Mâm cơm 'phẳng'

19/01/2019 - 06:00

PNO - Có người vừa ăn vừa mở webcam, chat nhóm với bạn bè, người thân ở xa hoặc phát trực tiếp trên mạng xã hội để thu hút sự quan tâm, hoặc chỉ là có động lực để mà... ăn.

Khởi phát từ đầu thập niên này, Mukbang - trào lưu phát sóng trực tiếp khi đang ăn, trở thành nghề hái ra tiền của hàng ngàn người trẻ ở Hàn Quốc. “Diễn viên” vừa ăn vừa bàn luận nhiều đề tài về ẩm thực, phim ảnh, cuộc sống để đổi lấy những “bóng bay” (được xem như một dạng tiền) đáng giá từ khán giả. 

Cậu bé Kim Sung-jin (Seoul) đã tham gia trang chia sẻ clip AfreecaTV từ 11 tuổi và nhận được số tiền khủng vào mỗi bữa ăn tối (tương đương vài chục triệu đồng Việt Nam). Nhưng ăn trực tuyến còn là câu chuyện được kể bởi nỗi cô đơn. 

Như Kim Sung-jin, hằng đêm, cậu đóng cửa phòng riêng, một mình đối diện với màn hình, ăn và trò chuyện cùng bao người lạ. Ba mẹ đi làm xa, cậu ở cùng ông bà nhưng ông bà đã ăn từ sớm. Cậu không có bữa ăn gia đình. Cậu ăn trực tuyến để có nhiều bạn mới cùng ăn, để không bỏ bữa và cùng chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.

Mam com 'phang'
Ăn cơm cùng... cộng đồng mạng. (Ảnh minh hoạ)

Nhiều bạn trẻ “hành nghề” này cho biết, rất thích và cảm thấy thoải mái khi dọn ra thật nhiều thức ăn tại phòng ngủ, ăn online với người lạ hơn là ăn cùng mâm với người thân. Đã có không ít lời chỉ trích rằng họ không biết quý trọng tình cảm gia đình, rằng có thức ăn là nhờ cha mẹ mà đến khi ăn lại gạt cha mẹ ra. Ăn trực tuyến còn có thể đưa đến nguy cơ béo phì, ảnh hưởng đến sức khỏe và quan trọng là khiến “người chơi” dần nghiện những tương tác ảo, đánh mất những điều chân thật quý giá xung quanh mình. 

Ngay ở ta, nhiều lúc mâm cơm cũng “phẳng”. Có người vừa ăn vừa mở webcam, chat nhóm với bạn bè, người thân ở xa hoặc phát trực tiếp trên mạng xã hội để thu hút sự quan tâm, hoặc chỉ là có động lực để mà... ăn. Rồi những công chúa, hoàng tử nhỏ biếng ăn, cha mẹ phải đưa con “lên sóng” trực tiếp để được nhận những lời cổ vũ sau khi “ùm” thành công từng muỗng. Ăn trực tuyến ở ta cốt để giải quyết sự buồn tẻ, đơn độc. 

Có khi người ta lại chọn ăn “phẳng” trong khi có cơ hội để… sum vầy bên nhau. Bà Nguyễn Thúy (82 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc và bất lực trong việc duy trì bếp ấm, mâm vui nhà mình. Con trai bà thường xuyên vắng mặt ở bữa cơm tối vì công việc. Niềm an ủi của bà là được ăn tối với con dâu. Nhưng từ khi con dâu sinh em bé, do nóng lòng lấy lại vóc dáng, tan sở, cô đến luôn phòng tập thể dục thẩm mỹ... Bà chờ cơm thì cô giục “mẹ cứ ăn trước”. Đứa trẻ được gửi ở nhà trẻ tư nhân đến tối muộn, rước về nhà là ngủ thôi.

Mam com 'phang'
Người ta sẽ còn gì sau bữa ăn cùng máy vi tính?

Ăn một mình buồn quá làm sao nuốt trôi, bà đành chờ, nhưng lại cũng không được vì phải uống nhiều loại thuốc bệnh mạn tính. Bà ăn “mình ên” mà ngậm ngùi, oán trách con trai thờ ơ, con dâu coi trọng mấy cen-ti-mét vòng eo hơn mẹ chồng, nếp nhà. Càng tức điên khi con dâu ăn tối một mình lại không dùng bữa nhanh gọn mà lại mở mạng để ăn với người ngoài. Họ cùng hội ăn tối với nhau. Bữa ăn lê thê, cười nói ồn ào. Cô khoe món, hướng dẫn cách chọn nguyên liệu, chế biến sao cho ngon mà không bị lên cân, bài trí sao cho đẹp mắt như thể mình là phụ nữ đảm đang.

“Nhìn con dâu ăn trên mạng với người ngoài, vô tư đến vô tâm, có khi tôi điên tiết muốn hất cả mâm cơm”, bà nói trong cay đắng. Nỗi cô đơn trên mâm cơm lắm khi không phải được tạo bởi hoàn cảnh mà do con người quên xích lại gần nhau. 

Mâm cơm “phẳng” được hay mất, ấm áp hay lạnh lẽo, gần gũi hay xa vời cũng tùy bạn “phẳng” với ai, đến mức độ nào và có nhớ những người thân vẫn đang hiện diện, sẵn sàng đợi mình ngồi cùng mâm? Chị Hạnh Hoa (định cư tại Canada) chia sẻ: “Mấy năm nay, nơi xứ lạ quê người, tôi toàn ăn cơm một mình, thậm chí ăn tết cũng “mồ côi”. Bởi thế, lắm khi nhớ quá, tôi nới mâm rộng ra bằng cách ăn online với gia đình ở Việt Nam để tìm chút hơi ấm của người thân. Xuân này, tôi được về quê nhà, tới bữa xúm lại nấu nướng, ngồi cùng mâm, gắp miếng ngon, mềm cho mẹ; trò chuyện, vui đùa khi ăn tráng miệng, uống ngụm trà. Bữa ăn cùng cha mẹ, anh em, bạn bè… sao mà vui, mà ngon quá đỗi”. 

Tô Diệu Hiền 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI