Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy…

19/12/2014 - 13:56

PNO - PNO - Khi chồng vừa lái xe ra khỏi cổng, ngồi một mình trong căn phòng Ngân lặng lẽ khóc. Cô nhận ra anh đã thay đổi quá nhiều, chưa bao giờ cô có thể nghĩ rằng anh lại tàn nhẫn, ích kỉ đến mức không thể dành cho cô thời gian về...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Phải! Chỉ vài ngày thôi, cô đã năn nỉ anh hết nước hết cái vậy mà anh nhất quyết:

-Em nhất định phải ở lại. Công việc bề bộn ra đây này, nhà thì về thăm lúc nào mà chẳng được, em cứ làm như ngày mai bố mẹ em đi Tây, đi Tàu không bằng. Em mà không ngoại giao giúp anh tốt vụ này thì cái chức trưởng phòng mất như chơi. Cơ hội ngàn năm chỉ có một, sao em không linh động hơn một chút cho anh được nhờ. Nhớ nhung gì cũng còn phải kiếm miếng cơm đổ vào mồm đã chứ. Mà quê thì xa, cả đi cả về cũng phải mất mấy ngày. Thế bây giờ em muốn anh xoay xở ra sao?

Càng ngày Ngân càng nhận ra mọi mối quan tâm của anh lúc nào cũng là công việc, tiền bạc, địa vị, danh vọng. Chẳng mảy may có ý định xây dựng, vun đắp cho một gia đình. Lấy nhau hai năm rồi mà anh vẫn không chịu quyết định sinh con.

Song truoc do dau, song sau do day…

Mẹ cô ốm đã mấy ngày hôm nay rồi, anh trai điện giục cô về thăm mẹ. Cô biết nếu mẹ không ốm nặng, không muốn có cô con gái chăm sóc lúc bệnh tật ốm đau cho tiện thì nhất định anh trai không bao giờ thông báo làm cô lo lắng. Thế mà chồng cô lại thờ ơ.

Đã hơn mười năm trôi qua, mỗi lần nghĩ lại những năm tháng khốn khó ngày xưa được sống dưới mái ấm mẹ cha, Ngân đều tự trách mình. Từ bé Ngân vốn là đứa trẻ khó nuôi, nay ốm mai đau, bệnh tật đầy người. Cha mẹ nghèo nhưng chạy vạy khắp nơi thuốc thang chữa bệnh cho Ngân. Bà ngoại từng kể có những đêm mưa gió, Ngân lên cơn co giật. Không có xe cộ, mẹ bế bộ Ngân lên bệnh viện huyện, đường xá toàn đồng ruộng, có cái áo mưa cũng che phía bồng con. Những bát cháo nóng mẹ bưng tận giường Ngân vẫn nhớ. Những đồng tiền chợ mẹ chắt chiu dành cho Ngân đi học vẫn còn mùi mồ hôi của mẹ. Giờ thì mẹ già rồi, mắt mờ chân chậm. Mỗi lần Ngân gọi điện về mẹ đều bảo “chừng nào thấy mệt mỏi thì nhớ về với mẹ”. Mẹ ơi…

Thời gian làm con người ta thay đổi đi nhiều quá. Từ khi vào Đại học, ra trường đi làm Ngân ít có thời gian trở về nhà, kể cả là những ngày lễ tết. Rồi khi lấy chồng xa, việc trở về bên gia đình càng khó khăn hơn. Như lúc này khi mẹ ốm nằm đó Ngân cũng không tài nào dứt khỏi mớ công việc rối như tơ vò để trở về chăm sóc mẹ. Ai cũng biết điều gì quan trọng với chính mình, nhưng đôi khi lại không thể từ bỏ cuộc sống đời thường với quá nhiều toan tính. Những danh vọng, tiền tài những mơ ước cao sang đã biến con người thành một cỗ máy. Ngân rất muốn vứt bỏ mọi thứ, danh vọng của chồng, cả cuộc ngoại giao quan trọng sáng mai. Nhưng cô biết mình không thể. Ngân ôm mặt khóc.


Ngân đã sinh con từ khi chồng lên chức trưởng phòng. Đứa bé trai thật kháu khỉnh, bắt chước người lớn nói nheo nhéo suốt ngày. Một hôm khi đón con từ nhà trẻ về sau hai ngày công tác, Ngân hôn hít con khắp người và hỏi:

-Cu Tí có nhớ mẹ không?
Con trả lời rất hồn nhiên rằng:
-Không nhớ!
Ngân ngạc nhiên hỏi:
-Cu Tí hư quá. Ai đẻ ra Cu Tí, ai nuôi Cu Tí nào?
-Mẹ
-Thế sao không nhớ?
-Thì mẹ cũng không nhớ ngoại mà.

Song truoc do dau, song sau do day…
 

Lúc này Ngân mới điếng người nhớ ra rằng mấy hôm trước có người bạn cũ cùng quê ghé chơi nhà. Bạn hỏi Ngân sao lâu không thấy về thăm quê? Ngân kêu bận lắm không về được. Bạn hỏi đùa: “Thế không nhớ mẹ à?”. Tiện mồm, Ngân trả lời cho qua quýt: “Không. Công việc bù đầu, thời gian đâu mà còn nhớ mới nhung”. Ngân không để ý rằng lúc ấy cu Tí đang đứng chơi siêu nhân trong phòng.

Ngân lẳng lặng bế con về. Ngân soi mình vào lời con trẻ để thấy bản thân đã thay đổi quá nhiều. Ngân không còn là mình của nhiều năm về trước nữa. Ngân chợt rùng mình khi nghĩ đến một ngày nào đó cô sẽ ngồi cô độc một mình ngóng về phía con ngõ nhỏ khi bóng chiều đã đổ tràn ra khắp ngõ. Cố nhân thường vẫn nói “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI