Anh đòi hủy chuyến thăm của ông Trump vì nhẹ tay với 'tân Quốc xã'

17/08/2017 - 07:27

PNO - Nhiều người tại Anh đang lo ngại rằng, việc Tổng thống Donald Trump nương nhẹ với bạo lực phát xít tại Mỹ có thể khích lệ phe cực hữu tại Anh.

Các nhà hoạt động Anh tuyên bố chính phủ nước này cần rút lại lời mời Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Anh vì ông ta "cảm thông với tân Quốc xã" khi xảy ra vụ bạo loạn Charlottesville ở Virginia, Hoa Kỳ.

Tổng thống Mỹ đã làm tình hình “rối ren” khi ông nói rằng những người “cực tả” phải chia sẻ trách nhiệm với các thành viên Ku Klux Klan (3K), những kẻ cực đoan ủng hộ người da trắng và tân Quốc xã, vì đã để bạo loạn bùng nổ khi nhóm cực hữu tổ chức một cuộc xuống đường ở Charlottesville.

Anh doi huy chuyen tham cua ong Trump vi nhe tay voi 'tan Quoc xa'
Thủ tướng Theresa May đã mời Tổng thống Trump đến thăm Anh nhưng chuyến thăm đang bị ông Trump trì hoãn - Ảnh: Independent

Nhóm cực hữu, bao gồm cả những kẻ mặc đồng phục bán vũ trang đeo súng trường, đã tụ tập để phản đối kế hoạch tháo dỡ một bức tượng của vị tướng Liên bang Robert E. Lee.

Ông Trump nói rằng những người biểu tình cực hữu đã tập trung "một cách vô tội" và "hợp pháp" để biểu dương sức mạnh, và ông cáo buộc các phương tiện truyền thông đưa tin không trung thực về vụ bạo loạn.

Người biểu tình chống phát xít Heather Heyer, 32 tuổi, đã thiệt mạng khi một chiếc xe được cho là cố ý lao vào một đám đông ở thành phố Charlottesville.

Thủ tướng Anh Theresa đã mời ông Trump đến thăm Anh, nhưng Tổng thống Mỹ trì hoãn chuyến thăm này cho đến khi chính phủ Anh có thể đảm bảo ông sẽ không phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối của người dân xứ sở sương mù, một điều kiện dường như là “không tưởng”.

Anh doi huy chuyen tham cua ong Trump vi nhe tay voi 'tan Quoc xa'
Tổng thống Trump bị cáo buộc "cảm thông với tân Quốc xã" khi xảy ra vụ bạo loạn Charlottesville - Ảnh: Getty Images

Nick Dearden, giám đốc Công lý Toàn cầu của Anh, một tổ chức nằm trong thành phần Liên minh Anh Quốc phản đối Trump, đã kêu gọi Thủ tướng Anh Theresa thể hiện lập trường chống chủ nghĩa phát xít và thu hồi lời mời gây tranh cãi của bà.

Ông Dearden cảnh báo rằng nếu việc này thất bại có thể khích lệ phe cực hữu ở Anh. Ông nói rằng "không có gì xảy ra ở Charlottesville mà không thể xảy ra ở Anh!”.

Ông khẳng định: “Các chính trị gia của chúng ta cần phải gửi những thông điệp rõ ràng rằng sự thù ghét và bạo lực như vậy không thể dung thứ được”.

Phát biểu trên trang Twitter chính thức của mình ngay sau vụ bạo loạn Charlottesville, Thủ tướng Anh viết: "Chúng tôi chia sẻ và cầu nguyện với #Charlottesville. Vương quốc Anh sát cánh với Mỹ chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, hận thù và bạo lực”.

Trước đó, các chính khách Đức cho rằng ông Trump “coi nhẹ” bạo lực phát xít ở Mỹ.

Anh doi huy chuyen tham cua ong Trump vi nhe tay voi 'tan Quoc xa'
Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas phản đối cách thức phát biểu của Tổng thống Trump về về những hành động bạo lực của phe cực hữu ở Charlottesville - Ảnh: Reuters

Ông Martin Schulz, thủ lĩnh đảng Dân chủ xã hội (SPD), tuyên bố rằng "việc xem thường bạo lực của Quốc xã bởi những phát ngôn nhầm lẫn của Donald Trump rất nguy hiểm”.

Phát biểu của ông Schulz được Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas, một thành viên cấp cao khác của SPD, hưởng ứng. Ông Maas nói rằng “không thể chịu nổi” cách thức ông Trump cảnh báo về những hành động bạo lực của phe cực hữu ở Charlottesville.

Việt Hưng (theo Independent, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI