Ở đời, có gian khó mới biết thương người cùng cảnh

07/05/2017 - 16:42

PNO - Khi lòng đã an yên, cô chú bắt đầu trồng mấy chậu phong lan, nuôi vài con chim Cu, chim Sáo. Bây giờ, công việc ưu tiên hàng ngày của chú là tưới tắm hàng chục giò phong lan.

Trong căn nhà khang trang, giọng cô khỏe khoắn như át tiếng trầm trầm của chú. Cô cười: “Đừng ngạc nhiên sao cô là đàn bà mà ăn to nói lớn quá nghen! Cô mà không miệng bằng tay - tay bằng miệng thì làm sao nuôi nổi bầy con tám đứa”...

O doi, co gian kho moi biet thuong nguoi cung canh
Vợ chồng chú Bộ, cô Hoa

Cô là Lê Thị Hoa 66 tuổi - vợ chú Nguyễn Đình Bộ, 72 tuổi, ngụ xã Thạnh Tây, Tân Biên, Tây Ninh. Căn nhà khang trang, thêm một mái che với hàng chục giò lan đủ màu khoe sắc.

Vài con chim cu, sáo sậu, nhồng… cất tiếng gù, tiếng hót trong lồng. Vuông sân lát gạch tận lề đường mà cô lý giải là “để cho cháu chạy khỏi bị trượt sình té”. Cuộc sống có thể đã gọi là viên mãn, nhưng nhớ lại những tháng ngày qua, cô bảo: “Cũng không hiểu sao mà vượt qua được”.

Chú Bộ quê huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ). Tuổi 20, chú lên đường theo tiếng gọi non sông như bao thanh niên cùng thời. Chú được biên chế về đơn vị bộ đội đặc công phục vụ suốt bốn năm ở chiến trường Lào - Campuchia của những năm 1967-1971.

Đến năm 1972 chú về Trường Sĩ quan lục quân 2 học tập và được giữ lại làm giáo viên. Rồi trong một chuyến cùng bộ đội hành quân về Tân Biên, chú quen cô, vốn là giáo viên cấp I tại địa phương. Tình yêu khiến chú quyết chuyển chuyên ngành từ quân nhân sang công tác quản lý nhà nước. 

Cuối năm 1975, chú cưới cô, sang 1976, chú được cấp trên phân công công tác là trưởng phòng nông nghiệp huyện Tân Biên.

Kể sao cho hết công việc của một ông trưởng phòng trong thời đất nước vừa thống nhất. Phải kiêm nhiệm một lúc ba - bốn công việc, từ sáng sớm đã đi tới cơ quan, chiều tối mịt vẫn chưa được về tới nhà vì phải đi cơ sở, giải quyết bao công việc.

Lương bổng lúc đó phát bằng tem phiếu, mà con thì lần lượt ra đời, cái ăn không chờ tới kỳ hạn lãnh. Vậy là cô, ngoài giờ lên lớp thì phải tự bơi bằng công việc đánh tranh lợp nhà. Vào thời đó, chỉ có nhà lá, nhà tranh nên mới có cái nghề cắt tranh về đánh thành tấm. Cô sinh con mới ba ngày đã phải ra ngồi đánh tranh thuê cho người ta mà công cán chỉ trả bằng khoai mì, gạo nát…

O doi, co gian kho moi biet thuong nguoi cung canh
 

Thương vợ khổ cực nhưng chú cũng chờ tem phiếu như ai. Không ít người nói: “Ông Bộ khờ quá, nắm trong tay bao nhiêu là quyền lực, cứ nhắm mắt nhắm mũi quẹt một hai dấu là nhà mình có vài héc-ta đất như ai”.

Nhưng chú thấy… không được., vì: “Mình đã cùng bao người, chịu hy sinh xương máu cho đất nước thống nhất hòa bình, mang công bằng ấm no lại cho người dân, thì lẽ nào cũng cùng hành vi với kẻ cướp?”. Vậy là chú chỉ biết an ủi vợ cố cùng nhau vượt qua gian khổ, tin rằng trời không phụ người lành. 

Khi ba đứa con ra đời, cô Hoa không làm cô giáo nữa. Thời gian chăm sóc con, rồi cái ăn cái mặc đã không để cô thảnh thơi cùng phấn trắng bảng đen. Cô nghỉ dạy hẳn, ngoài cắt tranh, đánh tranh bán cho người ta lợp nhà, ai cần cưa cây dọn đất, rong cành, chặt cây… cô cũng nhận.

Làm lụng không nghỉ mà vợ chồng nghèo đến nỗi không có một miếng đất riêng. Hết ở đậu nhà cha mẹ ruột của cô mãi trong xóm xa mà các con đã đến tuổi đi học, thì người anh rể cô “bán chịu” cho thửa đất này để gần trường, gần đường.

Năm 1986, khi đã có tám đứa con, chú Bộ quyết định nghỉ việc nhà nước để cùng vợ bươn chải nuôi con. Phát gò mối, lấp hố bom, cưa cây tạp, bán củi chà, củi hầm lò than, phát cỏ bờ, be đường ruộng… là những công việc mà cô chú đã trải qua trong hàng chục năm trời để nuôi đàn con khôn lớn.

Trong quãng đời bộ đội đặc công, dù cực khổ khó khăn có lúc đứng giữa lằn ranh sống - chết nhưng cơ thể chú Bộ chưa có một vết thương nào. Nhưng khoảng thời gian đi làm thuê ấy, một lần cuốc bờ ruộng, một chiếc dằm tre văng lên, chú bị bóc cả mảng da to từ má sang mũi, suýt chút nữa là hư một mắt. Phải một thời gian, vết thương mới liền da nhưng vẫn để lại vết sẹo dài trên gương mặt.

Những ngày tháng cô chú cùng miệt mài lao động bằng mồ hôi nước mắt, có khi đi phát gò, lấp hố mấy ngày liền mới về. Thì may mắn thay, tám đứa con ở nhà đứa lớn nói đứa nhỏ nghe nên anh em rất hòa thuận, thương yêu nhau.

Thế nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng, vì cứ mãi nuôi con ăn học, khó lòng dư dả. Mãi đến sau năm 2000, cô chú vẫn chưa có được căn nhà khang trang này. Rồi có người mai mối, một cô con gái của cô chú đã lấy chồng người Singapore. Sống với nhau được hơn một năm, chưa kịp có con thì người chồng phát hiện chứng bệnh “bướu máu trong ruột”.

Dù là một thương gia đủ tiền chữa bệnh, nền y học nước ngoài cũng tiên tiến, nhưng bác sĩ nói bệnh của anh không chữa khỏi. Vậy là con rể của cô chú quyết định gom vốn về quê vợ kinh doanh, để vừa giúp đỡ được gia đình nhà vợ, bà con quê vợ với nguyện vọng mai này được chết tại Việt Nam. Căn nhà được xây năm 2008 do tiền của người con rể tốt này. 

Những người con khác cũng có việc làm ổn định nên cuộc sống cô chú đã hết nhọc nhằn. Cô bảo, tuy không nhọc về thể xác, nhưng tinh thần vợ chồng cô suốt hai năm 2008-2009 bị khủng hoảng nhiều lắm. Mẹ cô, do tuổi già, vừa mất chưa đầy ba tháng, thì tới người con rể. Rể vừa mất chưa đầy năm thì tới con trai trưởng. Mà anh này mất cũng là “do cái số”. 

Nhà cô chú tại ngã ba. Hôm ấy, anh con trai có việc từ nhà chạy xe ra, thì bất chợt một thanh niên say rượu từ ngoài chạy tới, tông vào anh. Cú tông bất ngờ khiến anh văng vào trụ cổng nên đa chấn thương ngũ tạng. Đường chuyển viện từ Tây Ninh về TP.HCM mất 100km, xuất huyết không cầm được và anh đã mất trên đường đi, để lại người vợ trẻ và đứa con nhỏ dại.

Trong cơn đau đớn ấy, vợ chồng cô chú lại dìu nhau vượt qua. Cô kể, chú Bộ rất tâm lý, tướng bự xự vậy chứ rất dịu dàng. Ai mà nói lấy chồng Bắc gia trưởng, khó khăn là cô phản đối liền! Vì chú Bộ của cô dễ tính, vợ chồng luôn gọi nhau bằng tên, kèm thêm chữ ông/bà. Hồi con trai mất, cô buồn như sắp điên.

Đi ra đi vào đều thấy bóng dáng con. Cô nói: “Ông Bộ ơi, chắc tui điên quá, làm sao giờ ông Bộ?”. Chú bảo: “Bà Hoa ơi, bà ráng đi, bà nói tui không buồn sao? Nhưng tui buồn, bà điên thì mấy đứa con, rồi cháu nội ngoại phải làm sao?”. 

Vậy là để khuây khỏa, chú cô cùng đưa nhau đi chùa, tham gia công việc xóm làng bằng cách cứ thấy ai nghèo khổ thì giúp. Giúp nhà nghèo cái cuốc, cái cào, cái xe đạp… giúp nhà ngặt vài trăm ngàn tiền thuốc thang, bộ quần áo học trò… Với ý niệm vừa để cầu phước cho con vừa cầu cho lòng mình thanh thản.

Khi lòng đã an yên, cô chú bắt đầu trồng mấy chậu phong lan, nuôi vài con chim Cu, chim Sáo. Bây giờ, công việc ưu tiên hàng ngày của chú là tưới tắm hàng chục giò phong lan này, có đám tiệc trong xóm ấp thì đi dự.

Cô chăm sóc đứa cháu gái hai tuổi - con của người trai út. Chuyện xóm làng, có hoàn cảnh nào khó khăn, cô tới xem qua, rồi về kêu con cái giúp đỡ, bởi bốn cô con gái của cô chú đều đi hợp tác lao động nên kinh tế gia đình cũng khác xưa.

Chia tay, cô nói với tôi, giờ gian khổ cô chú đã qua rồi. Mà thực sự ở đời, có gian khó mới biết thương người cùng cảnh.

Hoàng Cúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI