Chỉ bằng trái tim người cha, ba đã làm cho anh em chúng tôi biết cách mạnh dạn bước đi trên đường đời của mình.
Ba khao khát cho con cái được học hành tử tế, vì tri thức của các con chứ không phải vì để làm cho ba hãnh diện. Ba muốn các con hiểu rằng sự hiểu biết là điều cần thiết trong cuộc sống nên phải học nhưng một khi chuyện học hành trở thành áp lực hoặc trở nên không phù hợp thì ba sẵn sàng gật đầu với một phương án khác của con mình. Ba tôi - người đã nói “không” với thành tích trong việc học của con từ những năm 1980 nên đã giúp chúng tôi học hành thật nhẹ nhàng.
Vì cảm xúc của con
Cách đây gần 30 năm, khi học lớp 5, tôi nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh sau khi đã trải qua nhiều kỳ thi. Nhà tôi cách thành phố hơn 20 cây số, tôi được đưa đi học vào chiều Chủ nhật và đưa về thăm nhà trưa thứ Bảy. Xa nhà, lạ chỗ, lạ trường, lạ thầy cô bạn bè nên tôi đi học mà buồn hiu. Ði học được hai tuần, ba thấy con chiều Chủ nhật nào cũng chẳng có vẻ gì háo hức trong lúc xe trường đến đón nên hỏi: “Con đi Quy Nhơn học không thấy vui à?”.
Tôi phụng phịu lắc đầu còn ba thì cười xoa đầu tôi và nói với thầy giáo mà không mất một giây suy nghĩ, rằng ba từ chối cho con đi tỉnh học. Sau này, ba nói: “Ði học thì phải thấy vui, không vui thì học làm gì, ham chi ba cái danh hiệu học sinh giỏi. Cứ nghĩ đến cảnh con gái xa nhà cả tuần, sợ đến chiều Chủ nhật bị “bắt đi”, rồi học hành, sinh hoạt trong buồn chán, ba thấy thảm quá.
Không tạo áp lực cho con
Chị gái của tôi nhút nhát và học kém nhất nhà. Tính tình chị rất dễ thương, nấu cơm, giặt đồ, chăm lo cho em út từng chút, nhưng cứ hễ vào học là lo lắng, sợ sệt. Thi tốt nghiệp cấp II xong, ba cười thoải mái, nói với chị: “Nè con, muốn học chữ tiếp không, hay mình học nghề hén?”. Chị thở phào nhẹ nhõm. Trước chị là một ông anh học quá giỏi, chị lấy đó làm gương mà học nên cứ “đu” theo chứ không dám đòi bỏ học vì sợ ba la. Nhờ chăm chỉ nên sau khi học nghề thì chị đã trở thành thợ thêu rất giỏi. Ba cười: “Ðó, ở nhà thêu vầy rồi nấu cơm giùm cho ba ăn có phải vui không. Học quá có khi “đứt gân máu”, ba mất đứa con sao!”.
Học là việc của con
Anh em tôi từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ dám “ra giá” với ba kiểu như: “Nếu ba không mua đồ chơi cho con thì con sẽ nghỉ học” vì ba sẽ đồng ý cho nghỉ học ngay tắp lự và hôm sau đến lớp thì con phải tự giải thích với cô giáo lý do nghỉ học. Hồi thi tốt nghiệp trung học hay đại học, tôi tủi thân muốn khóc vì bạn bè đứa nào cũng có người nhà chờ đón ở cổng trường, còn mình thì phải tự đi tự về.
Ở nhà thì từ tối hôm trước ba đã nhắc nhở đủ thứ, nào là chuẩn bị quần áo, bút viết, giấy tờ, máy tính đầy đủ, nào là phải dậy sớm ăn sáng rồi mới đi… nhưng tuyệt đối không đưa đi đón về. Ba giải thích: “Việc học cơ bản là của riêng con, trách nhiệm của ba là nhắc nhở chứ không phải đợi ở trường vỗ về con. Con làm bài thi thành công hay thất bại thì chính con là người nếm trải cảm giác sướng khổ đầu tiên. Mai này ra đời không phải lúc nào cũng có sẵn một người kề cận lúc con thất bại để kịp thời ôm con vào lòng. Vì vậy, nếu muốn giảm cảm giác nếm trải thất bại thì phải chuẩn bị mọi thứ cho thật kỹ trước khi làm”.
Bỏ trường này học trường khác, có sao đâu!
Những năm 1980, ở quê tôi mà có một người đậu đại học thì “ngon” lắm. Vậy nên khi anh trai tôi đậu Ðại học Bách khoa Ðà Nẵng thì trở thành “tấm gương sáng” trong việc học hành cho các gia đình trong xóm. Vậy mà anh tôi học được hai năm thì ba “chưng hửng” khi nhận được giấy báo nhà trường đình chỉ học vì anh tôi bị nhà trường kỷ luật. Ba đón xe đò từ Bình Ðịnh đi Ðà Nẵng tìm hiểu lý do.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Lúc đó, anh tôi mới nói là chán học trường này. Ba hỏi: “Vậy giờ tính sao?” Anh nói: “Có thể cho con học thi lại trường khác không?”. Ba đồng ý nếu anh đủ sức, mặc dù ba biết nếu anh đậu thì phải “cắn răng” kiếm tiền nuôi anh học đại học lại từ đầu. Sau đó, anh đậu Ðại học Y Dược TP.HCM và học hành thoải mái ở đó.
Em gái tôi cũng học Ðại học Y Dược TP.HCM nhưng đến năm thứ tư thì bỏ ngang thi vô Ðại học Luật TP.HCM, trong khi, họ hàng, thầy cô, bạn bè tiếc nuối vì thi vào y khoa không phải dễ dàng, nhưng ba tôi “tỉnh bơ”: “Chỉ sợ nó bị rắc rối gì trong cuộc sống hay thất tình học không nổi chứ nếu nó thấy ngành y không phù hợp thì học trường khác có sao đâu. Miễn nó vui!”.
Ba không còn nữa, nhưng những bài học của ba tôi tin, chị em tôi vẫn mang theo mỗi ngày.
Hạnh Nhỏ