Mong con làm ông chủ, bà chủ

31/03/2017 - 06:30

PNO - Nhiều bạn trẻ cho rằng, đôi khi chính cái bóng cha mẹ quá lớn đã làm con cái mất khả năng làm chủ.

Có thể thấy một điều, đa phần con người ai cũng có tâm lý thích… làm chủ. Làm chủ ở đây theo nghĩa độc lập trong công việc, tự hoạch định và thực hiện kế hoạch, quản lý mọi việc từ xây dựng kế hoạch cho đến tổ chức thực hiện, không chỉ chịu trách nhiệm về công việc của mình mà còn bảo vệ nhiều người khác.

Mong con lam ong chu, ba chu
 

Hoàn toàn khác với việc làm công ăn lương, thụ động chờ kế hoạch, chờ chỉ thị hướng dẫn, an phận sáng cắp ô đi, tối cắp về hay, mang tư duy của kẻ làm thuê ăn no vác nặng, ai sai gì làm đó, không bảo thì không làm…

Kỳ vọng của bố mẹ

Một ông bố tâm sự, khi ông quyết định cho con đi học nước ngoài điều ông mong muốn duy nhất là con ông được hưởng một nền giáo dục dạy con người biết làm chủ, từ việc làm chủ bản thân cho đến hoạch định kế hoạch tương lai, có trách nhiệm về cuộc đời của mình.

Là căn bản cho việc tạo ra một thế hệ biết làm cho mình chứ không phải làm thuê cho người khác, chủ động trong công việc, không chờ ai đôn đốc, ỷ lại hay đòi hỏi sự giúp đỡ.

Ông khẳng định, bỏ tiền ra là muốn cho con cái được hưởng nền giáo dục dạy cho con người biết làm chủ và có bản lĩnh đạt được thành công trong cuộc sống.

Một ông bố khác cho biết, khi con gái tốt nghiệp đại học ra trường với tấm bằng giỏi, nhiều công ty ngỏ lời mời nhưng cô kiên quyết không đi làm mà xin ông cho đi học nước ngoài. Ý cô không muốn làm thuê mà muốn đi học để trở về… làm chủ. Ông biết, đó là ước mơ của cô. Có ước mơ đã là điều tốt đẹp rồi và ông không cản ý định này của con.

Tuy nhiên, ông cũng hiểu rất rõ, có thể con ông sẽ thành công nghĩa là cô sẽ hoc tập được phương thức quản lý tiên tiến của nước người và về áp dụng, cũng có thể sẽ vấp vì học một lẽ, nhưng không chắc ai cũng có được thành công từ những bài học. Đó là do ông đã trải, đã có kinh nghiệm và biết rằng thành công trong cuộc đời đôi khi yếu tố vận hạn cũng là một cơ may quyết định.

Mong con lam ong chu, ba chu
 

Nhiều bạn trẻ bây giờ nôn nóng muốn làm chủ. Tâm lý làm thuê luôn bó hẹp suy nghĩ con người và khó phát huy hết năng lực. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm chủ được và việc làm chủ muôn vàn khó khăn.

Đầu tư mở một quán cà phê chẳng hạn. Tiền bỏ vào không nhỏ, nhưng thu lại được, có lợi nhuận hay không còn phải tính đến yếu tố lâu dài. Người làm chủ muốn phát triển còn phải nghĩ đến việc “nuôi quân” và “giữ quân”, đó là kế hoạch không nhỏ, ngoài ra còn yếu tố vì cộng đồng… Biết bao nhiêu người phá sản vì nhiều lý do, thương trường là chiến trường mang ý nghĩa đó.

Cái bóng quá lớn

Nhiều bạn trẻ cho rằng, đôi khi chính cái bóng cha mẹ quá lớn đã làm con cái mất khả năng làm chủ. Một gia đình tưởng là đã viên mãn với cha là một giáo sư danh tiếng, mẹ là một doanh nhân thành đạt. Con gái lớn đang làm tiến sĩ ở nước ngoài và cậu con trai út đang học năm thứ tư đại học. Gia đình lâu nay không hề có tai tiếng gì. Mô hình gia đình hoàn hảo bao người mơ ước.

Vậy mà, một hôm bà mẹ đi làm về phát hiện cậu con trai đã chết bằng cách có chuẩn bị sẵn và phải suy nghĩ trong thời gian dài mới thực hiện được. Cậu để lại thư tuyệt mệnh rằng, không vượt qua nổi cái bóng quá lớn của cha mẹ bởi trình độ của cậu yếu, còn nợ rất nhiều môn ở đại học, khó có khả năng trả nợ để ra trường. Nỗi đau của cha mẹ trong trường hợp này quả là không chịu nổi. Bài học nông nổi của cậu khiến bất cứ ai quen biết gia đình ấy đều phải suy nghĩ.

Kỳ vọng của cha mẹ với con cái là hoàn toàn chính đáng, không chỉ ở cha mẹ thành đạt mà càng thôi thúc hơn khi cha mẹ nghèo khó với mong muốn đời con không khổ như mình.

Và, thời nay, nguyện vọng này càng chính đáng hơn khi cuộc sống ngày càng đi vào quỹ đạo cạnh tranh khốc liệt. Rất nhiều nhu cầu con người cần phải có để nâng cao chất lượng cuộc sống. Xã hội văn minh, tiến bộ, nhu cầu con người ngày càng cao; tất nhiên, cái giá phải trả cho các mong ước đó không nhỏ.

 Làm chủ bản thân

Mới thấy một điều rằng, ý nghĩa làm chủ không chỉ dừng lại ở việc con người quyết tâm phải làm được “ông chủ, bà chủ” mà ngay từ việc nhỏ nhất phải biết làm chủ bản thân.

Mong con lam ong chu, ba chu
 

Trong tình yêu chẳng hạn, cho dù yêu nhau tha thiết đến đâu, hai con người vẫn có lúc mâu thuẫn. Đã có nhiều trường hợp xảy ra, chỉ vì lý do rất nhỏ mà đôi khi dẫn đến tai họa lớn khi con người không biết kiềm chế.

Một mô hình gia đình kiểu mẫu, vợ chồng thành đạt, con cái giỏi giang, họ sống hạnh phúc. Bỗng dưng một ngày ông chồng có mối quan hệ ngoài luồng với một phụ nữ trẻ. Điều nguy hiểm ở đây là tính an nguy đối với những người thân trong gia đình.

Nếu ông không đáp ứng nguyện vọng của người phụ nữ trẻ ấy, gia đình ông có nguy cơ tan vỡ tất cả. Ông chồng bỗng nhận ra một điều, chỉ vì không làm chủ được bản thân vô tình ông làm ảnh hưởng đến gia đình. Giải quyết vấn đề là một bài toán khó. Có thể ông sẽ thu xếp ổn thỏa, nhưng đôi khi không thể!

Không chỉ trong tình yêu mà trong bất cứ mối quan hệ xã hội nào. Tâm lý con người rất mong manh, đôi lúc chỉ một phút không kềm lòng hay một tích tắc nông nổi, sự việc không mong muốn lại xảy ra. Môi trường xã hội phức tạp dễ ảnh hưởng đến tâm lý của con người khiến dễ nổi nóng, “nộ khí xung thiên”.

 Mới thấy, học làm chủ và tập làm chủ là hai khái niệm phải đi đôi với nhau mới mong đạt được thành công. Đây là cả một quá trình học và rèn luyện. Biết kiềm chế, bình tĩnh xử lý tình huống, tỉnh táo trong việc nhận định và phán đoán sự việc… là bài học đôi khi con người phải học cả đời. Bởi, ngày hôm nay và ngày mai mọi thứ có thể sẽ khác, đôi lúc có những sự việc xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn.

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI