Vẽ con cá từ… đuôi

25/03/2017 - 11:23

PNO - Khi Khôi còn trong bụng mẹ, mẹ đã thấy con ngậm tay trái. Ra đời, bất cứ thứ gì được đưa cho con, con đều cầm bằng tay trái.

Mọi chuyện cũng không có gì đặc biệt cho đến một ngày, cô giáo hỏi mẹ Khôi viết tay trái, mẹ có muốn tập cho Khôi viết tay phải không? Mẹ nhận thấy trong nét mặt cô có phần dè dặt. Mẹ nói mẹ không muốn, không phải vì mẹ tin người thuận tay trái sẽ thông minh hơn người thuận tay phải, mà là mẹ sợ…

Ve con ca tu… duoi
 

Mẹ có một bạn học thuận tay trái. Từ lớp 1 đến lớp 5, bạn đều là học sinh giỏi nhất lớp, nhưng luôn là học sinh cá biệt, quậy phá vào hàng “top ten” của trường. Bạn viết tay trái nên vở bạn lem nhem đầy mực, chữ viết loằng ngoằng. Bạn phải ngồi đầu bàn vì dáng người nhỏ con và để không đụng các bạn khác.

Đỉnh điểm là cuối năm lớp 5, cô giáo chủ nhiệm đã mời bạn lên văn phòng và nói chuyện với thầy hiệu trưởng. Cũng không biết cuộc nói chuyện đó có để lại lòng bạn vết thương nào không, nhưng cô thì khóc sưng cả mắt, còn bạn thì cùng gia đình lên Sài Gòn sinh sống.

Mẹ lo nếu Khôi viết tay trái. Khôi nằm trong số ít ỏi khác biệt. Khôi mới bốn tuổi mà đã bị cô “mắng vốn” mấy lần về việc viết tay trái. Khôi không hợp tác với cô nếu cô bắt Khôi chuyển bút qua tay phải. Khôi cũng không thích cô tập cho con viết từ bên trái sang bên phải. Khôi viết từ phải qua trái. Tức là ngoài việc Khôi viết tay trái ra thì mọi thứ Khôi đều bắt đầu ngược với các bạn. 

Khôi có anh họ Dori. Dori vẽ đẹp, vẽ bằng tay phải. Nhưng cái khó của anh Dori là anh cũng thích bắt đầu vẽ mọi thứ ngược lại. Con cá vẽ từ cái đầu, Dori sẽ vẽ từ đuôi. Cái nhà vẽ từ mái, Dori sẽ vẽ từ nền nhà. Thầy giáo dạy vẽ “ca cẩm” thế nào mà mẹ Dori cho Dori nghỉ học vẽ, mà Dori mới có năm tuổi chứ mấy, chả phải mọi thứ đều phải bắt đầu từ niềm vui hay sao?

Khôi về nhà là đòi tô màu, sau tô màu sẽ tập viết chữ O. Chữ O của Khôi không tròn vì Khôi viết ngược và tất nhiên là bằng tay trái. Mẹ cũng lúng túng vì không biết cầm tay Khôi viết thế nào. Mẹ cũng có thể hiểu được khó khăn của cô giáo khi trong lớp có một đứa trẻ “cá biệt”. Khôi viết miệt mài. Khôi viết đầy trang giấy. Nếu chưa đầy trang mà bố bắt đi ngủ, thì khi bố tắt đèn Khôi vẫn viết. Bố buộc Khôi đi ngủ, Khôi sẽ vừa viết vừa khóc. Đầy trang thì thôi. Chữ lem nhem, ngoằn ngoèo và đầy nghẹt trang giấy. 

Thế giới có những vĩ nhân thuận tay trái. Mẹ không mong con là vĩ nhân, chỉ mong con không là cá biệt. Giáo dục phương Tây không ép trẻ, mà luôn nương theo sự tự nhiên của trẻ để uốn nắn. Giáo dục châu Á thì khác hẳn, luôn nghiêm khắc và buộc trẻ vào nếp ngay từ đầu. Những đứa trẻ khác biệt dễ thành cá biệt. Nên mẹ sợ, như mọi người mẹ khác, thật khó tránh khỏi những lúc con bị đối xử không công bằng…

Còn hai năm nữa Khôi mới vào lớp 1. Vậy mà giờ đây, thấy Khôi ngồi tập viết chữ mà mẹ chỉ ước gì, giá Khôi không lớn, giá Khôi không cần phải đi học. Nhưng hình như mẹ không đúng. Khôi thích học viết, Khôi thích viết. Chẳng phải mọi thứ đều nên bắt đầu từ sự yêu thích, vui vẻ hay sao? So với việc viết bằng tay trái hay tay phải, vẽ từ đầu hay đuôi thì việc nuôi dưỡng một niềm hứng khởi say mê, tìm tòi điều mới lạ hẳn là quan trọng hơn. Làm sao để không bị dập tắt những điều ấy trong mỗi đứa trẻ?

 Kim Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI