Trong nhà không có bà chánh án

03/06/2017 - 06:00

PNO - Nghe tới bà Chánh án TAND TP.HCM, hẳn nhiều người hình dung về một người đàn bà thép, “quyền sinh quyền sát” trong tay, nhưng chị Ung Thị Xuân Hương lại có vẻ nền nã rất phụ nữ.

Chính sự nữ tính đặc biệt ấy của chị đã góp phần thay đổi hình ảnh pháp đình lạnh lẽo và luôn khiến không gian gia đình vui tươi, ấm nồng.

Phòng xử gấu bông

Trong nha khong co ba chanh an
Trong gia đình ba thế hệ của chị Xuân Hương, chỉ có bà mẹ chồng dễ tính và bà nội chiều cháu, không hề có... bà chánh án

Chị Xuân Hương là người ghi dấu ấn đặc biệt với đề án thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này, xuất phát từ mong muốn bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em.

Nơi ấy hội đồng xét xử và các đương sự chẳng có khoảng cách, chẳng có thấp cao với mô hình phòng xử thân thiện. Với phòng dành cho trẻ em, tiếng bíp bíp của những con thú nhựa, tiếng rè rè của chiếc xe bánh trớn hay bộ lông mềm mượt của gấu bông sẽ giúp trẻ cất bớt căng thẳng, tổn thương khi đến chốn pháp đình nghiêm trang, rợn người tưởng như thâm cung của… “ông kẹ”.

Nếu không là một người vợ, người mẹ, người bà thì là ai để có thể quan tâm, nâng niu đứa trẻ ngay tại chốn pháp đình? Hóa thân vào người khác để nhìn, để gặp, đó là cơ sở để “cơn lốc” Xuân Hương ào qua mọi chướng ngại. “Sống ở thành phố này là phải năng động, em ơi!” - chị nhẹ tênh nói về những thành quả đi tắt đón đầu, mang đậm dấu ấn phụ nữ vốn tỉ mỉ, nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn của mình.

Mạnh mẽ, quyết đoán bao nhiêu cũng không đủ cho chị trong những thời khắc hệ trọng khi phải đặt bút ký quyết định thi hành án tử hình phạm nhân sau khi Chủ tịch nước bác đơn ân xá. Bất an, thương xót, suy tới nghĩ lui, giật mình, mất ngủ, tình người cuồn cuộn trỗi dậy khiến chị không cầm nổi cây bút để tước đi mạng sống của một người mà bao người thân đang cần họ trong đời. Bao lần mà vẫn như đầu tiên, chị tần ngần đọc đi đọc lại hồ sơ, đọc bản án xem có còn bỏ sót chữ nào không. Chị hồi tưởng đến sân tòa với lố nhố người, có cả những bà mẹ còng lưng chống gậy, những đứa bé được mẹ ẵm ngửa, bú mớm tại một góc khuất để rồi khi chiếc xe tù trờ đến, tất cả chạy ù, bu lại chỉ để nhìn mặt phạm nhân. Chị nhớ những tiếng thất thanh gọi “Anh ơi!”, “Con ơi!” trên sân tòa mênh mông mà rớm nước mắt. 

Trong những khoảnh khắc day dứt, bất an ấy, chị luôn có ông xã bên cạnh chia sẻ, động viên. Anh nhiều lần nói với chị: “Những người phải mang bản án tử hình đã có hành động dã man, là phần tử nguy hại nên phải đền trả mạng sống. Nhân đạo với một người, nhân đạo với nhiều người hay nhân đạo với xã hội, em cứ vững tin rằng hành động ký thi hành án tử của em là để lấy lại công bằng, yên lành cho xã hội”. Giờ chị không còn anh, nhưng câu nói đó vẫn bên chị mỗi khi phải quyết định sinh tử một con người, chị thầm nhủ với chính mình, vì công lý, vì xã hội... Và, chị ký. 

Gai của hoa hồng

Trong lĩnh vực tòa án gai góc, từng vụ việc bày ra bao thử thách và khó xử, chị luôn phải dằn nén cảm xúc, ngăn những phút giây yếu đuối. Chị nghiệm ra, lắm lúc, nghiêm khắc nhất lại là nhân đạo nhất. Tình thương, cảm giác xót xa nếu không đặt đúng chỗ, đúng cách, không suy xét tận tường có khi đem lại mối nguy cho chính đối tượng.

Một cậu vị thành niên giật bánh mì, dù giá ổ bánh mì rất nhỏ nhưng hành vi ấy là phạm tội, đáng trừng trị vì làm cho đạo đức băng hoại, chưa kể hành động rồ xe tháo chạy có thể tước đi sinh mạng của người đi đường. Dung dưỡng sẽ dẫn cậu đến những hành động nguy hại hơn, đánh mất tương lai. Hay như với trường hợp cán bộ tòa án có hành vi tiêu cực, gợi ý “chạy án”, lừa đảo, nhận hối lộ… quan điểm của nữ chánh án là nhất quyết đưa họ ra khỏi ngành. Nếu vì nghĩ đến hoàn cảnh gia đình khó khăn của họ mà bao che, thì hằng ngày tiếp xúc với những cám dỗ, họ không thể giữ mình, sẽ có lúc nhận những mức án nặng nề hơn. Chính vì ý thức được sự cám dỗ ấy nên chị Hương đặc biệt coi trọng công tác bồi dưỡng, đào luyện nghiệp vụ, đạo đức, bản lĩnh cho cán bộ tòa án để hạn chế tình cảnh đau lòng khi họ đứng trước ngã rẽ ở - đi. Nghiêm khắc, cương quyết ngay từ việc nhỏ nhất, đã nói là làm, mới đây, chị mạnh dạn kỷ luật một cán bộ nam của tòa vì uống bia rượu trong giờ làm việc. 

Chị Mộng Tuyền - giáo viên Trường THCS Lê Anh Xuân, Q.Tân Phú, TP.HCM, con dâu của chánh án Xuân Hương chia sẻ: “Nhà tôi không hề có một chánh án. Có chăng là… thằng nhóc ba tuổi con mình vì được bà nội cưng quá nên hay “yêu sách”. Chị Tuyền kể, lúc mới ra mắt nhà chồng, thấy mẹ là sếp nữ, lại ít nói nên Tuyền rất lo, nghĩ là mẹ sẽ khó tính, đòi hỏi cao. Nhưng dần quen mới biết bà mẹ chồng dễ tính, thoải mái và hầu như không hề đặt ra quy tắc trong nhà. Chị Tuyền bày tỏ: “Có khi nửa khuya nhìn qua phòng mẹ thấy vẫn sáng đèn, mẹ thức đến khuya làm việc mà sáng ra vẫn tươi cười, tất bật làm việc nhà. Đợt ba nằm bệnh nhiều tháng trời, mẹ cứ từ tòa qua thẳng bệnh viện chăm ba mà không hề biểu lộ chút mệt mỏi, căng thẳng hoặc cáu gắt. Không hiểu từ đâu mẹ có nguồn năng lượng “khủng” đó”. 

Đám tang anh, lúc linh cữu được khiêng đi, anh em đồng nghiệp đã bố trí người đứng sẵn bên cạnh để đỡ chị, nhưng loạng choạng vài nhịp rồi chị cũng đứng vững. Anh về thế giới bên kia, phân nửa chị đã theo anh, nửa còn lại kiên cường gấp đôi để tiếp tục chèo chống với những trọng trách trong gia đình, ngoài xã hội… 

Người đàn bà quyền lực

Không quyền lực sao được, khi chị “thống lĩnh” tòa án nhân dân hai cấp với 1.322 con người; số lượng vụ án của TP.HCM hằng năm chiếm đến 1/6-1/5 cả nước và “dẫn đầu” về tính chất phức tạp. Tuy nhiên, nghe tôi nhắc đến hai chữ “quyền lực”, chị liền xin và chuyển thành hai chữ “áp lực”. Chị thú thật đã khóc mấy ngày đêm khi được điều động sang cương vị mới này vào năm 2014. Chị là nữ chánh án thứ hai trong tám đời chánh án tại TAND TP.HCM.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI