‘Sống trong đời sống cần có một tấm lòng’

22/04/2015 - 09:48

PNO - PN - Mới đây, Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) phát động chiến dịch mang tên “Về đi Vàng ơi!”, vận động 1 triệu chữ ký để bảo vệ loài chó.

edf40wrjww2tblPage:Content

‘Song trong doi song can co mot tam long’

Ảnh: Ngọc Hồ.

Ngay khi chiến dịch được phát động, có khá nhiều người, từ các cô các cậu học sinh, người già, giới trí thức hay các ngôi sao của làng giải trí đã hưởng ứng nhiệt liệt. Họ chỉ trích và lên án mạnh mẽ những hành động trộm cắp, buôn lậu, giết mổ và tiêu thụ chó.

Theo một số thống kê, người Việt mình luôn nằm trong nhóm những quốc gia ăn thịt chó nhiều nhất thế giới với 5 triệu con chó được làm thịt và tiêu thụ mỗi năm. Không những thế, chúng ta cũng “nổi tiếng” với việc uống 3 tỉ lít bia hàng năm, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Nước ta còn nghèo, nợ xấu, thất nghiệp tràn lan, ấy thế mà chuyện ăn nhậu lại trở thành “điểm sáng”, thử hỏi có lạ đời?

Trở lại với chuyện bảo vệ loài chó. Bản thân tôi là một tín đồ của món thịt chó, nhưng thú thật, khi nghe chiến dịch mang tên “Về đi Vàng ơi!”, tự nhiên tôi cảm thấy rưng rưng xúc động. Nó gợi lên sự da diết, gần gũi, vì với nhiều người, chó là con vật thân thiết, một người bạn trung thành.

Loài chó cũng đã từng đi vào thơ ca, văn học. Chắc hẳn chúng ta đều từng đọc qua bài thơ “Sao không về Vàng ơi?” của nhà thơ Trần Đăng Khoa với những câu đầy xúc động: “Sao không về hả chó?/Nghe bom thằng Mỹ nổ/Mày bỏ chạy đi đâu?Tao chờ mày đã lâu/Cơm phần mày để cửa/Sao không về hả chó?Tao nhớ mày lắm đó/Vàng ơi là Vàng ơi!”. Hay như truyện ngắn “Trẻ con không được ăn thịt chó” của nhà văn Nam Cao từng lấy đi biết bao nước mắt của nhiều thế hệ độc giả.

‘Song trong doi song can co mot tam long’

Ảnh: Ngọc Hồ.

Trong bài viết này, tôi không bàn luận sâu về chuyện ăn thịt chó là tốt hay xấu, là điều bình thường hay cần phải lên án kịch liệt.

Tôi chỉ muốn nói một điều rằng, nếu có những chiến dịch vận động, thu thập chữ ký để bảo vệ loài chó, thì tại sao không có những chiến dịch như thế để ủng hộ loài người. Bởi vì, xung quanh chúng ta vẫn còn nhiều số phận con người đang phải gồng mình chiến đấu để chống lại sự nghiệt ngã của số phận.

Tại sao không có một phong trào thu thập chữ ký để ủng hộ và bảo vệ hàng trăm cô giáo mầm non ở Thanh Hóa, sau gần nửa đời người gắn bó với sự nghiệp giáo dục và ươm mầm bao thế hệ trẻ thơ, vậy mà khi về hưu nhận lương dưới 500.000 đồng/tháng? Họ đã ứa nước mắt khi cầm trên tay đồng lương còm cõi ấy, ứa nước mắt vì sự bất công.

Tại sao không có một phong trào thu thập chữ ký để ủng hộ và bảo vệ những bà con nông dân - những người phải khóc ròng khi những cánh đồng, những ruộng dưa bị những trận mưa trái mùa, nước lũ ở đầu nguồn kéo tới làm thiệt hại nặng nề?

Tại sao không có một phong trào thu thập chữ ký bảo vệ an toàn, quyền lợi cho người lao động để họ không bị thiệt thòi, hay là khi những vụ sập giàn giáo, sập hầm thủy điện liên tiếp xảy ra thì chúng ta mới lờ mờ nghĩ đến?

Tại sao chúng ta không có một phong trào thu thập chữ ký để bảo vệ những đứa trẻ phải ăn thịt thối, cá ôi tại các trường học, những đứa trẻ bị ức hiếp và đánh đập dã man, những đứa trẻ bị người lớn xâm hại thân thể gây nên những dư chấn khủng khiếp có thể theo chúng đến hết cuộc đời?

Tố Hữu từng viết: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/Người yêu người sống để yêu nhau”. Sự quan tâm, chia sẻ và đồng cảm với những thân phận con người kém may mắn, chịu nhiều bất công là điều nên làm, đúng với truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt từ xưa đến nay.

Còn nếu cư xử với nhau theo kiểu “khác máu tanh lòng”, “đèn nhà ai nấy sáng”, bạc bẽo và thiếu những trái tim đồng điệu thì đừng mơ đến chuyện người ta sẽ rung cảm và xót thương trước những động vật như loài chó, mặc cho chúng rất cần sự vỗ về, bảo vệ, chở che.

"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" (ca từ của Trịnh Công Sơn)…

HUYỀN NGỌC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI