“Quyết” nhưng vẫn “liệt”, vì sao?

16/04/2016 - 07:49

PNO - Nếu các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm vẫn chậm đi vào cuộc sống, năm 2020 số ca ung thư mắc mới sẽ xấp xỉ 200.000.

Một ví dụ là quyết định 38/2015/QĐ-TTg thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thưc phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường xã, thị trấn. Ban hành từ ngày 9/9/2015, là một trong những quyết định kịp thời về thanh tra an toàn thực phẩm, lấy hai địa phương là TP.HCM và Hà Nội làm thí điểm trong vòng một năm, quyết định này nay đã đi hơn nửa chặng đường. Nhưng thực tế, trong thi hành, chính quyền địa phương cấp quận, phường là cấp được giao thẩm quyền thanh tra, đã không mặn mà lắm.

Một trong những điểm mạnh của chủ trương này là việc đưa thẩm quyền xử phạt về tận từng địa bàn nhỏ, và gần như trao toàn quyền thanh tra, xử phạt. Chính sách này đã được kỳ vọng tạo ra những “cảnh sát an toàn thực phẩm” nắm bắt, xử lý ngay những vi phạm về an toàn thực phẩm tại phường mình, quận mình. Đội hình thanh tra được cơ cấu có sự tham gia của cán bộ y tế, thú y, tư pháp, công an và một lãnh đạo quận, phường đứng đầu.

Nguồn lực của chính quyền được huy động ngay tại địa phương, là nơi nắm rõ nhất, biết rõ nhất quy mô, quy luật hoạt động của các lò thực phẩm bẩn, các cơ sở sản xuất sử dụng chất cấm, thiếu vệ sinh, thiếu an toàn, coi thường sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, về nguồn lực tài chính, điều 23 của quyết định chỉ rõ: “Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được giữ lại 100% để chi cho hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại cấp quận, cấp phường”.

“Quyet” nhung van “liet”, vi sao?
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Nói cách khác, đây là một hình thức áp dụng nguồn lực tại chỗ trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho địa phương mình. Với động lực này, người ta đã kỳ vọng các cấp chính quyền quận, phường sẽ mạnh mẽ ra quân, kiểm tra, thanh tra, “sạch hóa” môi trường các chợ, đảm bảo an toàn thực phẩm tại địa phương mình. Sau hơn bảy tháng triển khai, một số quận, phường được chọn thí điểm, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã được thành lập và hoạt động, nhưng oái oăm là vấn nạn thực phẩm bẩn tại hai thành phố lớn này càng trở nên nặng nề hơn!

Một số cán bộ lãnh đạo cấp phường, xã đã nêu khó khăn là sự bất hợp tác của các tiểu thương và chủ cơ sở sản xuất thực phẩm. Với đội hình thanh tra cấp phường, khó tránh khỏi các mối quan hệ, sự rò rỉ thông tin thanh tra, sự sắp xếp để “né” thanh tra, hoặc trốn tránh. Các quan hệ hàng xóm láng giềng, bà con quen biết… trong cùng một phường có thể sẽ thành một trở lực.

Bên cạnh đó, cán bộ phường cũng không được đào tạo, không đủ nền tảng chuyên môn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Phải lo từ chuyện hành chính một cửa, dịch bệnh… và nhiều chương trình khác, cán bộ phường khó mà toàn tâm toàn ý cho hoạt động thanh tra an toàn thực phẩm, vốn khá phức tạp và cần sự rốt ráo, kịp thời, có mặt tại điểm thanh tra vào những giờ giấc linh hoạt thì mới có thể thanh tra hiệu quả. Một miếng thịt, một con cá, lúc 6g sáng còn tươi chong, nên vẫn an toàn, nhưng đến 11g trưa, hay 5g chiều thì có khi đã ngậm cả một lượng hóa chất vào mình để giữ được vẻ tươi ngon, đã thành thực phẩm không an toàn.

Theo quy định, chủ tịch quận phải đi kiểm tra một lần/tuần, phường ba lần/tuần, nhưng mấy ai đã tiến hành được đúng lịch này, chưa nói đến hiệu quả thanh tra. Người dân đã hy vọng thanh tra ATTP trực chốt như cảnh sát giao thông, thấy vi phạm là phạt ngay. Nhưng thực tế không như vậy. Mặt khác, nếu mẫn cán đến mức có mặt thường xuyên, cũng khó “bắt lỗi”, vì thực phẩm không an toàn có khi không thể nhận diện bằng mắt thường, chuyên môn của cán bộ thanh tra cũng không đủ để xác định vi phạm và xử phạt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI