Lửa nghề trong tim

19/06/2015 - 07:25

PNO - PN - “Sống sâu sắc, say sưa hơn nữa!”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời từng khuyên những người làm báo như thế. Yêu nghề, say nghề, những người làm báo chân chính đã chọn cho mình lối đi nhọc nhằn, có khi cay đắng, đi đến...

edf40wrjww2tblPage:Content

Quyết tâm bóc gỡ sự thật 

Loạt bài Thâm nhập đường dây “kinh doanh” con nuôi ở Hà Nội (năm kỳ, đoạt giải nhì giải báo chí thành phố 2013) có kỳ 5 Trẻ “bỏ rơi” nơi cửa Phật đề cập “nhẹ” đến chuyện cho nhận con nuôi không rõ ràng ở chùa Bồ Đề. Ngay sau đó, nhiều độc giả đã âm thầm tìm gặp tôi để cung cấp thêm thông tin về sự thật ở ngôi chùa vốn được coi là “thiên đường” an lành của trẻ em bị bỏ rơi và người già neo đơn.

Tôi đã gặp hàng chục người đến và đi khỏi chùa Bồ Đề, mang theo nỗi thất vọng ê chề vì những gì mà họ được thấy. Số phận hàng trăm đứa trẻ mồ côi ở chùa được phó mặc cho những cô bảo mẫu không có trình độ chuyên môn, không yêu trẻ, có người thường đánh đập trẻ, cố tình để trẻ đói khổ, nhằm mục đích “câu” tiền từ thiện… Kinh khủng hơn, thỉnh thoảng có những đứa trẻ mồ côi biến mất, không rõ đi đâu.

Một hôm, tôi nhận được cuộc gọi của một cô gái trẻ. Cô ấy kể, có một đường dây mua bán trẻ em để đưa vào các chùa làm con nuôi. Nếu tôi dám làm, cô ấy sẽ giúp tôi thâm nhập.

Lua nghe trong tim

Phóng viên Thu Trang luôn đau đáu với cuộc đời những đứa trẻ - Ảnh: CTV

Cuộc thâm nhập ấy đem lại cho tôi nhiều đau đớn, khi phải chứng kiến sự giả dối, xấu xa được che đậy bởi hào quang, lòng tốt... Tôi quay cuồng trong mớ hỗn độn day dứt và đau khổ. Có những đêm tôi không thể nào ngủ được, phóng xe qua cầu Chương Dương… chỉ để đứng gần hơn ngôi chùa ấy, lắng nghe lòng mình muốn gì? Tôi biết đây là đề tài vô cùng khó khăn. Tôi cũng như mọi người, cần được sống một cuộc đời bình yên.

Nhưng, để được yên thân mà phải sống trong day dứt thì tôi chọn dấn thân vào nguy hiểm để kiếm tìm sự bình yên cho chính tôi và những đứa trẻ mà tôi trót mang “nợ”.

Khi làm đề tài “Vụ nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề, Hà Nội”, tôi đã phải chịu áp lực từ nhiều phía. Đe dọa có, giăng bẫy có, thậm chí có cả những chống đối đến từ đồng nghiệp. Nhưng, người ủng hộ tôi ngày một nhiều hơn. Nhiều người ôm trọn nỗi bức xúc lâu nay đến gặp tôi và “vỡ òa” trong nước mắt. Mỗi lời kể của họ khiến tôi có thêm động lực để đi đến cùng sự thật, đi đến hàng chục địa phương, miệt mài tìm đến những gia đình có con, cháu từng gửi vào chùa Bồ Đề…

Lua nghe trong tim

Những bảo mẫu thu lợi bất minh, tàn nhẫn trên thân phận những đứa trẻ côi cút, tội nghiệp đã bị bắt. Nhưng, số phận các em bé khác vẫn dai dẳng trong tôi niềm day dứt. Tôi vốn nghĩ trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi vốn đã quá xót xa rồi, ai nỡ lợi dụng thân phận của các em nữa. Vậy mà đã có những đối tượng trục lợi trên những số phận đáng thương.

Tôi luôn nghĩ trách nhiệm của mình là gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Đã có nhiều can thiệp để tôi dừng làm loạt bài này. Nhưng, được sự hậu thuẫn vững chắc của ban biên tập báo Phụ Nữ, tôi càng tăng thêm quyết tâm bóc gỡ đến cùng sự thật. Và tôi đã đền đáp sự tin cậy đó bằng cách làm hết mình, thể hiện sự dấn thân, trung thực, quyết liệt của mình.

THU TRANG
(Văn phòng Báo Phụ Nữ tại Hà Nội)

Phía sau từng hồi chuông hối hả

14 năm trước, chị Mai Hiền (nguyên Tổng biên tập báo Phụ Nữ) trao cho tôi hai chiếc điện thoại Đường dây khẩn, dặn: “Nhớ là Đường dây khẩn nghe em, nhận thông tin là phải nghĩ hướng chuyển tiếp, xử lý liền. Có việc khẩn thiết bạn đọc mới cầu cứu mình!”.

Và, “mệnh lệnh” này đã trở thành phương châm tác nghiệp của tôi!

Đường dây khẩn của báo Phụ Nữ ra đời từ tháng 5/1998, sau lần phóng viên Nguyễn Thiện cứu cô bé Trúc Ly ở Tây Ninh bị hành hạ, ngược đãi. Từ đó đến nay, những hồi chuông khẩn ngày ngày vẫn reo lên, chuyển đến tòa soạn nỗi niềm bức xúc của bạn đọc về những vấn đề trong cuộc sống; nhiều nhất là các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em: bị bạo hành, xâm hại, hoặc lạm dụng, bóc lột sức lao động…

Khi đã mang sứ mạng bảo vệ phụ nữ, trẻ em, người già và người yếu thế, phóng viên báo Phụ Nữ đã thành… “đối thủ” của những kẻ lạm quyền, thủ ác. Không chỉ đánh đập vợ con, nhiều người chồng gây bạo lực còn hung hăng đòi đánh luôn phóng viên vì… “xía vô chuyện nhà” của họ. Có những tên chăn dắt trẻ ăn xin nhắn tin đe dọa Đường dây khẩn suốt cả tháng trời…

Không chỉ “xía vô chuyện nhà của người ta”, phóng viên còn phải chầu chực, phải biết tìm đủ “chiêu” đón đầu lãnh đạo các nơi để yêu cầu trả lời khiếu nại, tố cáo của bạn đọc. Rất may là phía sau tờ báo, luôn có một đội ngũ các luật sư nhiệt tâm như Trương Thị Hòa, Nguyễn Văn Hậu, Phạm Lĩnh Sơn, Lê Nguyễn Thuyền Quyên, Huỳnh Minh Vũ, Vũ Thị Hoài Vân, Nguyễn Thị Duyên, Phan Đăng Thanh, luật gia Hoàng Kim Chiến… “yểm trợ”, tư vấn cặn kẽ về mặt pháp lý trong từng trường hợp cụ thể. Nhiều vụ việc, các luật sư không chỉ giúp bạn đọc thảo đơn, đưa ra các hướng tháo gỡ vấn đề mà còn tình nguyện bảo vệ miễn phí quyền, lợi ích hợp pháp cho nạn nhân trước tòa…

Năm 2004, tôi đi xác minh thông tin vụ một phụ nữ bị chồng bạo hành, một anh lãnh đạo công an xã ở H.Bình Chánh ngạc nhiên: “Ủa, báo Phụ Nữ mà cũng… đăng chuyện đánh nhau sao?”. Nghe chúng tôi giải thích phải ngăn chặn bạo lực gia đình, anh này cười: “Chuyện nhà thôi mà, can thiệp vô đó làm chi cho mệt, trước sau gì rồi người ta sẽ tự làm lành…”, câu nói vô cảm khiến chúng tôi… “sôi ruột”, đăng lại nguyên văn vào bài viết để phê phán.

Lua nghe trong tim

Phóng viên Nghi Anh tác nghiệp thông tin từ Đường dây khẩn - Ảnh: Phùng Huy

Bất ngờ là… từng có một chị gọi điện thoại cầu cứu bị chồng đánh lúc nửa đêm. Phóng viên tức tốc chạy đến, nhìn đầu chị có chỗ bầm tím mà xót dạ. Ngồi ghi ghi, chép chép, chụp ảnh xong ra tới đầu ngõ, chưa kịp lên ủy ban xã xác minh thì mấy người dân kéo lại nói nhỏ: “Bà đó diễn với cô đó”. Rồi họ đưa phóng viên đến trụ sở ban ấp gặp anh chồng của chị “nạn nhân”.

Tay quấn băng trắng toát, anh này rụt rè thú nhận mình mới chính là nạn nhân. Thì ra, nhiều lần chị này đã đánh chồng đến mức chính quyền quen mặt, người dân xung quanh khiếp đảm. Lần này, sau khi đánh chồng xong, chị bị vấp té, đập đầu vào bậc cửa nên mang vết bầm đi… tố chồng.

Nhưng, dẫu sự thật thế nào, chúng tôi cũng quyết truy tới tận cùng. Có những anh chồng được nhắc nhở bớt thói hung hăng, bỏ rượu, chí thú làm ăn. Có những vụ án xâm hại trẻ em bị “ngâm” đã được đưa ra xét xử và kẻ thủ ác bị pháp luật trừng trị; rất nhiều đứa trẻ đã được can thiệp trở về với mẹ; nhiều phụ nữ bị bóc lột sức lao động được trả lại công bằng…

Lua nghe trong tim

Tuy vậy, có những vụ việc chúng tôi đành bó tay, bất lực như vụ người cha ở Biên Hòa bắt cóc con, không thi hành án. Là nỗi trăn trở nhiều năm tháng khi biết đứa trẻ cách đây 5 năm Báo vừa giúp đưa kẻ xâm hại bé ra trước vòng pháp luật giờ bị xâm hại thêm lần nữa bởi chính người thân của em…

Thế nhưng, những điều không suôn sẻ đó không làm nhụt chí phóng viên. Chỉ cần một phản hồi nho nhỏ như tiếng nấc nghẹn ngào sung sướng của người mẹ trẻ N.T.H. ở Quy Nhơn báo tin: “Chị ơi, hôm nay con đã về với em, con em đã được bú sữa mẹ rồi”… đã là niềm vui và động lực cho người cầm bút. Và, chúng tôi lại hối hả lên đường khi tiếng chuông Đường dây khẩn reo vang.

NGHI ANH

Bởi đời sống luôn là bí mật…

Có lẽ năm 2013 là năm “nạn” của ngành y tế bởi tai biến sản khoa liên tiếp xảy ra, tạo ra “điểm đen” trong cái nhìn của dư luận về y đức và chuyên môn của các bác sĩ (BS) sản khoa. Đùng một cái, thêm một ca ở Bệnh viện Đa Khoa Quảng Nam, BS kết luận một trẻ sơ sinh quê Núi Thành - Quảng Nam, chết, cho đưa về chôn vào tối ngày 4/8/2013, nhưng về đến nhà thì trẻ sống lại.

Tôi nhớ chiều hôm đó, ban biên tập gọi điện cho tôi, rằng BS Sách trưởng kíp trực đó đã trả lời trên mạng là gần 30 năm trong nghề nhưng ông cũng không hiểu tại sao có trường hợp như thế...

Chiều muộn, tôi và BS Sách gặp nhau. Ông nói như rút ruột nỗi niềm của một BS sản khoa về chuyện sống-chết lạ lùng của một hài nhi. Cái thai mới 22 tuần, bị sẩy thai, nặng 700g, sinh ra đã chết lâm sàng, hồi sức một tiếng đồng hồ không được, gia đình đưa về an táng, nhưng về đến nhà thì sống lại. Ông hé một thông tin mà các báo không biết và người nhà không nói: Người mẹ đã sinh đứa bé trên taxi khi đưa đến BV. Chính việc này cũng góp phần làm cho cơ hội sống của bé trở nên ít ỏi hơn.

Ông nói về những tai biến sản khoa cần phải được đánh giá trên nhiều phương diện, chứ không đơn thuần là “trực quan sinh động” đẻ ra sống hay chết; trong khi gia đình, dư luận thì chỉ quan tâm mỗi điều đó. Ông còn nói về giới hạn của khoa học và đời sống, khi kiến thức con người không là gì với những mênh mông của trời đất, của cuộc đời, mà minh chứng rõ nhất là cuộc sống kỳ diệu của “chú lính chì” Thiện Nhân hiện đang sống ở Hà Nội.

Ngày xưa, chính ông và đồng nghiệp ở khoa sản BV này đã cứu chú bé. Trường hợp cháu bé mà ông đang bị búa rìu dư luận, ông không thể hiểu nổi cháu lấy năng lượng ở đâu mà sống? Rồi như kẻ đã hết chiêu, thúc thủ, ông thở dài rằng, sai thì nhận, không minh oan được thì đành chịu, bởi bao nhiêu số phận oan trái có được bình minh chiếu sáng đâu, chỉ mong xã hội hiểu cho nghề y với bao nhiêu khổ nhọc… Bài báo Sinh tử vô thường của tôi được viết từ tâm sự này.

Lua nghe trong tim

Khi báo in, tôi nghe các BS nói với nhau, cảm ơn báo Phụ Nữ đã giúp tụi mình, để xã hội thông cảm hơn với nghề nghiệp khốn khó này. Cứu một mạng người là phúc đẳng hà sa, nên khi nhìn họ chết mà mình bất lực thì giày vò khổ tâm vô cùng. Nhưng, BS không có cơ hội để nói, mà chỉ làm việc và… im lặng.

Phần tôi, tôi biết mình đã lội ngược dòng giữa cơn bão thông tin, bởi phần đông đang chạy một đường thẳng, trút phê phán và giận dữ lên đầu BS. Tôi không nghĩ mình làm khác đi, lập dị, nói ngược, mà chỉ nghĩ: tại sao chỉ suy diễn từ người nhà, từ những đàm tiếu, áp đặt mà không nghe người trong cuộc nói, không cho họ quyền nói?

BS nói có chuyên môn, họ chịu trách nhiệm về chuyên môn, nói sai, họ sẽ bị phản ứng ngay. Họ có lòng tự trọng nghề nghiệp như bao nghề khác. Khi vào cuộc, tôi nói ngay với BS Sách: Đề nghị ông nói thẳng, nói thật. BS Sách nói một câu đã làm tôi mất ngủ: Dễ gì tụi tôi được quyền nói hết, nên mắc mớ chi mà không nói!

Sau đó, báo nhận được nhiều ý kiến tán đồng, chia sẻ với tâm sự trên của BS Sách, nhưng cũng có vài ba ý kiến không chính thức rằng, ông Sách chẳng qua là phần nổi hiếm hoi của sự tử tế. Tôi nhớ mình đã không kìm được giận dữ với một đồng nghiệp rằng, ông biết vì sao ông sống và khi nào ông chết không? Nếu không trả lời được, ít ra trong trường hợp này, xin hãy im lặng, đừng xuyên tạc.

“Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” (Evtushenko). Câu chuyện đó ám ảnh tôi một thời gian dài về chuyện sinh-tử, thấy mình nhỏ nhoi, bất định với bao lẽ của đời sống. Lịch sử đôi khi là hàng đống sách tiếp nhau, nhưng đôi khi chỉ là một lát cắt chớp nháy khi nó liên quan đến thân phận con người, bởi đời sống luôn là bí mật. Tôi nói với BS Sách: Ông thiếu may mắn. Người giữ chìa khóa may mắn lại không phải là ông mà thuộc trời đất. Ông gật đầu. Và nghề báo, đôi khi cũng vậy…

TRUNG VIỆT (Văn phòng Báo Phụ Nữ tại Đà Nẵng) 

Một thời họ làm báo

Sáng 18/6, các nhà báo Ngô Quỳnh Lan, Hồ Thủy và Trần Ngọc Điệp thuộc CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM - khối nhà báo cao tuổi, đã đến thăm và chúc mừng báo Phụ Nữ. Câu chuyện một thời làm báo đã được ôn lại, dù trong rộn rã tiếng cười nhưng vẫn bồi hồi, xúc động.

Nhà báo Ngô Quỳnh Lan - Đài Truyền hình TP.HCM, Phó chủ nhiệm thường trực của CLB đã có một thời là phóng viên của báo Phụ Nữ. Bà kể: “Giải phóng, dì Phương Điền - Tổng biên tập báo thời ấy, gọi tôi về công tác. Lúc đó làm nghề cái gì cũng thiếu, nhưng đầy ắp niềm vui bởi chị em thương nhau hết lòng. Máu nghề chảy ngập trong huyết quản, cứ xăng xái mà đi, có sá chi đường gần hay xa…”.

Từng là một chiến sĩ giao liên thời còn là cô nữ sinh trung học ở Sài Gòn, nhà báo Hồ Thủy - Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM không nghĩ mình sẽ bước vào nghề báo và gắn bó với nó suốt 38 năm ròng. Là phóng viên chuyên mảng văn hóa văn nghệ, nhưng khi bắt gặp những chân dung đời thường, chị đều không quản ngại đường xa, tìm cho ra nhân vật để giới thiệu cho thính giả. Gắn với nghề ngần ấy năm, nhiều văn nghệ sĩ ở khắp mọi miền đất nước đã thân quen, quý mến chị như người nhà. Thậm chí từ 2008, khi biết nhà báo Hồ Thủy nghỉ hưu, mỗi lần có dự án gì mới, ý tưởng gì hay các anh chị diễn viên, văn nghệ sĩ cũng tìm chị chia sẻ để được góp ý.

Lua nghe trong tim

Được biết CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM - khối nhà báo cao tuổi hiện có hơn 134 hội viên, trong đó có đến 55 hội viên trên 70 tuổi, vốn là những phóng viên chiến trường một thời vào sinh ra tử để cung cấp tin tức thời sự nóng bỏng cho các báo đài của ta trong lòng địch.

Bà Trần Ngọc Điệp, người làm công tác tư liệu của CLB tâm tình: "Tôi nhìn những thế hệ nhà báo bằng con mắt ngưỡng vọng. Nghề báo thời nào cũng gian nan. Nếu ngày trước, người làm báo thường trực đối diện với hy sinh, thì ngày nay trước bao phương tiện tối tân, thông tin tràn ngập các em lại phải tự đấu trí để sàng lọc tin tức, tránh những cám dỗ mà giữ vững, giữ sạch ngòi bút của mình”.

Giây phút gặp gỡ ngắn ngủi mà chứa chan tình thương mến giữa các thế hệ làm báo. Khi nghe lời chúc của bà Quỳnh Lan: “Chúng tôi tin rằng các em sẽ cố gắng vững nghề như đã từng, hãy tiếp tục đấu tranh và bảo vệ quyền lợi phụ nữ”, bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập báo Phụ Nữ đã trân trọng cảm ơn: “Đây không đơn thuần là lời chúc mà chính là sự gửi gắm sứ mạng, là sự chuyển giao của thế hệ đi trước với lớp đàn em. Chúng tôi xin tri ân niềm tin cậy và sẽ cố gắng xứng đáng với sự tiếp lửa này”.

HẠNH CHI 

Thấu cảm với nỗi đau của phụ nữ

Có lần, một phụ nữ tên L. tìm đến văn phòng tôi với thân hình tiều tụy, đôi mắt quầng thâm, mái tóc lởm chởm. Đưa đơn và những hình ảnh làm bằng chứng cho tôi xem, cô ấy chỉ khóc. Đọc đơn của L., tôi khóc theo. Hành vi bạo hành của người chồng trí thức dành cho L. khiến ai nghe qua cũng sởn gai ốc.

Người chồng lên cơn ghen, nghe tin vợ có thai đã vờ vui mừng bế vợ vào phòng, rồi trói lại và đánh vợ đến sẩy thai. Bài viết được rất nhiều bạn đọc quan tâm, nhưng tôi thì nhận ngay một đơn kiện, buộc phải xin lỗi trên báo… Người chồng cho rằng L. đã “cấu kết” với tôi để hạ bệ, trả thù anh ta. Tôi không lo lắng mình bị kiện, mà cứ nghĩ đến L.

Lua nghe trong tim

Từ sau trận đòn nhớ đời của chồng, L. lúc nào cũng sống trong lo sợ, nhiều đêm cô điện cho tôi và khóc. Nỗi ám ảnh về sự mất mát đứa con mới hình thành bào thai và cả tình yêu dành cho chồng khiến L. khủng hoảng. Mặt khác, cô còn bị người chồng không ngừng viết đơn thư đổ lỗi vợ có hành vi ngoại tình để bào chữa cho hành vi tàn độc của mình. L. cần phải có sự hỗ trợ từ công đoàn cơ quan, từ hội phụ nữ địa phương để mạnh mẽ vượt cú sốc. L. cũng cần phải biết cách tự bảo vệ mình, cần được luật sư tư vấn về những vấn đề pháp lý. Và, tôi xác định mình phải là người hỗ trợ L. lo liệu những việc này. Cứ như thế, tôi và L. đã cùng song hành cùng nhau hơn một năm trời…

Tháng 3/2015, thông tin ban đầu về chuyện hai chú tiểu ở chùa Tăng Du, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bị buộc nhúng tay vào nước sôi được đưa nhanh trên PNO, lập tức nhiều bạn đọc bày tỏ sự phẫn nộ. Chúng tôi nhận được yêu cầu của ban biên tập là phải trở lại chùa Tăng Du. Huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cách TP. Cần Thơ 120km, muốn đến chùa Tăng Du, phải đi thêm hàng chục km đường nông thôn.

Sau 10 tiếng làm việc liên tục, hơn 8g tối, bài viết đã được gửi đi, nhưng trong đầu tôi cứ mường tượng hình ảnh người ta buộc hai thiếu niên tự nhúng tay vào nước sôi đến lột da mà thấy kinh sợ. Tôi cũng là mẹ của hai đứa con, nỗi thấu cảm tuôn trào thành nước mắt suốt đoạn đường chạy xe máy từ Sóc Trăng về lại Cần Thơ.

Sau mỗi vụ việc, tôi luôn cần khoảng “lặng” để cân bằng. Là nhà báo nữ, tôi đa mang nhiều nỗi niềm phụ nữ trong từng con chữ, từng tin bài...

HIỀN DUNG
(Văn phòng Báo Phụ Nữ tại Cần Thơ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI