Báo nước ngoài viết về trào lưu ‘cưới giả’ ở Việt Nam

26/02/2018 - 19:14

PNO - Phá vỡ truyền thống trong xã hội Việt Nam có thể đem lại sự hổ thẹn cho cả gia đình, vì thế nhiều bạn trẻ đã chọn cách “cưới giả” để “vẹn cả đôi đường”.

Ngày cưới của Kha trông rất hoàn hảo nhưng sự thực, cô gái ấy đang giấu một bí mật đen tối.

Kha đang mang thai ở tuổi 27, và người chồng sẽ cùng cô uống rượu giao bôi chỉ là một người lạ mà cô thuê để tổ chức đám cưới, nhằm tránh sự kỳ thị xã hội khi “không chồng mà chửa”.

Kha nói: “Bố mẹ tôi sẽ rất xấu hổ trước làng xóm nếu tôi có thai mà không có chồng”. Đám cưới giả trị giá hơn 30 triệu đồng do cha ruột của đứa bé trong bụng Kha tài trợ, anh này đã có gia đình riêng.

Bao nuoc ngoai viet ve trao luu ‘cuoi gia’ o Viet Nam
Nhiều bạn trẻ ở Việt Nam chọn cách "cưới giả" để thoát khỏi áp lực từ gia đình và xã hội.

Ngành kinh doanh đám cưới giả đang trên đà phát triển ở Việt Nam với khoảng 70% số dân trên 15 tuổi đều đã có gia đình, và không chỉ những phụ nữ lỡ mang thai như Kha mới tìm đến dịch vụ này.

Các cặp vợ chồng trẻ sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để thuê bố mẹ, cô dì, chú bác, người đỡ đầu và bạn bè nhằm xoa dịu áp lực lập gia đình hoặc tránh xung đột giữa những người không chấp nhận cuộc hôn nhân.

Kha và người chồng giả của cô ấy chưa bao giờ kết hôn hợp pháp, một quy định được cho là mang tính hình thức và thường bị che mờ bởi những bữa tiệc cưới xa hoa; nhưng cô mãi mãi biết ơn anh ấy vì đã chịu khó “diễn tròn vai” trước mặt bạn bè và người thân.

Kha tươi cười nói: "Tôi cảm thấy như người sắp chết đuối vớ được cọc”; tên của cô đã được thay đổi để bảo vệ danh tính thật.

Bố mẹ Kha biết bí mật, nhưng không lâu sau, cô sẽ kể cho các thành viên khác trong gia đình rằng “chồng cô” muốn ly hôn. Cô chẳng thà làm mẹ đơn thân do ly dị, còn hơn mang tiếng có con ngoài giá thú.

Cách biệt về tư tưởng

Các chuẩn mực về hôn nhân đang thay đổi nhanh chóng trong giới trẻ ở Việt Nam, nơi có hơn một nửa trong số 93 triệu dân là người dưới 30 tuổi.

Bao nuoc ngoai viet ve trao luu ‘cuoi gia’ o Viet Nam
Tuy xã hội Việt Nam ngày càng tiến bộ, cách biệt về tư tưởng và quan điểm hôn nhân là mối xung đột chính giữa các thế hệ.

Nhiều cặp vợ chồng chọn sống chung với nhau trước hôn nhân hoặc trốn khỏi gia đình và tự thuê căn hộ riêng. Tỷ lệ phá thai theo đó cũng gia tăng, với khoảng 300.000 ca nạo phá thai chính thức vào năm 2017.

Tuy nhiên khi nói đến lễ cưới, nhiều người vẫn cảm thấy áp lực gia đình hoặc xã hội là quá lớn, đặc biệt là từ những người cao tuổi bảo thủ.

Nhà nghiên cứu tâm lý học Nguyễn Duy Cường cho biết: "Nhiều bạn trẻ không đủ can đảm sống đúng với trái tim mình; họ phải đối mặt với những thói quen, phong tục, văn hoá và quan điểm truyền thống".

Đó là những gì khiến Hương và bạn trai là Quân quyết định dựng nên một màn kịch “cưới giả”.

Gia đình của Quân không chấp nhận Hương vì cô ấy đến từ một vùng quê nghèo. Ngược lại, cha mẹ của Hương khăng khăng bắt cô kết hôn trong năm Dậu theo lời khuyên từ thầy bói.

Vì vậy, cặp vợ chồng quyết định tổ chức một đám cưới giả tại quê của cô dâu ở Nghệ An. Khách mời đám cưới là thật, nhưng bố mẹ, chú bác, cô dì, bạn bè chú rể, đều được thuê.

Mặc dù là đám cưới giả, Quân nói rằng tình cảm và hôn nhân của họ là chân thật.

Đám cưới diễn ra khá suôn sẻ cho đến khi một người “chú thuê” nhận lầm bạn bè thời thơ ấu của Quân. Tuy nhiên, Quân cảm thấy nhẹ nhõm khi mọi việc kết thúc, mặc dù anh vẫn phải giữ bí mật về đám cưới để cha mẹ ruột không biết.

Bao nuoc ngoai viet ve trao luu ‘cuoi gia’ o Viet Nam
Một đám cưới giả có giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, nhưng đối với nhiều người, đây chính là phương án giúp giải thoát họ khỏi bế tắc cuộc sống.

Quân giải thích: "Thật thoải mái khi bỏ ra chút tiền và làm cho mọi người hạnh phúc. Chúng tôi đã giải quyết những vấn đề đau đầu trong hòa bình".

Lối thoát toàn vẹn

Quân và Hương là một trong số hàng trăm cặp vợ chồng thuê khách mời đám cưới từ nhà cung cấp Vinamost, một trong số ít các công ty ở Hà Nội chuyên về dịch vụ này, với giá khoảng 4.400 USD (100 triệu đồng) cho vở kịch từ A đến Z.

Người sáng lập Công ty, Nguyễn Xuân Thiện cho biết họ đã tổ chức hàng nghìn đám cưới giả trong những năm qua, mặc dù không có số liệu thống kê chính thức về số vụ đám cưới giả tổ chức mỗi năm tại Việt Nam.

Theo ông Thiện, việc kinh doanh của công ty ngày càng phát đạt với đội ngũ hơn 400 người đóng vai "quan viên hai họ". Dù vậy, ngay bản thân ông cũng cảm thấy băn khoăn về những áp lực xã hội, vốn tạo ra thị trường cho việc kinh doanh của công ty.

Ông thiện nói với AFP: “Giống như một bệnh viện điều trị bệnh tật, chúng tôi đang giúp đỡ cô dâu và gia đình của họ. Tuy vậy, chúng tôi không muốn phương án này lan rộng”.

Ông nói thêm rằng bản thân luôn coi công việc của mình là một loại dịch vụ cộng đồng và không đặt nặng vấn đề lợi nhuận.

Kha, cô gái sẽ làm mẹ ​​vào khoảng tháng 4 tới, nói rằng cuộc hôn nhân giả mạo cuối cùng đã giải phóng cô khỏi áp lực cuộc sống.

Cô bộc bạch: "Giấu giếm việc mang thai khiến tôi vô cùng mệt mỏi, nhưng bây giờ tôi cảm thấy rất tự tin về hiện tại và tương lai".

Ngọc Hạ (Theo AFP, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI