Ai nuôi dưỡng mầm văn chương cho trẻ?

07/01/2017 - 07:00

PNO - Mỗi người đều có một mầm văn chương, nếu được nuôi dưỡng tốt, mầm ấy sẽ lớn dần lên và có thể đơm hoa, kết trái.

Một đứa trẻ luôn cần người đồng hành thắp lửa tình yêu văn chương. Vậy ai nuôi dưỡng mầm văn chương cho một đứa trẻ?

Ai nuoi duong mam van chuong cho tre?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi có một cậu con trai tám tuổi. Một ngày, cu cậu đề nghị tôi chở vào nhà sách để mua quyển sổ. “Từ ngày mai con sẽ viết nhật ký bố ạ” - cu con nói. Tôi cảm thấy khấp khởi với ý tưởng đó.

Niềm vui lan nhanh trong tôi với ý nghĩ, viết nhật ký nghĩa là cậu bé sẽ được viết một cách hoàn toàn tự do, thỏa sức sáng tạo theo cách riêng của mình. Con sẽ không còn phải viết những bài tập làm văn theo định hướng của cô hoặc phải bám sát bài văn mẫu như trước nữa.

Tôi thấy được sự hào hứng của con. Nét chữ vẫn còn nguệch ngoạc nhưng bay bổng: “Tớ là Dũng, đây là nhật ký của tớ”. Dũng mở đầu bằng một câu đơn giản và ngây ngô như vậy. Rồi “hôm nay là một ngày đáng nhớ vì tớ đã trốn thoát khỏi bọn xấu”. “Bọn xấu” mà Dũng nhắc đến là mấy “tên” anh chị lớp trên thường bắt nạt Dũng vào giờ ra chơi.

Hay “Tớ nghĩ rằng chú Khanh rất yêu cô Lý. Chú Khanh nên cưới cô Lý vào mùa hè này, đó là thời gian mà mọi người đều rảnh để đi dự đám cưới”. Bé nhắc đến chú Khanh của bé. Những dòng chữ chưa cứng nét kia của bé đã bộc lộ chút hơi hướm kiểu cách của tiểu thuyết. Tôi chẳng biết bé học cách diễn đạt ấy ở đâu, nhưng tôi rất vui với điều đó. Ít ra, nó cho thấy một tinh thần đáng ghi nhận: cố gắng diễn đạt một ý đơn giản và đời thường theo hướng kiểu cách của văn chương cổ điển.

“Con viết nhật ký rất hay, bố rất thích đọc nó, thậm chí bố có thể đọc đi đọc lại mà không chán” - tôi khích lệ. Cu cậu bẽn lẽn: “Nói chung con thấy cũng thường thôi mà bố. Con mới viết thì nội dung không riêng tư lắm đâu, bố có thể đọc. Nhưng mà sau này con sẽ đưa nhiều nội dung riêng tư vào thì bố không được đọc nữa”.

Tôi khá choáng trước cách nói chuyện kiểu cách như lời thoại trong tiểu thuyết của thằng bé. Cậu con học được cách diễn đạt đó ở đâu? Có thể trong những quyển sách, phim ảnh hay những clip trên Youtube. Dù sao, tôi rất thích kiểu “ông cụ non” đó, và hào hứng đón đợi, đồng hành với những gì bé sẽ viết ra trong quyển nhật ký.

Có lần, khi thấy Dũng hí hoáy viết một bài tập làm văn tả con mèo. Tôi thầm quan sát, thấy cu cậu khá khổ sở khi liếc qua dàn ý của cô giáo rồi rị mọ từng chữ. Không chỉ vất vả viết theo ý cô, tôi còn nhận thấy sự không thoải mái, thậm chí là “đau khổ” của một đứa bé phải viết văn theo ý chí chủ quan của người lớn.

“Nếu được tả con mèo theo ý mình, con sẽ tả thế nào?” - Tôi thăm dò. Dũng hào hứng: “Con mèo của con biết bay, ngủ trong đám mây, khi cần thì lao xuống đất săn mồi như một con chó sói…”. Tôi giảng cho Dũng rằng, đây là bài văn tả thực nên phải tả cho giống con mèo ngoài đời.

“Nhưng khi tả thực xong, con có thể viết một bài tả con mèo theo trí tưởng tượng của con, bố thích con mèo trong trí tưởng tượng của con hơn” - tôi đề nghị. Thế là, Dũng tả thật nhanh con mèo thật để hào hứng tả con mèo “trong mơ” của mình. Tôi tin rằng, điều thú vị nhất ở một đứa trẻ là trí tưởng tượng “bất chấp” thực tế. Trong tập làm văn, trí tưởng tượng ấy cần được chắp cánh cho bay bổng.

Tôi cho rằng, trên hành trình tập làm văn, sau đó có thể là viết văn, ai cũng cần một hoặc nhiều người đồng hành. Tôi là một người yêu văn chương và theo nghiệp viết lách. Nhiều lần, tôi nhớ lại xem ai là người đồng hành của mình.

 Lúc nhỏ, mỗi lần viết được một đoạn, tôi lại đọc cho cả nhà nghe. Có khi, cha mẹ tôi cười ngặt nghẽo, chị tôi chọc quê khi tôi viết những điều ngô nghê, nhưng quan trọng là cha mẹ tôi vẫn theo sát và tỏ ý muốn đọc những gì tôi viết.

Biết tôi thích đọc sách, cha tôi đã đi kiếm những quyển sách phù hợp với lứa tuổi của con, đặt lên kệ sách và dặn không được đọc sách của bố vì “đó là tiểu thuyết người lớn”. Dần lớn lên, tôi lén lấy sách của bố để đọc, có lúc còn trùm chăn kín người, bật đèn pin để đọc ngấu nghiến.

Nhờ đọc nhiều, kỹ năng tập làm văn của tôi khá lên. Đã gần ba mươi năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ khoảnh khắc được cô giáo lớp 5 đọc bài tập làm văn của tôi cho cả lớp nghe, rồi mang bài đó qua lớp 5 bên cạnh để đọc.

Cô bảo rằng, lý do bài của tôi được đọc vì trong bài có nhiều ý mới, khác hẳn bài của các bạn khác. Việc cô tỏ ra đón đợi những bài tập làm văn của tôi khiến tôi sung sướng tột độ, lúc nào cũng nuôi ý định viết bài văn thật hay để  cô đọc cho cả lớp.

Lên cấp III, dù học chuyên ban A (toán, lý, hóa) nhưng tôi lại mê môn văn nhất. Một lần, thầy dạy văn phê vào bài kiểm tra của tôi là “Lớn lên em có thể trở thành nhà văn đấy”. Điều đó làm tôi sướng ngất ngây, mê văn và tập viết nhiều hơn.

Những điều tôi vừa kể chẳng thể gọi là thành tích, nó cũng chẳng phải sự chứng nhận tôi giỏi giang gì cả, nhưng nó có ý nghĩa với tôi ở giá trị đồng hành và khích lệ.

Bây giờ, bài văn mẫu vây quanh học sinh, cô giáo muốn khỏe nên đưa văn mẫu cho học sinh học thuộc. Nhiều khi, học sinh làm văn mà cũng áp dụng “công thức” chẳng khác làm toán, khô cứng, thiếu cảm xúc. Tôi cứ nghĩ, trong hoàn cảnh thực tại như vậy, làm sao để nuôi dưỡng mầm văn chương cho con?

Mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam chia sẻ trên báo rằng, để dạy cho Nam yêu thích văn chương từ bé, hai mẹ con rất thường xuyên chơi trò đố vui về tả cảnh. Trò chơi ấy giúp Nam làm giàu trí tưởng tượng của mình và thu nạp được nhiều từ vựng.

Để làm được điều đó, tất nhiên là mẹ của Nam (dù bận rộn) vẫn dành thời gian cho con. Nam luôn có một “người bạn lớn” là mẹ, người luôn đọc và khen ngợi những bài con viết. Tôi cho rằng, khi mà sự chuyển động trong phương pháp giảng dạy của giáo viên còn chậm chạp, phụ huynh cần thay đổi để ngồi lại bên bài tập làm văn của con mỗi ngày.

Còn bây giờ, với tôi, những bài của con mình viết ra, là tác phẩm văn học đáng giá, dù đó có thể là những bài tập làm văn đầu đời ngô nghê và buồn cười đến “phát ốm”.

Trầm Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI