“Con đang làm gì vậy?”, tôi bực bội hỏi cậu con trai. “Mẹ bảo con thay quần áo từ 10 phút trước và đến lớp học bóng đá mà?”. Ngay cả trong lúc tôi đang rất thất vọng và gắt gỏng, cậu con trai 6 tuổi vẫn không tỏ ra vội vàng. Thằng bé miễn cưỡng bỏ chiếc máy bay đồ chơi xuống sàn nhà, chậm rãi mang một chiếc vớ vào chân, rồi lại từ từ mang một chiếc khác…
Dường như “chiếc đồng hồ” bên trong cơ thể cậu nhóc không có chế độ báo động một tình trạng hối hả, khẩn cấp. Gần như không có “bài giảng đạo”, lời la mắng nào có thể phá vỡ sự đủng đỉnh, la cà của cậu nhóc. Vì thế, như mọi lần khác, chúng tôi lại lao ra khỏi cửa một cách hối hả, bực bội.
Thật ra, gần như chỉ mình tôi lao như tên bắn. Trong lúc đó, thằng bé vẫn nhẩn nha bước, vừa đi vừa nghịch một món đồ chơi nào đó trên tay. Và tôi, giữa nỗi lo lắng “lại trễ giờ”, thỉnh thoảng vẫn phải dừng lại một chút để vừa chờ con vừa càu nhàu. Một hình ảnh mà tôi đoán chắc chắn trông thật xấu xí.
|
Ảnh minh họa |
Mặc dù không ít người trong số các bậc cha mẹ chúng ta chưa chú trọng việc giáo dục tính đúng giờ cho trẻ nhỏ, nhưng theo các chuyên gia, đó là một việc quan trọng và cần thiết. Tiến sĩ, nhà tâm lý học người Mỹ Stephanie Mihalas chia sẻ: "Kỹ năng quản lý thời gian cho trẻ em vốn là những kỹ năng sống cơ bản mà trẻ nên được dạy ở nhà trường cho thành thạo, trở thành những thói quen ăn sâu vào tính cách của trẻ trong phần còn lại của cuộc đời. Vì thế, giáo dục tính đúng giờ cho trẻ nhỏ cũng không phải là việc làm quá sớm”.
Quản lý thời gian bao gồm các kỹ năng điều hành, hoạt động như tổ chức và lập kế hoạch, xem xét công việc về chất lượng, tính chính xác và mức độ duy trì sự tập trung.
Lập kế hoạch họp mặt gia đình hằng tuần
Có lẽ bạn nên dành riêng một khoảng thời gian nào đó vào tối Chủ nhật để bàn bạc, thảo luận về lịch trình sắp tới của gia đình mình. Mỗi cuối tuần, bạn cũng có thể phát cho các con, mỗi trẻ một tờ lịch riêng để bé có thể điền vào lịch hoạt động của bé trong tuần sau. Sau cùng, hãy dán lịch chung của gia đình lên, trong đó đánh dấu hoạt động tuần tới của mỗi người bằng một màu mực khác nhau.
Sử dụng bộ hẹn giờ
Hãy xây dựng cho trẻ nhỏ nhận thức về khoảng thời gian cần có để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Ví dụ, bạn nên yêu cầu con ước tính thời gian cần thiết để giải xong bài tập toán và sau đó, sử dụng bộ hẹn giờ đếm ngược. Bạn cũng có thể áp dụng bộ hẹn giờ đếm ngược với các hoạt động khác: ăn uống, chơi thể thao, dọn dẹp phòng, tưới cây… Bằng cách tập luyện như vậy, trẻ sẽ dần dần nhận thức được rằng mỗi nhiệm vụ, mỗi công việc thực sự cần bao nhiêu thời gian.
Theo các chuyên gia tâm lý, các bậc phụ huynh có thể nói với con: “Con đánh răng đi nhé. Mẹ sẽ quay trở lại trong 5 phút nữa”. Sau đó, bạn đi làm việc khác. Nhưng nên nhớ, hãy sử dụng bộ hẹn giờ (trên điện thoại chẳng hạn) để nhắc nhở bạn khi đã đến lúc kiểm tra con mình.
Tạo danh sách các việc trẻ phải làm
Bạn hãy viết hoặc dán danh sách các công việc trẻ phải làm mỗi ngày lên một tấm bảng và treo ở vị trí dễ nhìn thấy nhất trong nhà. Ví dụ, buổi sáng mỗi ngày có thể bao gồm các việc: dọn giường, đánh răng, ăn sáng và thay áo quần; buổi tối sẽ là: ôn bài, giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, tưới cây, cho cá ăn... Bé có thể kiểm tra và đánh dấu các công việc khi hoàn thành chúng.
|
Ảnh minh họa |
Có “chính sách” động viên, khuyến khích trẻ
Hãy tìm ra cách riêng của bạn để động viên trẻ quản lý thời gian của mình. Chẳng hạn, nếu con bạn có nhiều lần hoàn thành công việc đúng hẹn, bé sẽ được những phần thưởng tự nhiên như được thêm một giờ khi đi chơi công viên với ba mẹ, với bạn bè (nếu trẻ thích các hoạt động ngoài trời), được tặng một quyển sách hay (nếu trẻ thích đọc sách), được tặng một món đồ chơi (nếu trẻ thích đồ chơi)... Nếu có nhiều lần không đúng giờ, bé sẽ bị phạt bằng cách cắt bớt thời gian chơi với bạn bè, thời gian xem các chương trình hoạt hình hoặc cắt luôn cả khoản ăn vặt hằng ngày…
Sử dụng hình ảnh vui nhộn
Đối với những đứa trẻ chưa biết đọc, các bức hình vui nhộn, ngộ nghĩnh có thể là giải pháp thay thế để bạn giáo dục con cách quản lý thời gian. Chẳng hạn, bạn có thể sử dụng bức hình vẽ một bộ quần áo để nhắc nhở bé đến giờ phải thay đồ. Bạn dùng bức hình một món ăn mà trẻ yêu thích thay cho lời nhắc về giờ ăn.
Dùng hình bồn tắm với vài món đồ chơi trong đó để nhắc trẻ về giờ tắm. Hình chú mèo đang cuộn tròn ngủ ngon để báo hiệu với trẻ đây là giờ ngủ… Có thể lúc đầu bạn không thành công, nhưng đừng nản lòng, hãy tiếp tục cố gắng. Người ta thường mất ít nhất một tháng để thay đổi thói quen cũ. Với trẻ em, thời gian này có thể còn lâu hơn, thậm chí có khi hơn một năm.
Nếu bạn đang có một buổi sáng tồi tệ, thay vì giận dữ và khó chịu trên đường chở con đến trường (thật nguy hiểm), hãy cố gắng giải quyết vấn đề, tìm hiểu và quyết định nên làm gì vào ngày mai để điều tồi tệ này không lặp lại. Có thể giải pháp sẽ đơn giản là bạn nên dậy sớm hơn vài phút.
Lam Nguyên
(theo Parents)
Đừng quên là gương sáng cho con noi theo
Trong việc giáo dục con cái, vai trò của cha mẹ vô cùng quan trọng. Trẻ thường có xu hướng bắt chước những gì người lớn làm (đặc biệt là cha mẹ), nên bạn cần biết cách quản lý thời gian hiệu quả. Hãy cho con thấy bạn đã sử dụng thời gian hiệu quả như thế nào. Bạn cũng đừng quên chia sẻ với các con kinh nghiệm của bản thân trong việc quản lý thời gian.
Chẳng hạn, có lần bạn đã bỏ mất một cơ hội quan trọng trong đời vì trễ hẹn. Hoặc cũng có thể bạn đã từng mất cơ hội thăng tiến chỉ vì đi làm trễ… Trong quá trình lắng nghe, qua những câu chuyện cụ thể, chân thực, trẻ sẽ dần nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm thời gian và học được cách làm sao để quản lý thời gian hiệu quả.
Nên nhớ, trẻ con vốn vô tư và còn ham chơi nên công cuộc dạy trẻ quản lý thời gian cần nhiều sự kiên trì của cha mẹ. Đừng quá khắt khe để trẻ không cảm thấy căng thẳng mà hãy lồng ghép câu chuyện, kinh nghiệm qua những lần chơi cùng con.