Giáo dục có thể là một khoản đầu tư rủi ro

25/10/2016 - 11:30

PNO - Số người có bằng cấp cao (đại học và trên đại học) trong xã hội ngày càng nhiều, vì thế cơ hội tìm việc làm để đổi đời bằng con đường học vấn sẽ ngày càng khó khăn hơn trước.

Trao đổi với mấy người bạn về vấn đề du học, nghe các bạn kể về các trường hợp người quen hay bạn bè cho con sang nước ngoài du học nhưng 2, 3 năm sau phải quay về nước giữa chừng vì nhiều lý do, trong đó lý do chủ yếu là các cháu không theo nổi việc học ở các trường nước ngoài.

Vậy là 2-3 năm học của các cháu và không biết bao nhiêu tiền của bố mẹ đầu tư cho con đi học đã không mang lại kết quả gì. Giờ quay về nước, các cháu sẽ phải bắt đầu lại từ đầu trong khi các bạn đã sắp có bằng đại học.

Cách đây 10-15 năm, các gia đình có điều kiện kinh tế tốt phần lớn đều dồn tiền cho con du học, trong đó có nhiều gia đình bán nhà, bán đất để đầu tư cho con kiếm được tấm bằng đại học và cao học ở nước ngoài. Tuy các cháu chịu khó học hành, ra trường cũng kiếm được công ăn việc làm ở nước ngoài có thu nhập ổn định, song với mức sống ở nước ngoài thì cũng chỉ đủ ăn và ở nhà thuê, khó lòng mua lại được nhà, đất cho cha mẹ. Với các cháu mà việc học hành và công việc không được thuận lợi, suôn sẻ thì nhiều khả năng vốn đầu tư cho giáo dục của con cái có thể bay vèo qua cửa sổ.

Giao duc co the la mot khoan dau tu rui ro
Chị Mai Phạm.

Lại mới nghe bác hàng xóm kể chuyện gia đình chị giúp việc nhà bác, nhà chỉ có 2 mẹ con nên mẹ cũng cố gắng cho con theo đuổi con đường học hành. Con bé cũng chịu khó học nên vào được đại học. Nghe người ta nói học ngành công nghệ thông tin sau dễ có việc làm, thế là chị vay mượn tiền của họ hàng, làng xóm để con theo học ngành này ở Hà Nội và lấy được cái bằng cử nhân công nghệ thông tin. Sức học của cháu làng nhàng, ra trường không đọ nổi với các bạn giỏi khi đi xin việc, gia đình lại cũng không quen biết ai để chỉ dẫn, thế là sau 3-4 năm ở nhà thất nghiệp, kiến thức rơi rụng dần. Giờ hai mẹ con tá túc trên thành phố, mẹ thì đi làm giúp việc, con xin vào dọn phòng trong khách sạn để lấy tiền trả nợ vay mượn khi trước để cho con theo đuổi con đường học hành.

Chợt nhớ có lần nói chuyện với mấy đại gia, quanh đi quẩn lại thế nào rồi lại quay về vấn đề giáo dục (không nhớ là tại mình lái câu chuyện xoay về lĩnh vực giáo dục hay tại các anh chị cũng phải đau đầu vì vấn đề giáo dục), mọi người đều khuyên rằng không nên đầu tư tất cả tiềm lực tài chính vào chuyện học hành của con cái, nhất là không nên dồn hết tiền tiết kiệm chắt bóp của gia đình để “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, bởi ngày nay cơ hội “đổi đời bằng con đường học vấn” không còn dễ dàng như xưa.

Giáo dục đại học đã chuyển từ thời kỳ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng, điều này có nghĩa là số người có bằng cấp cao (đại học và trên đại học) trong xã hội ngày càng nhiều, vì thế cơ hội tìm việc làm để đổi đời bằng con đường học vấn sẽ ngày càng khó khăn hơn trước.

Vì thế, như mọi khoản đầu tư, việc đầu tư cho học hành của con cái nên được các gia đình suy xét và tính toán cẩn thận, dựa trên năng lực tài chính của cha mẹ cũng như năng lực học tập và tiếp thu của con. Việc xây dựng một chiến lược đầu tư cho giáo dục cụ thể với các mục tiêu rõ ràng cho từng thời kỳ sẽ giúp giảm bớt các rủi ro mà cả gia đình phải gánh chịu.

Đã từng có một bài báo kể về một số bi kịch của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc khi cha mẹ đầu tư cho con đi du học nước ngoài, du học xong con không kiếm được việc làm, còn cha mẹ lâm vào cảnh bần hàn bởi đã dốc hết tiền tiết kiệm cả đời của bố mẹ để trang trải cho học phí đắt đỏ ở trời Tây...

Trên đây là chia sẻ mang quan điểm cá nhân của chị Phạm Mai (một người quan tâm đến giáo dục).

Phạm Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI