Con người là loại rác độc hại nhất!

27/05/2017 - 06:00

PNO - Nếu phần lớn rác thải từ thiên nhiên đều được thiên nhiên hấp thụ và tái sinh dưới một dạng thức khác thì phần lớn rác thải của loài người rất khó phân hủy.

Giới khoa học từng đưa ra giả thuyết về việc loài người bỗng dưng biến mất. 

Không phải do chiến tranh, thảm họa hay dịch bệnh mà chỉ đơn giản là bỗng dưng biến mất. Hơn bảy tỷ sinh vật biến mất trong một sát-na.

Đó là một tổn thất trực tiếp đối với sự cân bằng sinh thái của trái đất khi một lượng lớn khí CO2 để cây xanh quang hợp mất đi, những cánh đồng, trang trại không được chăm sóc.

Nhiều loài cây sẽ chết. Nhiều vật nuôi cũng chết theo.

Con nguoi la loai rac doc hai nhat!
Hãy thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông khi đi chợ, đi mua hàng

Nhưng, cái giá đó đối với thiên nhiên thật ra là rất rẻ. Nếu có lượng định, mẹ thiên nhiên sẽ rất vui lòng trả giá này để loài người biến mất.

Thử tính sẽ thấy, mỗi ngày loài người chặt hạ bao nhiêu cây xanh? Mỗi phút chúng ta nuốt chửng bao nhiêu loài sinh vật từ rừng thẳm đến đại dương?

Nếu cách đây hơn một thế kỷ, trái đất còn có khả năng tự cân đối trước sự hủy hoại của loài người thì đến nay - khi loài người đã trở nên nhung nhúc và không kiểm soát nổi - chúng ta đang trở thành rác của chính mình và rác của tự nhiên.

Thông thường, khi một cây xanh ngã xuống là nó đã kết thúc một vòng đời, sẽ mục đi, mủn ra và hòa vào đất để thành chất dinh dưỡng cho những loài cây khác.

Nhưng, cũng cây xanh đó, nếu đã được con người xử lý chống mối mọt, đánh bóng, trở thành sản phẩm mỹ nghệ hoặc nội thất, thì nó sẽ “sống” lâu hơn và khó phân hủy hơn rất nhiều.

Nếu một người chết như một con thú, tự nhiên có thể xử lý cái xác rất nhanh; nhưng cái xác ấy được đặt trong quan ngoài quách, được bảo quản bằng các loại hương liệu, hóa chất… thì sẽ trở thành một thứ rác khó chịu của môi trường.

Công nghiệp mai táng đang ấn vào lòng đất những khối “rác” khổng lồ mà “nhà máy xử lý rác thải” mang tên thiên nhiên không giải quyết nổi.

Những nghĩa địa rác thải công nghiệp (xe hơi, máy tính, thậm chí máy bay…) khắp nơi trên thế giới sẽ cần đến hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm thiên nhiên mới có thể xử lý xong.

Con nguoi la loai rac doc hai nhat!

Nhưng, những nhà máy điện hạt nhân, các tòa nhà chọc trời với khung thép bền bỉ hay những công trình đá đồ sộ vẫn không phải là thứ đáng sợ nhất của môi trường.

Thứ đáng sợ nhất hóa ra lại rất gần gũi với mỗi người chúng ta - những chiếc túi ni lông. Cần đến 2.000 năm chiếc túi đó mới có thể phân hủy trong tự nhiên.

Chính vì thế, những chiếc túi ni lông ấy đang từng giờ từng phút bọc lấy sự sống của chúng ta khi chúng ngăn chặn các dòng chảy, khiến các loài thủy sinh bị tiêu diệt và mang theo vô vàn thứ độc hại sau mỗi lần được tái sinh.

Có thể bạn đã biết, chỉ riêng tại TP.HCM, thống kê năm 2016 cho biết, mỗi ngày có đến chín tấn túi ni lông được sử dụng trong các hoạt động. Trong đó, hơn 80% là sử dụng tại các chợ truyền thống.

Dăm cọng rau, quả chanh, trái ớt cũng cho vào túi ni lông. Miếng thịt, con cá cũng vào túi.

Chúng theo ta về nhà, rồi cùng nhau chui vào một chiếc túi khác để có thể được phân loại, nấu lên và trở lại cuộc đời của chiếc túi (kèm theo các loại kim loại nặng và bụi độc hại) hoặc bị ép lại, chôn lấp và trở thành thảm họa của tự nhiên - cũng chính là thảm họa cho cuộc sống của con người.

Con người không chỉ là một loại rác của tự nhiên mà còn tạo ra vô số các loại rác khác làm hại tự nhiên. Vì thế, con người chính là loại rác độc hại nhất của chính mình và của trái đất.

Nhân Sư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI