rởm’ đang phá vỡ bức tường đạo đức ảnh báo chí?

18/01/2018 - 13:30

PNO - Phóng viên ảnh của hãng AP, A.Ma Ahad, cũng là nhà đồng sáng lập hãng ảnh Absurd, vừa kể lại câu chuyện khôi hài khi anh có mặt tại ga xe lửa ở Bangladesh mới đây.

Anh bắt gặp hình ảnh một nhóm nhiếp ảnh khác chĩa ống máy về phía một thanh niên trẻ tuổi. Người thanh niên này đang vươn người qua ô cửa sổ trong tư thế cầu nguyện. Theo nguyên tắc ảnh báo chí phổ thông, đây là một bức ảnh dàn dựng.

Ahad nhanh chóng ghi lại đoạn video dài 18 giây về những gì anh chứng kiến và sau đó đã chia sẻ lên trang Facebook cá nhân của mình.

Đây là một trong những ví dụ điển hình về phương thức tác nghiệp của các nhiếp ảnh gia để “săn tìm” các tấm hình giá trị trong ngày lễ Hồi giáo hàng năm tại Bangladesh. Họ tìm kiếm cơ hội được đề cử và tranh giải thưởng “nhiếp ảnh báo chí”.

Chia sẻ với trang PetaPixael, nhiếp ảnh gia của hãng AP cho biết: “Trong vòng 2 năm trở lại đây, trong dịp lễ Bishwa Ijtema và Eid al-Adha, hàng trăm khách du lịch Malaysia và Trung Quốc tới Bangladesh mang theo máy ảnh và tác nghiệp. Họ cố gắng tạo ra những bức hình ấn tượng và chuyên nghiệp như những nhiếp ảnh gia thực thụ”.

Vì họ không phải là những phóng viên ảnh báo chí đúng nghĩa nên những bức hình được chụp không tuân thủ tiêu chuẩn hay quy tắc ứng xử đạo đức nhà báo.

Ahad nói thêm, những “nhiếp ảnh gia” này chụp những gì họ cho là bắt mắt và phụ thuộc vào cảm nhận hơn là những quy tắc,  vì “mọi người nghĩ rằng việc tạo dáng khi nhiếp ảnh gia yêu cầu là điều hết sức tự nhiên”.

“Điều gì đang diễn ra trong thành phố này vậy?” Ahad viết trên trang Facebook. “Bangladesh không phải nơi dành cho những người ngoại đạo này đến và phá vỡ các quy tắc nhiếp ảnh chuyên nghiệp, vì mục tiêu tranh giành giải thưởng”.

Ahad cho biết thêm, khi yêu cầu người dân tạo dáng để chụp ảnh, một số nhiếp ảnh gia làm ra vẻ giống như họ là phóng viên ảnh được cử đến từ các tòa báo vậy.

“Hãy dừng những lời bao biện rằng bạn đến từ một cơ quan truyền thông nước ngoài nào khi không thể đưa ra bằng chứng. Sẽ rất khó để tạo ra những bức hình khi bạn chỉ chụp theo cách “cưỡi ngựa xem hoa”. Xin hãy làm ơn ở nhà giùm” - Ahad viết trên Facebook cá nhân của anh.

Phương Minh (theo PetaPixel)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI