Có những đợt liên hoan, hội diễn cải lương, tìm mỏi mắt vẫn không thấy tên tuổi đạo diễn nào mới. Nhiều lần, khi còn khỏe, NSND Huỳnh Nga vẫn rưng rưng nhắc cải lương đang khủng hoảng trầm trọng đội ngũ đạo diễn trẻ. Nỗi lo đó đang dần được giải tỏa khi ngày càng nhiều diễn viên cải lương trúng tuyển các lớp đạo diễn của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.
|
Tại các đoàn tỉnh, cơ hội thử sức dành cho các nhân tố mới trong vai trò dàn dựng nhiều hơn |
Những niềm hy vọng mới
Sự thiếu hụt đội ngũ đạo diễn trẻ am hiểu về đặc thù của sân khấu cải lương từ nhiều năm nay khiến dư luận, người làm nghề phản ứng gay gắt với những vở “kịch - cải lương” - diễn viên thích thì ca, không thích thì thoại lời như kịch nói; bài ca sắp xếp tùy hứng, tùy khả năng và sở thích của diễn viên… hay cách làm mới bất chấp đặc trưng cơ bản của cải lương.
Có đạo diễn từng có tác phẩm tạo tiếng vang ở sân khấu kịch, nhưng lại không thể nhúng tay vào cải lương sau đó. Mọi ý kiến của đạo diễn này luôn bị các diễn viên cải lương phản bác vì không thuyết phục hoặc sai nguyên tắc. Nhưng đạo diễn không thể phản biện, do không hiểu về cải lương. Kết quả, cái tên đạo diễn được giới thiệu chỉ là “bù nhìn”, vì các diễn viên đã tự dựng, tự làm với nhau cho tới khi ra vở. |
Chương trình đào tạo đạo diễn sân khấu ở các trường nghệ thuật cũng chỉ cung cấp những kỹ năng, kiến thức chung cho công tác dàn dựng sân khấu. Trong khi đó, cải lương lại đòi hỏi cả những trình thức vũ đạo, nguyên tắc về âm nhạc, cách sắp đặt bài ca, lối ca diễn… phải phù hợp với đặc thù riêng của loại hình sân khấu này.
Đã khá lâu kể từ khi Phan Quốc Kiệt và Lê Trung Thảo tốt nghiệp khóa đào tạo đạo diễn sân khấu, năm ngoái cải lương mới có thêm đạo diễn Hoài Nam. Năm nay, ba tên tuổi quen thuộc của sân khấu cải lương là NSƯT Hồ Ngọc Trinh, NSƯT Mỹ Hằng và Nguyễn Minh Trường đã bước vào năm cuối, Khoa Đạo diễn, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Chuông vàng vọng cổ Nguyễn Thanh Toàn vừa trở thành tân sinh viên Khoa Đạo diễn. Diễn viên Điền Trung cũng vừa hoàn tất kỳ thi tuyển sinh hệ cao đẳng liên thông đại học…
|
Sân khấu cải lương đang "khát" những tên tuổi đạo diễn mới, giàu sức sáng tạo và am hiểu cải lương |
Tại Liên hoan cải lương toàn quốc tháng 9/2018, một số tên tuổi “lạ mà quen” đã xuất hiện ở vai trò đồng đạo diễn hoặc trợ lý đạo diễn như: NSƯT Hồ Ngọc Trinh (đồng đạo diễn với NSƯT Triệu Trung Kiên, vở Cuộc đời của mẹ), trợ lý đạo diễn Hoài Nam (vở Ngày đó… họ đều còn rất trẻ), trợ lý đạo diễn Điền Trung (vở Hiu hiu gió bấc)… Với vốn liếng tích lũy hơn 15 năm theo nghề hát, ngay từ năm học thứ hai, NSƯT Hồ Ngọc Trinh đã được giao dàn dựng khá nhiều vở diễn của đoàn: Hoa Mộc Lan, Kép hát làm vua, Người đánh rơi hạnh phúc, Đảo cấm đàn ông…
Chiếc huy chương vàng dành cho vở Cuộc đời của mẹ, đã phần nào khẳng định sự trưởng thành của một tên tuổi đạo diễn mới, dù chỉ là đồng đạo diễn.
|
Cuộc đời của mẹ - vở diễn giới thiệu thêm một tên tuổi đạo diễn mới của Đoàn cải lương Long An |
Chưa có cơ hội được dàn dựng nguyên tuồng, nhưng NSƯT Mỹ Hằng cho biết, cô cũng được thực tập và rèn nghề khi được “trao quyền” chọn diễn viên, trích đoạn và dàn dựng để kết hợp biểu diễn trong các chương trình tổng hợp của Nhà hát Trần Hữu Trang. Với nền tảng khá chắc về các trình thức vũ đạo, kỹ thuật, bài bản ca diễn… NSƯT Mỹ Hằng đang được kỳ vọng sẽ là một tên tuổi đạo diễn mới của Nhà hát Trần Hữu Trang.
Cơ hội nào cho đạo diễn trẻ?
Khác với suy nghĩ TP.HCM là mảnh đất màu mỡ cho những người trẻ muốn gắn với cải lương, thực tế, đạo diễn ở các đoàn cải lương tỉnh lại có nhiều cơ hội hơn. Sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ giúp các đơn vị nghệ thuật địa phương chủ động được cả về kinh phí lẫn các kế hoạch; đồng thời tạo cơ hội để người trẻ rèn nghề” - NSƯT Minh Mẫn, nguyên trưởng đoàn Văn công Đồng Tháp, chia sẻ. Cùng quan điểm, Đoàn cải lương Tây Đô, Nhà hát Cao Văn Lầu cũng đã có kế hoạch gửi diễn viên đi học các khóa đào tạo đạo diễn.
Trong khi đó, cơ hội được dựng vở của các đạo diễn mới ra trường ở TP.HCM cực khó, phần vì “đất chật, người đông”, phần vì giao kịch bản cho các đạo diễn trẻ vẫn bị xem là việc làm mạo hiểm. Chuẩn bị tốt nghiệp đạo diễn, nhưng chuông vàng vọng cổ Nguyễn Minh Trường vẫn chưa hết băn khoăn: “Cơ hội cho người trẻ ở TP.HCM rất ít. Ở vị trí diễn viên, người trẻ đã không được tin tưởng để giao vai. Cơ hội cho những đạo diễn mới ra trường còn khó hơn nhiều”. Tâm trạng của Minh Trường cũng là nỗi niềm của hầu hết diễn viên đang theo học hoặc mới thi tuyển vào Khoa Đạo diễn.
|
NSUT Mỹ Hằng một gương mặt quen vừa hoàn tất khóa đạo diễn sân khấu |
Cải lương đang có một lực lượng đạo diễn ít nhiều có “vốn liếng”, kiến thức bài bản về nghề; Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng đã có kế hoạch sáng đèn thường xuyên. Nhưng để những chất xúc tác này có thể hòa quyện cùng nhau, góp phần thay đổi diện mạo của sân khấu cải lương thì vẫn phải chờ. Mọi nỗ lực đều phải từ cả hai phía: sự chấp nhận, mở lòng của những người đi trước và nỗ lực khẳng định tài năng ở những người trẻ.
Thảo Vân