Con đòi chết theo thần tượng

28/12/2017 - 14:00

PNO - Cái chết của tám người hâm hộ sau khi một ca sĩ thần tượng đình đám tự tử mới đây khiến các diễn đàn cha mẹ ồn ào theo. Quan điểm chung là lên án, chê trách; thậm chí, nhiều người nói họ cảm thấy… buồn cười.

Thần tượng, yêu thương ai đó và chịu ảnh hưởng từ họ, kể cả điều tích cực lẫn hành vi tiêu cực là chuyện bình thường của đám trẻ. Nhưng, đến mức con đòi hủy hoại cả bản thân vì thần tượng thì không thể không lo lắng.

Con doi chet theo than tuong

Ai cũng một thời trẻ dại

Cái chết của tám người hâm hộ sau khi một ca sĩ thần tượng đình đám tự tử mới đây khiến các diễn đàn cha mẹ ồn ào theo. Quan điểm chung là lên án, chê trách; thậm chí, nhiều người nói họ cảm thấy… buồn cười, không hiểu nổi vì sao lại có thể tồn tại cái ý nghĩ chết theo thần tượng.

Trong phòng con gái của Ngân, bạn tôi, treo đầy ảnh của chàng ca sĩ nói trên. Bạn tôi lo lắng, viết lên Facebook: “Thần tượng tự tử, con buồn lắm. Lúc nào cũng ngẩn ngơ, đăm chiêu; rảnh lúc nào là tìm đọc thông tin về chàng ca sĩ ấy. Mẹ chỉ lo con làm gì dại dột”. Tôi inbox, bảo Ngân: “Đừng lo quá. Con gái giống ai ngày xưa nào? Miễn “xử” đúng cách là ổn, đừng vội, không chừng hư bột hư đường”.

Chuyện là, năm Ngân 16 tuổi, bạn si mê nét lãng tử của một chàng diễn viên điện ảnh. Thuở ấy, gia đình Ngân có điều kiện: cha là công chức, mẹ bạn ở nhà chỉ quẩn quanh chợ búa và… coi phim; Ngân là “đồng minh” của mẹ. Ngân thần tượng chàng diễn viên đẹp trai tên T.A. Phim nào có T.A. đóng, Ngân năn nỉ mẹ “lùng sục” băng video về coi. Rồi T.A. tự vẫn, kết thúc cuộc đời ở cái tuổi đang rực rỡ, sự nghiệp chín muồi. Ngân chìm trong những ngày mà bạn gọi “tăm tối nhất”.

Ngân chán ăn, bỏ học, vùi mình trong phòng, tránh mặt tất cả mọi người. Cha bạn biết nguyên nhân, than: “Diễn viên thấy trên phim vậy chứ quen biết gì ngoài đời đâu mà si mê hả trời!”. Lời than không “lọt” tai con, ông tăng đô: “Ngớ ngẩn không ai bằng”. Sau cùng, ông nổi điên khi thấy tình trạng Ngân không tiến triển: “Giỏi thì mày chết theo nó đi!”.

Ngày đó, thuốc diệt chuột hay được người dân quê tôi mua về trộn lúa, rắc quanh các thửa ruộng, ngăn lũ chuột gặm giống mới gieo sạ. Sau ba ngày nằm vùi, xẩm tối, Ngân ra đồng, hốt một mớ bả chuột cho vào ly nước, nốc sạch. Bạn phải nhập viện, súc ruột. Cha mẹ bạn cũng lo đến chết đi sống lại, nhưng làng xóm lại được một phen… cười bể bụng.

Nhiều người ác miệng còn chọc: “Lúc gần “đi”, có mơ thấy T.A. dắt đi không?”. Sau này, Ngân chia sẻ: “Thiệt ra, mình đau khổ, tuyệt vọng vì thần tượng chỉ một phần; phần nhiều là uất ức do cảm giác bị đẩy vào một xó, chịu đựng những lời cay độc”.

Trước cái chết của thần tượng, cảm xúc từ nỗi đau, mất mát của Ngân đã thể hiện rõ ràng ra bên ngoài như tiếng chuông cầu cứu, cảnh báo cho người thân. Nhưng tiếc thay, những tín hiệu đó đã bị “vùi dập” không thương tiếc. Nếu sự cười nhạo, “vùi dập” kia thay bằng sự gần gũi, động viên và phân giải, chắc cô bé tuổi teen năm ấy không chọn cách hủy hoại thân thể.

Khóc đi con, nhưng đừng gục ngã

Sự phát triển của công nghiệp giải trí khiến việc yêu ghét một ngôi sao ngày càng rõ ràng hơn với sự trợ lực của internet. Trở thành fan một người nổi tiếng, người ta đã có cảm giác gần gũi hơn với thần tượng thông qua đầy rẫy thông tin được cập nhật liên tục.

Con doi chet theo than tuong
Cuộc đời luôn tươi đẹp. Ảnh minh họa

Nhiều fanpage được lập ra để các fan dễ dàng tương tác với nhau và với thần tượng. Sự tương tác, gần gũi này ảnh hưởng và mang đến cảm giác hạnh phúc hoặc bất hạnh cho fan - theo hạnh phúc hay đau khổ của thần tượng. Bởi thế, phụ huynh cần chấp nhận rằng việc con em mình là “fan cuồng” của ai đó là chuyện… bình thường. Hãy chấp nhận để tôn trọng những cảm xúc của con.

Trong vai một người bạn, thậm chí một… anti-fan của người con thần tượng, phụ huynh cần tránh nói xấu thần tượng của con, bởi điều đó chỉ khiến con thu mình thêm vào tuyệt vọng, chán chường. Giải thích về sự nhất thời, hữu hạn khi thần tượng ai đó; đưa con đến những nơi vui vẻ, trò chuyện cùng con và cố lái đề tài sang những điều tích cực; sự bận rộn… sẽ khiến con nguôi ngoai.

Hãy cho con biết cuộc sống này còn nhiều điều tốt đẹp, rằng con có ý nghĩa ra sao với những người chung quanh và cha mẹ yêu con đến nhường nào. Tuy nhiên, điều quan trọng là ngay từ khi con còn nhỏ, ta cần rèn luyện bản lĩnh sống cho con, tặng cho con “vũ khí bảo vệ sự mềm yếu” là thái độ sống tích cực, lạc quan. 

Các nghiên cứu tâm lý học cho biết: luôn có những tín hiệu phát ra từ những người muốn tự tử. Việc nắm bắt được những tín hiệu ấy và phản ứng đúng cách là vô cùng quan trọng để giúp người thân vượt qua những cú sốc tâm lý, thoát khỏi nguy hiểm.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI