Chỉ cần biết rung động...

04/11/2017 - 14:07

PNO - Khi nghĩ đến ý tưởng chiếc gương cười (Smile Mirror), điều Berk Ilhan, một nhà thiết kế người Thổ Nhĩ Kỳ, mong muốn nhất là được nhìn thấy gương mặt bừng sáng, lạc quan của những bệnh nhân ung thư.

Màn hình gương được làm từ vật liệu thông minh, có thể chuyển đổi từ trạng thái mờ đục sang trạng thái mặt gương thông thường.

Bề mặt gương có cấu tạo tương tự màn hình điện thoại thông minh với camera phía trước có khả năng nhận diện khuôn mặt. Khi nhận diện được nụ cười của người soi, gương tự động chuyển từ đục sang chế độ gương soi. Công nghệ này giống như công nghệ nhận diện gương mặt trong các ứng dụng chụp hình được ưa chuộng hiện nay. Những chiếc gương khuyến khích bệnh nhân ung thư nở nụ cười.

Phát minh ra đời từ sự quan sát tinh tế, tấm lòng nhân văn của một người biết rung động trước cuộc sống. Không chỉ riêng Berk Ilhan, nhiều nhà phát minh khác cũng cho ra đời sản phẩm của mình từ sự thấu cảm, mong muốn ứng dụng khoa học góp phần giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Chi can biet rung dong...
Chiếc gương cười kỳ diệu

Shelly Henry (45 tuổi) vẫn còn rùng mình khi nhắc lại cảnh tượng 12 năm trước, khi cô hay tin con gái Kara lúc ấy 15 tuổi gặp tai nạn giao thông. Vụ tai nạn ảnh hưởng đến cột sống của Kara, khiến cô bé vô cùng đau đớn. Em trải qua giải phẫu điều chỉnh lại cột sống chấn thương và bị cảnh báo có thể sẽ đi lại rất khó khăn. 

Những cơn đau hành hạ Kara, Shelly không ít lần quay đi giấu nước mắt. Khi ấy cô là kỹ sư một phòng khám chấn thương nên thử dùng hai biện pháp phổ biến trong giảm đau là chiếu tia laser và kích điện qua da. Kara có phản ứng tốt, cảm nhận rõ những chỗ đau được xoa dịu. Thế là Shelly lao vào tìm hiểu với sự thôi thúc: “Nhìn con chịu đựng đau đớn, tôi tan nát cõi lòng”.

Trong nhiều ngày mất ăn mất ngủ, Shelly mày mò, cố tìm cách giúp con. Đến một ngày, thiết bị hỗ trợ giảm đau do cô sáng chế dựa trên những cách thức áp dụng hiệu quả cho con ra đời. Thiết bị gồm đèn LED, tia laser, bộ phận kích điện và được Shelly đăng ký bản quyền tên sản phẩm Neurolumen.

Chi can biet rung dong...
 

Thiết bị khá gọn nhẹ với sáu sợi dây cũng là sáu miếng dán có thể tháo gỡ dễ dàng trải rộng trên cơ thể Kara giúp xoa dịu tức thì cơn đau, giúp em vui sống. Kara đã hoàn thành cử nhân ngành sử Đại học Central Oklahoma, sau đó kết hôn, sinh con, điều cô chưa từng mơ ước vì bác sĩ khuyến cáo những cơn đau dữ dội ở cột sống có thể ngăn cản cô bé làm mẹ. 

Thiết bị Neurolumen được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cấp giấy phép đưa vào kinh doanh, được các bác sĩ kê cho bệnh nhân bị chấn thương sử dụng. Tấm lòng người mẹ với mong muốn tột cùng được nhìn thấy con khỏe mạnh đã tạo nên điều kỳ diệu, đó là sự hòa quyện giữa khoa học với giá trị nhân văn trong mỗi con người.

Trường hợp khác gần đây là 12 cô gái trẻ của một trường trung học phổ thông ở California (Mỹ), với chiếc lều sử dụng năng lượng mặt trời. Chứng kiến hàng ngàn người vô gia cư co quắp bên vệ đường trong những đêm giá lạnh, các em nghĩ mình phải làm điều gì đó. Trưởng nhóm là Daniela Orozco, tập hợp những người bạn thân, cũng là những cô gái yêu thích khoa học và cùng nhau thực hiện dự án lều này. 

Túp lều này có thể cuộn lại gọn như một chiếc ba-lô, được tích hợp hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời bên trong nên ở bất cứ đâu, người vô gia cư cũng có những tiện nghi tối thiểu, được sưởi ấm trong những ngày lạnh giá. Cả 12 em đều không được đào tạo chuyên sâu, những gì các em có là nhiệt huyết và thời gian tự tìm hiểu, tự học trên mạng.

Các cô gái trẻ này không có nhiều tiền, xuất thân từ gia đình thu nhập thấp, nhưng các em đã chứng minh được một điều: Chỉ cần nghĩ đến người khác, chỉ cần biết rung động, thấu cảm với nỗi đau của ai đó, ta vẫn có thể giúp đỡ, bằng cách này hay cách khác: tấm lòng và tri thức của mình.

Anh Thông
(theo RD, Indpependent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI