Cuộc vượt ngục?

16/06/2018 - 14:00

PNO - Em mua món ăn gì cho con, mẹ chồng cũng có ý kiến. Em làm gì mẹ cũng can thiệp, em mất quyền tự do quyết định khiến mình thấy như ở tù. Em có nên thuê nhà ra riêng?

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em 29 tuổi, đã lấy chồng và có một bé trai đầu lòng 2 tuổi. Vợ chồng em sống chung với nhà nội từ 5 năm nay, đến nay hết chịu đựng nổi, em ra điều kiện với chồng: hoặc ra ngoài thuê nhà ở riêng hoặc em ly thân, dọn ra khỏi nhà chồng. Cuộc sống riêng của em bị mẹ chồng can thiệp thô bạo, em mất quyền tự do quyết định.

Em mua món ăn gì cho con, mẹ chồng cũng có ý kiến. Em sắm sửa quần áo (cũng chỉ là hàng giảm giá thôi chị ơi, em tiết kiệm đâu dám vung tay xài hàng mắc tiền), mẹ chồng cũng chê xấu, chê mắc. Em mua cái máy vắt nước cam cho cả nhà uống, mẹ chồng nói lười biếng, cái gì cũng bỏ tiền ra mua. 

Cuoc vuot nguc?
 

Chồng em không dám cãi lời mẹ, nên càng ngày, mẹ chồng em càng lấn lướt, bà bảo em phải nấu ăn cho con thế này thế nọ, Chủ nhật dậy sớm chở bà đi chợ, trong khi em chỉ có ngày Chủ nhật để nghỉ ngơi. Chuyện đáng bức xúc nhất là khi em kể đôi ba chuyện vui buồn ở chỗ làm, hồi đầu bà nghe, sau đó bắt đầu chỉ đạo em phải thế này thế kia dù không biết gì về công việc của con dâu, em vì lịch sự mà dạ cho bà vui, ai ngờ bà cứ nói dai dẳng mãi. 

Nay em đã dọn ra riêng được hai tháng. Nhà thuê nhưng là chỗ ở của mình, nơi mình sống, niềm vui nỗi buồn của mình được bày tỏ tự do. Điều em lo là khoảng 3-4 ngày bà lại sang thăm, mở tủ lạnh coi đồ ăn, vô bếp coi nồi niêu, thậm chí coi đồ giặt nữa. Bà dặn chồng em phải “dạy vợ” cẩn thận, chê cái này cái khác.

Em không biết làm sao, khi trong nhà mình mà mình cũng bị áp đặt theo ý của người khác, vẫn không được sống như mình muốn…

Bảo Vy (TP. HCM)

Em Bảo Vy thân mến,

Áp lực chăm lo theo kiểu chăm sóc có phần “chăn dắt” của mẹ chồng em sẽ giảm đi theo ngày tháng thôi, chắc chắn là như thế. Hạnh Dung nghĩ, các bà mẹ chồng đều cảm thấy mệt mỏi chứ em, năng lượng của các bà làm sao dồi dào bằng con cháu trẻ trung được. Vậy nên em đừng lo lắng quá. Không chừng mai mốt bà không qua nữa, em lại thấy nhớ, nhớ những lần “soi” của bà, biết đâu em sẽ thấy nhờ có người nhắc nhở mà mình thu xếp nhà cửa gọn gàng hơn, cơm nước chỉn chu hơn.

Còn lại, nếu không ai đoái hoài đến cuộc sống riêng của gia đình nhỏ của em, có khi em lại thấy tủi thân vì ra riêng đã hai tháng mà mẹ chồng coi như cất đi được cục nợ, chẳng ngó ngàng gì đến nữa. Thôi thì, cái gì mẹ góp ý mà em thấy làm được thì làm, cái gì không làm được thì thôi, mẹ cũng không thể đi theo sau lưng mình để nhắc từng chút như lúc còn ở chung nhà.

Cuoc vuot nguc?
Ảnh minh họa

Việc ra riêng, ngoài chuyện có không gian sống của mình, phải mang thêm những niềm vui, những mục tiêu khác nữa em ạ. Ví dụ, từ cuộc ra riêng này, em xác định quản lý chi phí sinh hoạt gia đình để dành dụm tiền bạc. Ví dụ, không khí tự do của nơi ở mới giúp vợ chồng em có thêm em bé… Những niềm vui đó góp phần thuyết phục ba mẹ chồng em, và những người xung quanh về ý nghĩa tích cực của cuộc “ra riêng” này. Đừng đơn thuần coi đây chỉ là cuộc “vượt ngục”, “trốn thoát”. Hãy coi đây là quyết định tự lập, tự lèo lái con thuyền gia đình mình.

Khi mình thể hiện khả năng làm chủ gia đình thực sự, mẹ chồng và những người lớn xung quanh sẽ hiểu và tôn trọng sự tự chủ của em, sẽ “buông tay” tin rằng em đủ bản lĩnh vững vàng để lái con thuyền gia đình cập bến hạnh phúc. Còn nếu mình vẫn cảm thấy chông chênh, chưa rõ phương hướng, hãy quý sự chăm lo giúp đỡ của người lớn. Họ đang giúp mình một tay thôi mà em, không phải là chuyện “can thiệp thô bạo” gì lắm đâu. Nghĩ thế cho nhẹ nhàng em nhé. Chúc em vui.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gửi về:
hanhdungorg@baophunu.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI