Bùng nổ du lịch Nam cực của người Trung Quốc và cái giá phải trả

16/04/2018 - 08:40

PNO - Gần đây, làn sóng người Trung Quốc giàu có bỏ tiền đi du lịch Nam cực ngày càng tăng khiến các nhà khoa học lo lắng về tác động của con người đến hệ sinh thái nguyên sơ của địa cực.

Đến đây, du khách có cơ hội chụp ảnh selfie với các chủ nhân của băng tuyết Nam cực – chim cánh cụt.

Xu Chenghua, nhà làm phim về thế giới hoang dã, được dặn dò nên tránh xa chim cánh cụt. Chàng trai người Hàng Châu này đã đến Nam cực hai lần, anh cho biết du khách được nhắc nhở nhiều lần về các quy tắc, trong đó có yêu cầu không xả rác và không được đến gần con vật dưới 5 mét.

Bung no du lich Nam cuc cua nguoi Trung Quoc va cai gia phai tra
 

"Nhưng một số du khách Trung Quốc vẫn cư xử tồi tệ, họ gây ồn ào, nhảy múa trước chim cánh cụt và thậm chí tìm cách ‘bắt tay’ con chim”, Xu nói. Anh cho biết chỉ có người giàu mới có tiền đến đây du lịch, nhưng cách cư xử của họ thật đáng chê trách.

Khi khách du lịch Trung Quốc đến hai cực Trái đất càng nhiều, các nhà khoa học và các công ty du lịch ngày càng nhận thức được sự cần thiết phải quản lý dòng chảy du khách nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường mong manh của lục địa.

Wang Pei, thành viên nhóm nghiên cứu khoa học Nam cực 33 của Trung Quốc, nói ông và các đồng nghiệp thường xuyên gặp du khách đến từ Trung Quốc khi ông làm việc tại trạm Trường Thành – trạm nghiên cứu khoa học đầu tiên của Trung Quốc ở Nam cực – trong thời gian từ tháng 12/2016 đến tháng 2/2017.

Bung no du lich Nam cuc cua nguoi Trung Quoc va cai gia phai tra
 

Wang cho biết, khi không bận rộn tại hiện trường và xử lý dữ liệu, các thành viên nhóm tại trạm nghiên cứu ở quần đảo Nam Shetland mỗi tuần đón từ 12 đến 100 khách tham quan, chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Nhiều người muốn đến thăm trạm nghiên cứu của Trung Quốc, và “không có lý gì chúng tôi không hoan nghênh họ”.

Tuy nhiên, các chuyến viếng thăm thường xuyên của du khách thực sự cản trở công việc nghiên cứu, và gây nên mối lo ngại về tác động của con người đến hệ sinh thái nhạy cảm trong khu vực này.

Theo Hiệp hội Quốc tế Các nhà khai thác du lịch Nam cực, Trung Quốc hiện chỉ đứng sau Mỹ về số lượng khách du lịch đến Nam cực.

Trong số hơn 44.000 du khách đến thăm Nam cực - mảnh đất lạnh nhất, khô nhất và lộng gió nhất Trái đất - trong mùa hè 2016-17, 12%  là từ Trung Quốc, so với 33% từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, số lượng du khách Trung Quốc tăng 25% so với một năm trước đó.

Bung no du lich Nam cuc cua nguoi Trung Quoc va cai gia phai tra
 

Du khách Trung Quốc thường ở lại trạm Trường Thành khoảng một giờ, nhưng phải mất nhiều thời gian hơn để lên bờ và rời đi bằng thuyền, ông Wang nói.

Nhân viên của trạm giới thiệu hoạt động của mình và ngăn không cho du khách thám hiểm các khu vực nguy hiểm. Trước đây, từng có một nhóm khách du lịch bị mắc kẹt tại trạm gần bốn giờ do thời tiết khắc nghiệt.

Ông Wang nói nhà chức trách nên tiến hành đánh giá trước khi mở cửa một khu vực nào đó cho khách du lịch. Các chuyến viếng thăm của công chúng cũng cần được tổ chức tốt hơn, ông nói.

Bung no du lich Nam cuc cua nguoi Trung Quoc va cai gia phai tra
 

Các chuyên gia trong ngành nhìn thấy làn sóng du lịch đến Nam cực tiếp tục bùng nổ. Việc hạn chế số lượng du khách đến đây rất khó khăn, ít nhất là vào lúc này.

Amanda Lynnes, người đứng đầu bộ phận truyền thông và môi trường của Hiệp hội các nhà khai thác du lịch Nam cực, cho biết bà mong muốn tăng trưởng trong ngành này "tiếp tục theo kịp xu hướng với du lịch toàn cầu, đối với du khách Trung Quốc cũng như vậy".

Bà nói: "Số lượng du khách tăng lên, mặc dù 44.000 là con số tương đối nhỏ so với các khu du lịch hoang dã hoặc các điểm đến xa xôi khác, ví dụ Iceland đón 2,2 triệu du khách vào năm 2017. Tiếp tục giám sát và hợp tác trên quy mô lớn và toàn cầu là điều tối quan trọng để bảo vệ môi trường đặc biệt của Nam cực".

Ông Zhang, một nhà cuản lý của công ty du lịch Caissa, cho biết ông hy vọng khu vực này sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong vài năm tới, vì “du lịch đến Bắc cực trở thành mục tiêu du lịch cuối đời đối với nhiều khách hàng trung và cao cấp".

Bung no du lich Nam cuc cua nguoi Trung Quoc va cai gia phai tra
 

Ông Zhang cho biết những lo ngại về môi trường là thách thức chủ yếu đối với triển vọng du lịch Nam cực.

Ông nói rằng ngoài rác thải do du khách bỏ lại, các con tàu chở khách cũng là nguồn phát thải khí và dầu di động, “và chúng ta cũng nên xem xét những tác động của tàu bè đối với sinh vật biển trong một hệ sinh thái nhạy cảm như Nam cực".

Thanh Vân (Theo South China Morning Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI