Bạo hành trẻ em: Im lặng là đồng lõa với tội ác

04/03/2017 - 11:57

PNO - Hãy tự thức tỉnh mình trước khi có chuyện gì đó không hay xảy ra với đứa con yêu quý, mình phải là người trước tiên – có hiểu biết để bảo vệ con.

Nếu vô tình đọc được hay dõi theo câu chuyện “Phụ huynh bức xúc tố cô giáo trường MN quốc tế đánh con gái 3 tuổi trầy xước khắp người” đang được đăng tải trên các trang báo mạng, hẳn bạn cũng đau đáu, cảm thương cho cô bé 3 tuổi thiếu may mắn và giận những người được con trẻ tin tưởng, yêu quý tựa thiên thần kia. Mà có lẽ người đau khổ, sợ hãi nhất vẫn là cô bé 3 tuổi và người thân của con.

Bao hanh tre em: Im lang la dong loa voi toi ac
Những vết xướt có thể theo trẻ cả đời

Thật khó có lý do nào đủ thuyết phục để bào chữa cho hành vi bạo hành người khác, chứ chưa nói đến con trẻ - những tâm hồn bé bỏng, những nhân cách đang lớn, những trái tim cần được vun đắp tình thương, chở che vô điều kiện…

Ông Laurence Gray, Giám đốc phụ trách Vận động xã hội - văn phòng World Vision trong một nghiên cứu của Liên hợp quốc về Bạo hành trẻ em từng phát biểu: “Việc đánh đập và xúc phạm về tình cảm và tâm lý của trẻ dưới bất cứ khung cảnh nào đều không thể chấp nhận được”.

Theo UNICEF, bạo hành trẻ em được hiểu là sự ngược đãi về thể xác, tinh thần, tình dục hay bằng lời nói đối với các em nhỏ, những người chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất, tinh thần và trí tuệ.

Lẽ thường, chúng ta hay phớt lờ hoặc quan tâm chiếu lệ đến những tâm sự nhỏ bé của trẻ về trường lớp: Con bị đau chỗ này, con không thích bạn kia, con thấy cô giáo hôm nay rất khó chịu, con cảm thấy không thoải mái khi đến… với rất nhiều lý do: Mẹ/ba bận lắm! Con ra nói chuyện với ông/bà đi, có gì đâu chắc là…, không sao đâu con, vài bữa sẽ quen… Và phải đến khi thấy rõ “chuyện gì” đã xảy ra trên thân thể, trong tâm hồn con chúng ta mới hốt hoảng, lúc ấy vết xướt thể xác, tổn thương tâm lý đã không còn là bé nhỏ nữa rồi. Chúng ta có biết chăng, dù nhỏ nhưng những vết xướt thể xác ấy rất khó lành, thậm chí là ám ảnh đứa trẻ cả một đời.

Chúng ta hãy tự thức tỉnh mình trước khi có chuyện gì đó không hay xảy ra với đứa con yêu quý của mình, mình phải là người trước tiên – có hiểu biết để bảo vệ con.

Trở lại câu chuyện đã đề cập, hứng chịu hành vi từ giáo viên trước tiên con trẻ sẽ tổn thương về thể xác như: Tổn thương da, cơ, xương, tai, mắt, mũi… Không dừng lại ở đó, bất cứ tổn thương nào do bạo hành đều kéo theo sự thương tổn về mặt tâm lý, tinh thần… Cô bé trong câu chuyện trên từ chối hợp tác, sợ hãi khi đến lớp hay gặp khó khăn khi giao tiếp với giáo viên là những dấu hiệu cho thấy bé tổn thương tâm lý khá lớn sau vụ việc xảy ra. May thay, mẹ cô bé phát giác và can đảm bảo vệ con đến cùng, chứ nếu như người mẹ ấy yên lặng thì chuyện gì sẽ xảy đến tiếp theo?

Có lẽ, quý phụ huynh cần tự trang bị những kiến thức sau đây để chủ động phòng chống nạn bạo hành.

Dấu hiệu cơ bản cho thấy trẻ có nguy cơ hoặc đã bị bạo hành:

Trẻ trở nên lơ đãng, nhìn xa xăm khác với mọi ngày, hay tỏ ra giận dữ, gắt gỏng, buồn chán, ăn ngủ bất, ám ảnh về đòn roi, về người lạ mặt, sợ bị bỏ rơi, sợ bóng tối, sợ đến nơi nào đó dù thường ngày trẻ vẫn thích hay mơ hoặc gặp ác mộng… 

Nếu phụ huynh thấy những dấu hiệu trên, xin hãy ngồi lại hỏi thăm và gợi mở cho con nói ra, nếu quá khó khăn để tìm ra vấn đề, đừng ngần ngại đến bác sĩ chuyên khoa hoặc các nhà chuyên môn tâm lý, giáo dục để được hỗ trợ.

Bao hanh tre em: Im lang la dong loa voi toi ac
Trẻ luôn cần sự bảo vệ của người lớn. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hậu quả sau bạo hành:

Hậu quả mà nạn bạo hành trẻ em gây ra rất nghiêm trọng và khó lường. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, trẻ bị bạo hành có thể gặp một số vấn đề sau:

- Thể chất: Trẻ có thể tổn thương từ nhẹ đến nặng một hoặc một số bộ phận trên cơ thể, dập hoặc gãy xương, tổn thương thần kinh từ nhẹ đến vĩnh viễn, suy giảm sự phát triển não bộ… 

Các nghiên cứu đã chỉ ra người lớn có tiền sử bị bạo hành hay bị xâm hại tình dục thời thơ ấu dễ mắc các chứng dị ứng, viêm khớp, hen suyễn, cao huyết áp…

Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể tử vong với hành vi bạo hành nặng nề. 

 - Tâm lý: Bạo hành nói chung và bạo hành ở trường học nói riêng là một trong những nguyên làm giảm khả năng học tập, thích ứng và hòa nhập xã hội của trẻ về sau, tác động tới các quá trình trí nhớ, tư duy, tưởng tượng… thường mang màu sắc tiêu cực.

Trẻ dễ gặp rối loạn cảm xúc, có hành vi gây hấn, chống đối xã hội, đặc biệt là ám sợ, có xu hướng giải quyết vấn đề bằng bạo lực hoặc ngược lại trở nên rụt rè, bị động, thu mình, khép kín, ngại và sợ giao tiếp… dẫn đến nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống sau này của các em.

Đặc biệt, sau khi chứng kiến hoặc hứng chịu những trận bạo hành khủng khiếp về cả thể xác lẫn tinh thần, trẻ có thể mắc phải chứng “Rối loạn và căng thẳng hậu chấn thương” (PTSD). Người ta uớc tính ở một quốc gia phát triển như Mỹ, có tới 5% dân số mắc phải chứng này, trong đó một lượng không nhỏ là trẻ em.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu từ thập niên 90 của thế kỉ 20 đến nay còn chỉ ra rằng, trẻ em bị bạo hành có nguy cơ trở thành tội phạm cao gấp 100 lần trẻ bình thường, nghiêm trọng nhất là tội phạm giết người ở tuổi vị thành niên.

Mong rằng những phác họa cơ bản về dấu hiệu và hậu quả của vấn nạn bạo hành có thể hữu ích với phụ huynh trong chiến lược Phòng chống bạo hành trẻ em, đặc biệt là ở trường học.

Điều cốt lõi trong chiến lược Phòng chống bạo hành, có lẽ không gì hơn là “Hiểu biết hơn và lên tiếng mạnh mẽ, rộng rãi hơn”.

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân

 Chuyên viên tư vấn tâm lý học đường

THCS Lý Phong, Quận 5, TP. HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI