Hy sinh cho gia đình, rồi rũ bỏ tất cả để tìm lại chính mình

06/03/2017 - 16:18

PNO - Có tác phẩm được giải thưởng tại nhiều cuộc thi văn học từ khi 19 tuổi, cô gái Kiều Bích Hậu từng mơ ước trở thành một nhà văn.

Ấy thế mà rồi đã có đến 15 năm, cô xếp ước mơ ấy lại, sống một cuộc sống theo hình mẫu: làm vợ, làm mẹ, hy sinh hết mọi thứ cho gia đình. Rồi bất chợt một ngày, cô nhận ra là mình bỏ quên bản thân và những ước mơ của mình ở đâu đó, đến nỗi giờ mình cũng xa lạ với chính mình. Chẳng phải ai cũng làm được như chị, can đảm rũ bỏ mọi điều và tìm lại con người mình, những ước mơ của mình. Và từ đó, Hậu viết như… điên. Trong vòng 10 năm, cô in tám cuốn sách và điều quan trọng nhất là cô đã cảm thấy mình được sống, được hạnh phúc như là mình từng mơ ước.

 

Hy sinh cho gia dinh, roi ru bo tat ca de tim lai chinh minh
 

Phóng viên: Từng được giải thưởng văn học từ năm 19 tuổi, thế nhưng chị đã bặt đi tới 15 năm mới quay trở lại viết. Trong 15 năm ấy, chị đã dành cuộc sống của mình cho điều gì?

Kiều Bích Hậu: Thời còn trẻ, tôi đọc nhiều lắm. Không biết là từ sách hay từ chính cuộc sống xung quanh, tôi hình thành trong suy nghĩ của mình một hình mẫu sống của phụ nữ mà tôi tin là mình phải sống như thế mới đúng: ra trường, lấy chồng, sinh con; lấy ai thì phải hết mình với người đó, phải mãi mãi yêu thương nhau, sống suốt đời với người ấy và cống hiến hết mình cho gia đình. Tôi đã sống đúng như vậy và chẳng mấy chốc, tôi nhận ra mình trở thành người kiếm tiền chính trong gia đình. Vừa dạy tiếng Anh, vừa viết báo, vừa tổ chức sự kiện, lại còn làm vợ, làm mẹ, tôi không còn thời gian cho ước mơ viết văn nữa. Chặc lưỡi, tôi tự bảo mình rằng từ 22 đến 40 tuổi, tôi sẽ kiếm tiền lo cho gia đình, từ 40 tuổi bắt đầu viết văn cũng được. Để an ủi mình, tôi bao biện rằng ở tuổi đó, tôi sẽ tích lũy được một khoản tiền đủ để không phải lo lắng ngược xuôi, lại thêm kinh nghiệm sống, yên tâm mà ngồi viết thôi.

Nhưng tôi không ngờ rằng, khi lao vào kiếm tiền, xếp bản thân mình sang một bên, tôi dần quên đi mơ ước đó. Giống như cái cây không được chăm bón, nó héo đi và chết. Tôi lại nghĩ: thôi, chả viết cũng chẳng sao. Tôi viết báo, viết nhiều để kiếm tiền và bằng lòng với cuộc sống. Không chỉ quên đi ước mơ của mình, đến cả những thú vui nhỏ nhoi mà tôi từng có ngày sinh viên như là xem đá bóng tôi cũng quên luôn và quên cho tới tận bây giờ.

Điều gì khiến chị quay lại viết lách khi chưa tới tuổi 40, viết nhiều, viết khỏe?

Bất chợt một lần, tôi nhận ra rằng tôi có chồng, có con, có cuộc sống đúng như tôi nghĩ là mình phải sống, nhưng tôi không thấy hạnh phúc. Điều tệ hại nhất là tôi làm hư chồng tôi. Anh ấy thấy tôi lo được cho gia đình nên dần quên hết mọi nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Anh ấy bị bạn bè cuốn đi. Mọi thứ đều đặt hết lên vai tôi, trong khi đó, tuổi càng lớn, càng gánh vác nhiều, tôi càng cảm thấy quá nặng nề. Tôi muốn chồng thay đổi, nhưng mọi việc đã quá muộn. Anh ấy đã quen với cuộc sống vô lo như vậy. Khi tôi yêu cầu anh ấy phải thay đổi thì chỉ dẫn đến xung đột, rạn nứt mà thôi.

Đến một lúc nào đó, tôi bắt đầu hồi tưởng lại và tự hỏi mình: tại sao tôi lại phải sống như vậy? Con cái đến tuổi nổi loạn, chồng thì vô lo. Tôi cảm thấy mình đơn độc và mệt mỏi. Có nhiều người, thậm chí cả gia đình tôi khuyên tôi “sống vì con” nhưng tôi nghĩ, mới 10 năm chịu đựng, mọi việc đã tệ như thế này thì 20 năm sẽ còn tệ hơn thế nữa. Tôi tỉnh ra và quyết định ly hôn.

Sau khi ly hôn, tôi phải mất thêm hai năm để vượt qua cú sốc. Tôi mang mặc cảm tội lỗi vì mình là người chủ động ly hôn. Tôi sợ mọi người biết chuyện riêng của mình. Bởi trước đó, giống như nhiều gia đình trí thức khác, tôi không chia sẻ chuyện nhà mình với ai. Gia đình tôi sống rất bình lặng. Chồng dạy đại học, vợ là nhà báo. Trong nhà, chẳng bao giờ có chuyện gì to tiếng với nhau, khi có chuyện thì chỉ nói chuyện với nhau một cách bình tĩnh. Và chuyện ly hôn của chúng tôi khiến nhiều người ngạc nhiên, tò mò. Những áp lực vô hình đè lên cuộc sống của tôi hết hai năm trời, dù tôi tin mình không làm gì sai. Cho đến khi tôi dần dần nhận ra rằng, mình phải sống cuộc đời của chính mình và tôi quyết định đi tìm lại tôi: tôi viết văn.

Trong khi đi tìm lại chính mình, dường như chị đã cùng một lúc tìm ra được hạnh phúc theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen?

Tôi trở lại là chính mình với niềm vui được viết. Chỉ cần có ý tưởng, có cốt truyện là tôi ngồi xuống viết, không phải chờ đợi hay để dành. Tôi in sách trong niềm hạnh phúc được làm những gì mình muốn mà không phải hỏi ý kiến ai, không phải xin phép ai hay lo lắng ai nghĩ gì. Tôi nhớ lại ngày tôi in cuốn sách thứ hai khi chưa ly hôn, chồng cũ của tôi đã hỏi tôi rằng cái người đứng đầu đơn vị xuất bản sách cho tôi ấy “có gì” với tôi hay không mà bỏ tiền ra in. Giờ thì tôi không phải lo lắng về những điều phi lý như thế nữa.

Được viết, tôi như người được tiếp thêm năng lượng sống. Và hạnh  phúc đã đến với tôi. Tôi lấy một người chồng nước ngoài. Lần kết hôn này khác hẳn với đời sống gia đình trước kia của tôi. Tôi được chồng quan tâm, chia sẻ và ủng hộ tất cả những gì tôi muốn làm. Tôi gạt được hết tất cả những lo toan bình thường của cuộc sống để tập trung vào làm việc mình yêu thích.

Đến mức, những khi tôi bắt đầu làm việc là người tôi lửng lơ như đang ở trên trời. Không ai gọi điện được cho tôi, và nói chuyện với tôi cũng rất khó. Thế nhưng, tôi được chồng thông cảm. Cần phải tập trung viết, tôi có thể xách máy ra quán cà phê ngồi hàng giờ đồng hồ mà không bị cằn nhằn, trách móc gì. Tôi đã sống được như thế, viết được như thế 10 năm nay. Hình như là thai nghén đến 15 năm nên khi bắt đầu sinh nở là tôi sinh ào ào. Tám cuốn sách liên tục được ra đời và sắp tới sẽ là cuốn thứ chín.

Có rất nhiều người cũng từng trải qua những giai đoạn của cuộc đời như chị: lấy chồng, sinh con, sống vì chồng vì con, rồi đổ vỡ, mất mát nhưng họ mãi mãi cũng không tìm lại được chính mình, hạnh phúc cho mình. Chị có thể cho những người phụ nữ khác một lời khuyên hay không?

Không chỉ là lời khuyên, tôi còn muốn viết cả cuốn sách về những điều này, để thức tỉnh những người đã từng giống như mình. Tôi thấy đại đa số phụ nữ Việt Nam sao mà khổ quá. Họ đều sống trong cái vòng luẩn quẩn, lấy chuyện được chồng yêu, có con ngoan làm niềm hạnh phúc. Cả cuộc sống của họ quẩn quanh với những nỗi lo chồng có bồ, con mình không được bằng con người khác. Họ cố giữ cho mình không già, không xấu, cố học nấu ăn, học chăm sóc nhà cửa. Họ khư khư giữ con, đưa đón nó đi học, ép nó học thêm, săm soi vào tận thế giới riêng của con…

Nói chung là họ dùng hết năng lượng của mình cống hiến cho chồng, cho con, quên luôn cả bản thân. Đến khi chồng phản bội, con không còn ngoan nữa thì họ sụp đổ, họ cảm thấy như là mất hết. Thế nhưng, họ cũng không thể nào đối mặt với chuyện ly hôn, vì họ luôn lo sợ đủ thứ. Tôi có những người  bạn, chồng có bồ 10 năm mới biết, biết rồi vẫn cố chịu đựng. Chồng bỏ đi cũng gọi quay về, cúc cung phục vụ, để có anh ta trong nhà thì mới yên tâm. Thậm chí, có những phụ nữ còn chịu đựng theo kiểu “anh làm gì thì làm, miễn là khuất mắt”, “mắt không thấy thì tim không đau”. Họ lý luận như thế, thậm chí chỉ bảo cho nhau như thế. Họ cứ tưởng như thế là yên, là không đau, thế nhưng đại đa số đều bị chấn thương về tinh thần.

Hãy cứ yêu chồng, yêu con, nhưng đừng đánh mất bản thân khi hy sinh hết cho gia đình. Phụ nữ phải hiểu rằng khi họ biết làm cho mình vui thì họ sẽ có một nguồn năng lượng lan tỏa ảnh hưởng tới những người xung quanh. Bạn lau nhà sạch, rửa bát đĩa sạch, nhưng chính bạn thì nhăn nheo, cau có, mệt mỏi, u sầu thì làm sao những người sống bên bạn thấy hạnh phúc?

Hãy tự làm cho mình cười đã. Hãy chăm chút cho mình đã. Hãy tìm ra một niềm hạnh phúc thắp sáng nụ cười của mình, một thứ hạnh phúc không phụ thuộc vào những vật, những điều ngoại thân. Bởi vì ai cũng có thể có được những điều hạnh phúc như thế. Cho dù chỉ là đi làm móng tay móng chân khi mệt mỏi, chán nản, hay học khiêu vũ.

Mọi việc có thể không quá trừu tượng như thế. Ngay khi bạn đang đau khổ nhất, hãy thử đứng trước gương, xoay một vòng và hình dung ra mình khi mới 15-16 tuổi. Điều gì khi ấy đã làm cho mình vui cười, thích thú; điều gì khiến cuộc sống mình rộng mở, nhìn thấy tương lai trước mặt, niềm vui trước mặt? Và cố gắng đi tìm lại cảm giác đó, để bắt đầu lại mọi thứ từ niềm vui cho chính mình. Tôi chắc chắn là ai cũng sẽ có thể nhớ về những điều như thế trong cuộc đời mình, khi mình còn là mình.

Song Văn

Thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI