Dưới nắng Hàng Dương

29/04/2019 - 18:30

PNO - Cuối tháng Tư, những bước chân tuổi xế chiều dìu nhau làm cuộc hành trình về với Côn Đảo - gạch nối giữa quá khứ bi tráng và hiện thực linh thiêng.

Khuya 25/4, gần 100 cán bộ, hội viên phụ nữ quận 9 và các cựu chiến binh, thương binh khu vực quận 9- Thủ Đức đã ngồi xe đường dài từ TP.HCM về Sóc Trăng rồi lên tàu ra Côn Đảo.

Duoi nang Hang Duong
Chị Đoàn Thị Kim Ngoan - Chủ tịch Hội LHPN phường Phước Bình, quận 9 - thắp nhang tại Di tích cuộc võ trang vượt ngục của 198 người tù lao động khổ sai.

Chuyến về nguồn này do Hội LHPN phường Phước Bình, quận 9 tổ chức. Ban đầu chỉ định gói gọn trong cán bộ, hội viên phường. Thế rồi, tin truyền tin, nhiều người đã xin đi cùng.

Duoi nang Hang Duong
Đoàn đến viếng và cùng hát ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu bên mộ người nữ anh hùng.

Trưa 26/4, sau khi thành kính thắp nhang tại Di tích lịch sử cuộc võ trang vượt ngục của 198 người tù lao động khổ sai, bên mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu trong Nghĩa trang Hàng Dương, cả đoàn chỉnh tề với trang phục áo bà ba, sơ mi, khăn rằn, mũ tai bèo hát vang lời bài ca Biết ơn chị Võ Thị Sáu:

“Người thiếu nữ ấy như mùa xuân/ Chị đã dâng trọn cuộc đời/ Để chiến đấu với bao niềm tin/ Dù chết vẫn không lùi bước/ Chị Sáu đã hy sinh rồi/ Giọng hát vẫn như còn vang dội/ Vào trái tim những người đang sống…”.

Duoi nang Hang Duong
Bà Bùi Thị Bên, một nữ chủ nhà trọ ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 đi cùng đoàn, dành nhiều thời gian viếng mộ các liệt sĩ trong Nghĩa trang Hàng Dương.

Đêm 26/4, các dì, các chú đã đến dự Lễ kỷ niệm 40 thành lập Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo tại Nghĩa trang Hàng Dương, thắp nhang tưởng nhớ người đã khuất.

Duoi nang Hang Duong
Đoàn tham quan Bảo tàng Côn Đảo.

Chiều cùng ngày, đoàn tham quan Bảo tàng Côn Đảo. Các hiện vật được trưng bày nơi đây đã phơi bày tội ác của thực dân và đế quốc, đồng thời thể hiện rõ Côn Đảo là một trận tuyến, một trường học đấu tranh cách mạng của các chiến sĩ cộng sản.

Duoi nang Hang Duong
Đoàn thăm và nghe thuyết trình về lịch sử Chuồng Cọp, một trong những nơi ghi dấu sự hà khắc, tàn bạo của chế độ nhà tù thực dân, đế quốc.

Trong ngày 27/4, đoàn thăm các trại giam Phú Tường, Phú Hải thuộc hệ thống nhà tù Côn Đảo năm xưa.

Trong 113 năm (1862 – 1975) tồn tại, nhà tù Côn Đảo là nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giam cầm, đày đọa hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng và người dân yêu nước Việt Nam, biến Côn Đảo thành “địa ngục trần gian”.

Bất chấp sự hà khắc và dã man, các chiến sĩ vẫn kiên cường chiến đấu ngay trong lao tù, biến Côn Đảo thành trường học đấu tranh cách mạng. Nhiều đồng chí về sau trở thành lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta như Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn…

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI