Phim 'Ngày không còn mẹ': Rơi nước mắt từ những điều giản dị

18/12/2017 - 12:23

PNO - Xem 'Ngày không còn mẹ', chợt ước ao một ngày nào đó điện ảnh Việt sẽ làm được như vậy.

In Gyu, một người con bị thiểu năng đã ngoài 30 tuổi, trí não anh vẫn như đứa trẻ, khiến bà mẹ Ae Soon phải vất vả chăm sóc, bảo bọc.

Phim 'Ngay khong con me': Roi nuoc mat tu nhung dieu gian di

Những khung hình trong Ngày không còn mẹ mộc mạc như chính tình yêu của những người mẹ dành cho con

Biết mình sắp phải giã từ cuộc sống vì căn bệnh u não, như mọi người mẹ khác có thể nhìn thấy tương lai, bà Ae Soon phải tìm cách huấn luyện In Gyu mọi thứ: từ chuyện tự nấu nướng, giặt giũ, đi chợ, đón xe buýt cho đến cách hòa nhập với những người xung quanh, có được việc làm nuôi sống bản thân… để chuẩn bị cho cuộc sống tự lập sau này, cho “ngày không còn mẹ”. Tên phim - The preparation (đang chiếu tại các rạp) - hàm ý sự chuẩn bị là cuộc huấn luyện mang đầy tình yêu thương và nước mắt.

Phim khởi đầu với những cảnh quay về cuộc sống bình dị hằng ngày của hai mẹ con: bà Ae Soon đánh thức con dậy, tất tả vào bếp vì thằng con lớn xác đang to mồm đòi ăn. Vừa nấu nướng, bà Ae Soon vừa phải để mắt trông chừng cậu con trai vì hắn luôn lấy nhầm dầu gội đầu thay cho kem cạo râu. Rồi bà hối thúc con mặc quần áo, cùng nhau đến chỗ làm - một tiệm tạp hóa bé xíu ven đường, xong việc đón xe buýt về nhà và bà Ae Soon lại tiếp tục nấu nướng, giặt giũ, chăm con.

Thể hiện rõ nét nhất cho ý này là hai trường đoạn: lúc bà Ae Soon độc thoại trong nhà thờ và lúc In Gyu cõng mẹ đi trên bờ biển. Bà Ae Soon - một người vốn không tin Chúa - đã quỳ trước bức tranh vẽ Chúa, than khóc cầu xin cho mình thêm thời gian sống.

Trailer Ngày không còn mẹ:

 

Từng lời nói của bà Ae Soon - “Xin cho con được sống, chỉ lần này thôi, làm ơn cho con được sống” - khiến người xem rớt nước mắt, bởi đó không phải là lời cầu xin của một người tham sống sợ chết mà là tiếng lòng của một bà mẹ chỉ muốn có thêm thời gian dành cho con.

Xem Ngày không còn mẹ, chợt ước ao một ngày nào đó điện ảnh Việt sẽ làm được như vậy - một bộ phim có chủ đề gần gũi với mọi khán giả, bối cảnh cũng không tốn kém, chủ yếu lay động lòng người từ ý tứ giản dị, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế.

Đã không có một phép mầu nào xảy đến với hai mẹ con. Bà Ae Soon lìa đời ngay trên lưng con trai. Cảnh quay In Gyu cõng mẹ đi dọc bờ biển xen lẫn với hình ảnh hồi ức lúc In Gyu còn nhỏ, được mẹ cõng dạo chơi ở biển, tạo ra một sự đối lập đau lòng.

Vẫn là khung cảnh bãi biển đó, chỉ khác là lúc trẻ mẹ cõng con, về già con cõng mẹ. Hai hình ảnh tương phản như “thay lời muốn nói” về quy luật nghiệt ngã sinh, lão, bệnh, tử.

Tuy nhiên, cảnh đắt nhất của phim là lúc In Gyu tiễn biệt mẹ lần cuối ở nhà tang lễ. Máy quay đặt ngược sáng, những tia nắng ở sau lưng In Gyu, anh mỉm cười vẫy tay chào khi linh cữu của mẹ được đưa vào nhà hỏa thiêu. Chỉ khi ống kính di chuyển cận mặt, khán giả mới thấy khóe mắt In Gyu đong đầy nước mắt.

Anh đã làm đúng theo lời mẹ dặn: “Khi mẹ lên thiên đường, con phải nhớ luôn cười và vẫy tay chào mẹ nhé”. Bà muốn In Gyu làm chỗ dựa cho chị gái trong tang lễ và In Gyu đã làm đúng như vậy. Cảm giác của người xem từ chỗ tội nghiệp cho sự ngờ ngệch của một chàng trai thiểu năng - cứ cười suốt trong đám tang mẹ - bỗng vỡ òa khi phát hiện sự thật về nụ cười của In Gyu.

Phim 'Ngay khong con me': Roi nuoc mat tu nhung dieu gian di
 

Sự tinh tế trong Ngày không còn mẹ được thấy ngay trong cả cách lựa chọn phục trang cho nhân vật: ban đầu người xem thắc mắc và buồn cười với những bộ đồ sặc sỡ của cả hai mẹ con và mãi đến kết phim mới hiểu lý do của chúng là để hai mẹ con dễ tìm thấy nhau khi thất lạc. Những bộ đồ sặc sỡ được lý giải qua tình huống bà Ae Soon hốt hoảng đi tìm con giữa đám đông, rồi lập tức cởi phăng chiếc áo khoác màu đen, để lộ bộ đồ như “cột đèn giao thông”. Nhờ vậy, In Gyu mới nhìn thấy mẹ. 

Hương Nhu

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI