Lấy chồng ở tuổi 60

29/10/2017 - 16:30

PNO - Khi bàn về độ tuổi kết hôn, người ta vẫn nói “trong độ tuổi kết hôn” - nghĩa là một khung tuổi được quy định.

Khi bàn về độ tuổi kết hôn, người ta vẫn nói “trong độ tuổi kết hôn” - nghĩa là một khung tuổi được quy định. Thế nhưng, thực tế, chẳng có văn bản nào cấm kết hôn khi đã cao tuổi cả. Tìm được bến đỗ khi đã xế chiều vẫn luôn là minh chứng cho chuyện tình yêu không hề phân biệt tuổi tác.

Lay chong o tuoi 60
 

“Hôm nay đám cưới bà nội…”

Con hẻm nhỏ đường Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cả tuần nay xôn xao vì chuyện cô Giang chuẩn bị đám cưới. Rất nhiều tiếng ra tiếng vào. Cô Giang là giáo viên dạy Anh văn đã về hưu, chưa từng kết hôn. Cô chuyển về sống tại con hẻm này đã hơn 10 năm, bao thế hệ học trò con em của hẻm đều học Anh văn ở nhà cô. Nên chuyện cô lấy chồng bỗng dưng trở thành tâm điểm.

Bắt đầu từ bà bán quần áo đầu hẻm, phát hiện cô Giang chuẩn bị lấy chồng khi thấy cô ngày nào cũng mua quần áo mới, thử tới thử lui ra chiều hân hoan. Bà nói thầm với mọi người khi không có cô Giang ở đấy: “tuổi này mà lấy chồng làm chi, về có nước chăm người già, chẳng vui vẻ gì”. Rất nhiều tiếng ừ à ra vẻ đồng tình.

Nhưng chỉ một lúc sau, cô Thảo tạp hóa phản bác liền: “lấy chồng cho vui vẻ nhà cửa, tuổi này lủi thủi một mình cô đơn lắm, có ông có bà cho đời vui”. Lại nhiều tiếng ừ à đồng tình với cô Thảo. Ai cũng có lý do của mình và bảo vệ lý do ấy. Cứ thế mà bàn tán xôn xao. Nhưng có một thực tế không thể chối cãi được: Chủ nhật này cô Giang lấy chồng, chú rể 70 tuổi, góa vợ.

Mọi háo hức ngóng chờ về đám cưới cô Giang. Bao nhiêu người trong hẻm là bấy nhiêu suy nghĩ khác nhau. Người âm thầm ủng hộ cũng có, kẻ bĩu môi dè bỉu cũng lắm. Nhưng chỉ thấy cô rất vui với đám cưới của mình. Cô nói khi đang lựa mua mấy bộ drap giường mới: “Mọi người hay bàn ra trước những việc thế này, nhưng không nhìn thấy mặt tích cực của nó, tui cũng như mọi người, những mong được sống trong không khí gia đình”.

Lay chong o tuoi 60
Người già rất cần có nhau. Ảnh minh họa

Bữa nọ con gái tôi đi học về kể: “bạn Quỳnh Anh hôm nay nghỉ học, vì bà nội bạn ấy đám cưới”. Rồi nói thêm, giọng rất bình thản: “người già mà làm đám cưới, chắc vui lắm mẹ ha, vì có đầy đủ con cháu”.  Bà nội của Quỳnh Anh cũng đã hơn 60 tuổi rồi, nhà cô cũng chỉ có hai con, chồng mất từ sớm. Giờ lại đi thêm bước nữa với một người đàn ông tầm tuổi cô, cũng vợ chết.

Nghe nói gia đình hai bên rất ủng hộ mối quan hệ này. Ai cũng tin là duyên già ắt là duyên cuối, sẽ rất vui. Mẹ của Quỳnh Anh có lần chia sẻ: “Nói chi những lời xa xôi, chỉ biết giờ mẹ và bác hạnh phúc thì con cái vui rồi. Cưới xong, con cái hai bên góp tiền lại, cho hai ông bà đi du lịch Hàn Quốc. Hình bà nội gửi về cái nào cũng lấp lánh. Thiệt là lâu lắm rồi không thấy bà nội vui như vậy.

Trên đời này, chẳng có điều gì chữa lành nhanh bằng tình yêu, chẳng có điều gì nhiệm mầu bằng tình yêu. Nên đừng cười bà nội, có nhiều người thích sống độc thân, thì cũng có nhiều người khao khát đời sống gia đình. Sau những ngày ông mất, bà đã sống lủi thủi rất cô đơn, nhưng vì con cái còn nhỏ, bà đành cố gắng. Giờ đã đến lúc bà phải sống cho mình rồi”.

Những kế hoạch cho “bà nội lấy chồng”

Theo BBC, tại Anh quốc, theo Cục Thống kê Quốc gia, lượng đàn ông kết hôn khi gần 70 tuổi đã tăng lên 25%, trong khi đó tỷ lệ này tăng lên 21% ở phụ nữ. Tại Mỹ, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 67% số người ở độ tuổi 55-64 đã trải qua hôn nhân hai lần và có 50% những người 65 tuổi trở lên tái hôn.

Như thế, việc “bà nội đám cưới” chắc chắn là chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng, nói như cô Giang “cả hai đã lên kế hoạch rất cẩn thận cho đám cưới này. Thứ nhất, có thể sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ con cháu của hai nhà. Thứ hai là tài sản của cả hai. Tôi cả đời làm lụng vất vả, tài sản tích lũy được cũng không phải ít. Nên điều chúng tôi cần là sự minh bạch trong tất cả”.

Lay chong o tuoi 60
 

Việc cần làm của cô Giang, không phải là lắng nghe những lời ra lời vào trong con hẻm nhỏ, mà kiếm một luật sư tư vấn. Vì chỉ cần cưới nhau thôi, người kia sẽ lập tức trở thành người chịu trách nhiệm, quyết định cho mình mọi việc khi mình không còn đủ hành vi năng lực. Vì vậy, rạch ròi trước kết hôn là việc hết sức cần thiết cho những người chọn về bên nhau ở tuổi xế chiều. 

“Hãy nghĩ đến việc ký hợp đồng trước khi kết hôn” - một luật sư tư vấn như thế cho cô Giang. Cả cô và chồng sắp cưới đều thấy đúng, cần thiết. Để lỡ cuộc sống chung không hoàn hảo như những gì mình vẫn kỳ vọng, thì việc chia tay là tất yếu. Nên hãy để mọi thứ cho luật pháp phân xử, tránh những la ó không cần thiết.

Tuổi này, kiện tụng chỉ làm trò cười cho mọi người. Đừng vội nghĩ việc ký hợp đồng trước hôn nhân là kém lãng mạn với những người đang yêu nhau. Cô Giang nói thêm: “tôi tin rằng đây là hành động tôn trọng nhau nhất, hãy cố mà thực hiện”.

Còn bà nội của Quỳnh Anh, khi có cơ hội ngồi nói chuyện cùng, bà chia sẻ rất thực chuyện của mình. Trước đám cưới, bà cùng chồng sắp cưới thống nhất về việc phân chia tài sản rất rõ ràng.

Để ngộ nhỡ một trong hai người qua đời trước, tài sản có hình thành trong giai đoạn sống chung sẽ được phân chia theo đúng thỏa thuận với nhau. Còn phần tài sản có trước khi kết hôn, ai có nguyện vọng thế nào thì thỏa thuận thế ấy, phần nào mang về làm của chung cũng được liệt kê rất rõ ràng.

Con cái hai bên, lúc đầu thấy bà nội rõ ràng quá cũng cản, vì như thế thì lý trí quá còn đâu là tình yêu, nhưng bà vẫn một mực như thế. Lý do bà đưa ra lại vô cùng thuyết phục “tránh những dòm ngó của người ngoài, cảnh anh em hai bên nói xấu nhau vì chuyện này, chi bằng nên rõ ràng từ đầu”.

Chuyện tình yêu có tiếng nói riêng của nó. Nên như cô Giang mãi đến 60 tuổi mới chịu lấy chồng. Như bà nội của Quỳnh Anh một mình mãi đến tóc bạc gần hết mới tái hôn. Vì trong thâm tâm họ vẫn khao khát cho mình một đời sống riêng tư, một gia đình đúng nghĩa  kiểu “con chăm cha không bằng bà chăm ông”.

Nhưng, người lớn tuổi kết hôn vẫn có những tính toán của người từng trải, không vội vàng và nhiều cảm xúc như ở người trẻ. Hôn nhân ở tuổi này, có người chỉ là khởi đầu, nhưng có người đã là lần hai, lần ba. Nhưng với tất cả mọi người, dù lần đầu hay lần thứ bao nhiêu đi nữa, quyết định đám cưới ở tuổi thất thập nghĩa là chấp nhận cho mình những thách thức mới.

Về với nhau, thêm vào mâm cơm của mình một đôi đũa, một cái chén nghĩa là cộng vào đời mình biết bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu điều lấp lánh. Mà có những điều, chỉ sống chung cùng nhau mới thấy được. Đừng vội chê trách, đừng vội bàn ra, đừng vội bỉ bai, vì hơn ai hết, người trong cuộc hiểu người ta cần gì.

 Ái Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI