Người truyền lửa

04/01/2017 - 16:50

PNO - Tốt nghiệp nhạc viện, cô con gái Mai Trâm của nhạc sĩ Trần Xuân Tiến chọn con đường về Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM, trở thành cán bộ Ðoàn, hoạt động âm nhạc trong thanh niên.

 Ít nói, hay cười, Trâm chẳng giải thích nhiều với mọi người nguyên nhân sâu xa của chọn lựa này bắt đầu từ cha, một nhạc sĩ của phong trào học sinh sinh viên vào những năm 1960-1970. Lựa chọn ấy không đơn thuần là tình yêu thương và tự hào về cha của cô con gái. Nó là sự nối tiếp một tình yêu đẹp đẽ với đất nước, quê hương và với âm nhạc mà người cha - nhạc sĩ đã gieo vào lòng cô con gái - nhạc sĩ từ thời thơ ấu.

Nguoi truyen lua
 

Cha “dậy mà đi”...

Đam mê ca hát và bắt đầu sáng tác ca khúc từ khi còn trẻ, chàng sinh viên Trần Xuân Tiến từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn từ những năm 1967-1968. Là "trung khu thần kinh" của miền Nam, Sài Gòn cũng là nơi luôn sôi động các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật; nhưng không có bài ca nào, lời hát nào có thể giúp anh tìm ra được hướng đi cho tuổi trẻ sôi nổi của mình. Thế rồi bất ngờ một lần anh được nghe những bài hát mới mẻ, phù hợp tâm trạng, làm lòng anh rạng rỡ, hân hoan, như: “Dậy mà đi, dậy mà đi. Ai chiến thắng không hề chiến bại…”. Nhờ những bài hát đó mà chàng thanh niên Trần Xuân Tiến tìm được cho mình con đường mới.

Tuổi thơ của cô bé Mai Trâm, con gái đầu lòng của nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, thấm đẫm những câu chuyện lịch sử và những bài hát hào hùng của người cha. Người cha ấy ngày trẻ đã cùng hàng nghìn sinh viên Sài Gòn xuống đường đấu tranh với vũ khí mạnh mẽ nhất mà mình có được là những bài ca và giọng hát. Mỗi lần có bạn bè đến chơi nhà, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến thường cùng bạn nhắc về những ngày tháng ấy, họ đã hát những bài ca đấu tranh. “Cuộc đời ai cũng một lần chết, phải chết cho Tổ quốc”, “Hát là cuộc đấu tranh, chúng ta đã hát khi lính canh chĩa súng vào đầu”, “Biểu diễn là chiến đấu”… Những điều thiêng liêng ấy đã tự nhiên thấm vào trái tim cô bé Mai Trâm nhỏ xíu những khi cô thơ thẩn chơi trong góc nhà và nghe lỏm cuộc trò chuyện của người lớn.

Con gái tiếp và truyền lửa

Địa chỉ số 4 Duy Tân (nay là số 4 Phạm Ngọc Thạch) tự lúc nào đã trở thành thân quen với cô gái Mai Trâm. Nó đã vào ký ức cô, với từng bài hát, từng câu chuyện cha kể về phong trào đấu tranh ở các đô thị miền Nam thời cha làm Đoàn trưởng Đoàn văn nghệ sinh viên học sinh Sài Gòn. Từ đó, Trâm thích tham gia các hoạt động phong trào Đoàn, thích cuộc sống sôi nổi, tươi tắn, trong sáng, lành mạnh của thanh niên. Sau khi ra trường, về công tác và tham gia các hoạt động văn nghệ của NVH Thanh Niên, Trâm như mang trong mình cả nhiệt huyết mà cha cô đã truyền cho.

Mỗi lần tham gia tổ chức các chương trình của NVH, trong trí nhớ của Mai Trâm lại hiện về những câu chuyện của cha, cô chạy về trò chuyện, xin ý kiến, mời cha làm báo cáo viên để giúp những chương trình truyền thống của NVH thêm phong phú, sống động. Được tham gia tổ chức chương trình ca nhạc , tham gia dàn dựng những bài hát truyền thống, nhìn những giai điệu đầy tự hào đó đến với thanh niên, được thanh niên ưa thích, Mai Trâm thấy mình là người được truyền lửa và đang truyền lửa. Mong muốn lớn nhất của cô là mang những gì mình được nghe và đã thấm vào mình đến cho thanh niên, cho thế hệ trẻ, để họ hiểu hơn về lịch sử, trân trọng lịch sử, trân trọng những bài hát mà một thời cha cô đã chiến đấu để được hát.

Chính trong môi trường của NVH Thanh Niên, Mai Trâm viết những ca khúc đầu tiên của mình về cuộc sống, về tuổi trẻ, về thanh niên và đặc biệt là ba bài hát về Trường Sa. Mỗi lần nghe những sáng tác của con gái, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến đều cảm thấy hạnh phúc. Ông hạnh phúc vì nhận ra con gái đã đi đúng hướng, đúng con đường mà ông đã chọn trong tuổi trẻ của mình. Ông nói về con gái: “Mai Trâm viết tối. Những bài hát của Trâm mang tính truyền thống về ca từ, giai điệu, tiết tấu nhưng được cách tân bởi hơi thở cuộc sống bây giờ nên chúng đều mang tính truyền thống mới, dễ nghe, dễ đến được với tuổi trẻ. Tôi mừng là con gái giữ được cốt cách như thế chứ không phải là viết những bài nhạc sến, nhạc tình thông thường”.

Cha con cùng viết ca khúc về Trường  Sa

Đã nhiều lần nghe bài hát của cha, nhưng Mai Trâm không bao giờ quên được cảm xúc đẹp đẽ đến với mình khi lần đầu tiên bước chân lên Trường Sa và nhìn thấy dòng chữ “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” trên mỗi ngôi nhà giữa đảo. Lời bài hát phát xuất từ trái tim của nhạc sĩ Trần Xuân Tiến viết trong chuyến đi Trường Sa năm 1994 giờ đây đã trở thành khẩu hiệu của hàng nghìn lính đảo. Nó cũng đã trở thành niềm mơ ước thiết tha của cô con gái: được đến với Trường Sa, tận mắt nhìn thấy những điều đã làm nên cảm xúc tự hào hùng tráng của cha mình. Sáng sớm đầu tiên trên con tàu ra với đảo, Mai Trâm bước ra ngoài mũi tàu, đứng nhìn bình minh lên trên biển cả quê hương, lời bài hát của cha vang lên trong trái tim cô. Tình cảm dạt dào dâng lên trong trái tim cô gái trẻ, thôi thúc ý thức trách nhiệm rằng mình là một nhạc sĩ, ca sĩ, mình phải viết được những điều đang đến trong lòng mình để anh em trong đoàn có một giai điệu, một tiếng hát ngay trong chuyến đi. Thế là Mai Trâm ngồi xuống và sáng tác bài hát .

Hai bài hát của hai cha con đều ra đời trên một con tàu hướng về biển đảo quê hương, đều viết về một tình yêu mạnh mẽ, lòng tự hào mãnh liệt và ý chí quyết tâm sắt đá của hai thế hệ đối với vùng biển đảo của quê hương. Bài hát của người cha ra đời trong một giai đoạn, thời điểm lịch sử hoàn toàn khác, khi đất nước còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Con tàu của người cha ra với đảo cùng với một đoàn làm phim nhỏ bé, chênh vênh giữa biển khơi. Bài hát của người cha được viết theo môtíp nhạc truyền thống mạnh mẽ, hào hùng. Hơn 20 năm sau, cùng với những thanh niên trẻ, khỏe, trên con tàu lớn với trang thiết bị hiện đại và tiện nghi đầy đủ, cô gái Mai Trâm đã viết bài hát mới về Trường Sa với giai điệu, tiết tấu đầy màu xanh của hy vọng, của sôi nổi và tin tưởng. Cả hai bài hát đều lập tức được dàn dựng bởi những đồng đội của chuyến đi, những người lính của đảo và vang lên trên sóng nước biển trời Trường Sa.

Không chú tâm dạy dỗ bằng lý thuyết giáo điều, bằng định hướng, chỉ lối khô cứng, mà bằng chính nhiệt huyết, tình yêu của mình, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến giờ đây cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện vì con gái mình lớn lên, sống và sáng tác bằng trái tim lạc quan, trong trẻo, yêu thương, tin tưởng và tự hào về mảnh đất mình đang sống. Tự khi nào, cha con anh đã trở thành đồng nghiệp hết sức ăn ý. Những sáng tác mới của hai cha con về tình yêu quê hương đất nước là gạch nối tuyệt vời giữa hai tâm hồn đồng điệu của hai thế hệ nhạc sĩ đầy trách nhiệm với cuộc sống và đất nước.

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI