Cần giáo dục ý thức

08/05/2014 - 17:32

PNO - PN - Bữa cơm chiều nay của gia đình tôi ở một thành phố nhỏ êm đềm bang California, trên đất Mỹ lại xoay quanh diễn đàn Khi trẻ bị sỉ nhục - do Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức mà chúng tôi đọc được từ internet.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đó là những câu chuyện đau lòng của những người lớn từng một thời bị xúc phạm, lăng mạ mà đến hôm nay, khi đã trưởng thành, điều đó vẫn để lại trong họ những vết thương sâu hoắm. Các em gái tôi - đã ở Mỹ mấy chục năm- vừa ngạc nhiên vừa phẫn nộ. Tất nhiên, không thể làm ngơ khi trẻ em phạm lỗi. Tùy theo lỗi mà các em bị phạt, nhưng không phải là với hình thức sỉ nhục, vi phạm quyền con người, quyền trẻ em như vậy.

Em tôi ngạc nhiên vì ở Mỹ, trẻ em rất được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Ngay cả cha mẹ cũng không có quyền đánh hay làm nhục con cái. Các em nhỏ đã được nhà trường dạy để biết phải gọi cho số điện thoại 911 khi bị bạo hành. Như các bạn đồng trang lứa, cháu gái tôi, một học sinh tiểu học, được sinh ra và lớn lên ở Mỹ, được hưởng một nền giáo dục mà mục đích chính là giúp cho các em tự tin, dạn dĩ, chủ động; hiểu và biết vai trò cá nhân mình được đề cao.

Can giao duc y thuc

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Em gái tôi thắc mắc, ở Việt Nam không có luật bảo vệ chăm sóc trẻ em à? Tôi giải thích rằng, Việt Nam không chỉ có luật mà còn có cả các ủy ban chăm sóc bảo vệ trẻ em trung ương và các địa phương nữa. Nhưng tôi không lý giải được tại sao dù đã có luật nhưng nạn bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn ngày càng gia tăng và trở thành một vấn nạn của xã hội? Chúng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng vì chuyện các cô bảo mẫu bạo hành, đánh đập trẻ độ tuổi mầm non đến chuyện thầy tát, đánh học trò tại lớp học; chuyện trẻ bị làm nhục ở chốn công cộng.

Tôi nghĩ, vấn đề nằm ở chỗ thi hành luật và hiểu biết luật - nghĩa là vấn đề “ý thức”. Từng ở Việt Nam một thời gian dài, tôi thấy nhiều địa phương triển khai các chương trình hành động bảo vệ chăm sóc trẻ em theo kiểu phong trào, hình thức. Còn người dân thì đa số vẫn còn có tâm lý bàng quan “con ai người đó lo dạy”. Ngày còn sống trong một chung cư ở TP.HCM, tôi từng chứng kiến cảnh một bà mẹ trẻ đơn thân thường xuyên đánh đập đứa con gái mới khoảng năm, sáu tuổi; vừa đánh vừa kêu tên thằng cha “phụ bạc” ra mắng xéo chửi xiên con. Con bé la khóc ầm ĩ nhưng chẳng ai can ngăn. Cảnh ấy thường xuyên xảy ra nhưng cũng chẳng thấy cơ quan bảo vệ chăm sóc trẻ em phường hay đoàn thể nào lên tiếng. Ở Mỹ, khi thấy có trường hợp bạo hành trẻ, người dân Mỹ có thể gọi điện thông báo và ngay lập tức cảnh sát có mặt. Như câu chuyện đau lòng về em nữ sinh bị trói và mang biển nhục mạ ở Chư Sê mà báo chí đăng tải thời gian qua, tôi nghĩ giá như ngay giữa một siêu thị đông đúc người mua sắm như thế mà có người bức xúc can ngăn hành động của nhân viên bảo vệ siêu thị thì đâu đến nỗi. Và giá như nhân viên của siêu thị được học về cách cư xử, xử lý các tình huống…

Tất nhiên, tôi không muốn so sánh Việt Nam với Mỹ, nơi mà việc chăm sóc nuôi dạy trẻ của cha mẹ nhận được nhiều thuận lợi từ hoạt động hỗ trợ của các cơ quan, chương trình của chính phủ cũng như từ các tổ chức phi lợi nhuận và cá nhân khác… bởi xét cho cùng thì mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi vẫn không khỏi công nhận rằng nền giáo dục của Mỹ quả là có nhiều điểm tuyệt vời - không chỉ là giáo dục học sinh mà cả giáo dục ý thức công dân.

Cuối năm ngoái, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam có tổ chức hội thảo đánh giá chín năm triển khai Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nghe đâu luật này sẽ được sửa đổi. Thiết nghĩ, sửa đổi luật mà không sửa đổi được vấn đề ý thức, sửa đổi được nền giáo dục thì e rằng những chuyện bạo hành, xâm phạm quyền trẻ em sẽ vẫn còn là chuyện dài nhiều tập.

 Kim Nguyễn (California)

LTS: Sau khi Báo Phụ Nữ đăng bài Kẻ trộm sách (ngày 16/4), nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến bày tỏ nỗi bức xúc trước sự vô cảm của người lớn khi sẵn sàng buộc tội trẻ, bất chấp việc làm ấy gây nên tổn thương tinh thần, dư chấn về tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Với mong muốn góp thêm tiếng nói vào việc xây đắp tình yêu thương, tôn trọng trẻ, để các em được lớn lên trong sự nâng đỡ, Báo Phụ Nữ tổ chức diễn đàn Khi trẻ bị sỉ nhục.

Mời bạn đọc tham gia ý kiến trao đổi gửi về địa chỉ: khitrebisinhuc@baophunu.org.vn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI