Vì sao con tôi nói dối?

07/05/2013 - 16:50

PNO - Gửi thư đến khoa tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM mới đây, một phụ huynh cho biết: “Con tôi năm nay chín tuổi. Bé khá lanh lợi và thông minh, học lực cũng rất tốt. Nhưng tôi thật sự bất lực không biết vì sao bé lại hay nói dối....

Gần như gia đình nào cũng đôi lần gặp phiền toái vì những lời nói dối của trẻ con. Thế nhưng ít ai chịu khó đi đến tận cùng để lý giải vì sao, mà quen chấp nhận điều đó như một thực tế hiển nhiên, còn trẻ thì mang theo thói quen đó đến lớn.

Vi sao con toi noi doi?
 

Thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà, khoa tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho biết: Trẻ càng lớn càng muốn tự kiểm soát cuộc sống của mình nhiều hơn, và có ý thức mình đã là một cá nhân độc lập. Vì vậy, nếu phụ huynh xâm lấn một cách thô bạo vào cuộc sống riêng tư của trẻ như kiểm soát chặt chẽ nhất cử nhất động của con, đưa đón con đi học và kiểm soát cả những sinh hoạt riêng tư nhất, “bé sẽ đối phó bằng cách nói dối, lâu dần thành thói quen, những chuyện không đáng nói dối bé vẫn nói dối vì nghĩ rằng mẹ càng ít biết về mình càng tốt. Và khi bị phát giác, bé cũng ít thú nhận hơn là khi còn nhỏ”.

Cũng theo ThS Thanh Hà, thói quen nói dối của con trẻ có thể bắt nguồn từ việc bé chịu áp lực và sợ bị phạt nếu không đáp ứng đúng yêu cầu cao của cha mẹ. Sự chê bai hay giễu cợt của cha mẹ chất lên người bé một gánh nặng buộc phải nghĩ cách luôn nói dối. Vì vậy, hãy để con trẻ cởi mở bộc lộ cảm xúc. “Mỗi ngày bỏ ra vài phút để chuyện trò riêng với con, bé sẽ kể về những chuyện bé gặp ở trường hay hỏi ý kiến bạn về những phiền phức mà bé đang đối mặt... Nếu bé tìm thấy ở bạn sự lắng nghe, đồng cảm thì bé sẽ chẳng ngần ngại nói thoải mái, không cần đối phó và thú nhận những lỗi lầm của bé nếu có”, ThS Thanh Hà nói.

Một cách khác để khuyến khích bé trung thực là để bé biết bạn luôn tin tưởng bé. Thay vì giám sát, hãy dạy bé tính tự giác như tập cho bé thói quen dọn giường mỗi sáng thức dậy hay làm xong bài tập về nhà mới được đi ngủ. Nếu nghi ngờ con bạn đang nói dối điều gì đó nguy hiểm, ví dụ như bé đang bị bắt nạt ở trường - thì bạn hãy hỏi cô giáo của con, thay vì hỏi con để tránh phải nghe những câu nói dối vòng vo. Hãy cho bé biết rằng, không có ai hoàn hảo và bạn luôn ở bên để giúp bé chứ không phải để trừng phạt. Cần nhớ rằng nếu bạn muốn con mình thành thật thì trước hết bạn phải luôn trung thực. Trẻ em thường xem cha mẹ mình là tấm gương, nên nếu bạn thiếu trung thực thì thật khó đòi hỏi con mình phải thành thật. Việc giáo dục, tâm sự, thường xuyên nói chuyện với con cái sẽ giúp khoảng cách giữa cha mẹ và con cái không bị xa cách, bé sẽ dễ dàng nói những chuyện riêng hơn nếu thấy ba mẹ sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận. “Nếu phụ huynh vẫn tỏ ra lúng túng và chưa biết cách tạo mối quan hệ tốt đẹp với con, để con tỏ ra thiện chí hợp tác với cha mẹ một cách thành thật nhất, phụ huynh có thể đến các trung tâm tư vấn tâm lý để được tư vấn…”, ThS Thanh Hà đưa ra lời khuyên.


HẰNG HUYỀN
Theo Sài Gòn Tiếp Thị 

Từ khóa trẻ nói dối
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI