Đời không có gì phải buồn!

31/07/2016 - 07:27

PNO - Chị mở đầu câu chuyện bằng câu “Đời không có gì phải buồn hết em ơi. Dù chị làm dâu bao nhiêu năm, từng bị mẹ chồng đánh bằng chổi, từng ẵm con đi trong đêm mưa…"

Doi khong co gi phai buon!
Công việc vót đũa mang lại niềm vui cho chị

Chị mở đầu câu chuyện bằng câu “Đời không có gì phải buồn hết em ơi. Dù chị làm dâu bao nhiêu năm, từng bị mẹ chồng đánh bằng chổi, từng ẵm con đi trong đêm mưa… Vợ chồng trồi lên hụp xuống với bao chìm nổi của cuộc đời rồi bảo ban nhau làm ăn khá khá thì… ổng cuốn hết tài sản đi theo vợ nhỏ. Nhưng rồi em thấy đó, chị có chết đâu, tiểu đường tám năm, thấp khớp ba năm nay, hở van tim vừa phát hiện nhưng cũng sống sờ sờ ra đó. May mắn là có mấy thằng con rất ngoan, vừa thêm con dâu sắp cưới nữa là đầy đủ”.

Ngoài nhà sau, thằng con chị đang cho heo, gà ăn, dáng nó gầy gầy nhưng lanh lẹ và hiểu chuyện. Nói vống vào: “Ổng đi vài bữa ổng về, kể làm gì cho mất vui, lo ăn ngủ cho mau hết bệnh thì mẹ hổng lo”. Mấy hôm nay chị lại vừa té ngã do hạ canxi, tay chân bầm giập mấy chỗ.

Chị lấy chồng lần đầu khi vừa 19 tuổi, con gái quê, nhà đông anh chị em nên “lấy chồng cho cha mẹ đỡ lo”. Nhưng nỗi lo chưa kịp “đỡ” thì chị trở về nhà với chiếc bụng bầu bốn tháng, tuyên bố “thôi nhau luôn rồi”. Nguyên nhân thì không chịu mở miệng dù mẹ chị van nài, hãy nói cho bà biết, để xóm làng có dị nghị, bà còn biết đường mà phân bua. Nhưng chị cứ lặng im. Từ đó, chị theo anh em trong nhà đi mua bán cá để nuôi mình, nuôi con. Thằng bé lớn lên không biết cha mình là ai, rồi có một ngày, một người đàn ông mình ướt rượt, vai mang tay lưới, tay cầm con cá mè vảnh to sầm chìa về phía nó: “Tặng con trai, từ nay mình làm cha con nhé!”. Nó có ba, khi vừa tròn ba tuổi.

Người đàn ông ấy về sống chung với cả đại gia đình nhà chị, nhưng không lâu sau thì mẹ anh sang mắng chửi một chặp rồi “kéo” con trai về. Bà bảo chị, nếu thật sư thương con bà thì về nhà bà làm dâu, chứ ai lại “trai tơ lấy gái nạ dòng” mà còn vác thân đi “chui gầm chạn” như vậy.

Chị thương chồng, chị dắt con theo về nhà anh, một xóm nhà bên mé sông để sáng mờ mặt nước đã theo chồng đi giăng câu thả lưới, trưa về cân cá vụt lên bến bán cho thương lái. Phần nào lái cân thì thôi, phần nào vạt lại chị phải đi bán cho hết. Bán cá từng con nhưng mẹ chồng đã “cân hạo” ở nhà. Tiền quy theo ký cá nhưng không trừ bì, trừ nhớt. Cứ mang về tiền cho đủ vào, nếu không, bà “đơm” cán chổi từ đầu tới chân không thương tiếc. Hình như đó là cái giá mà chị phải trả cho việc đã có một đời chồng mà “dám” lấy trai tân.

Con trai chị ở nhà với “bà nội” nhưng lắm khi từ sáng tới xế chiều vẫn chưa được ăn gì, chị về, cho miếng bánh, nó lấm lét nhìn rồi chui và xó nhà, bà nội thì luôn miệng: “Con nít gì mà kén ăn như quỷ”. Lần đầu tiên chị thấy, cũng là ngày cuối cùng chị ở trong căn nhà địa ngục đó, là con chị ăn một con cá sống khi chị bất ngờ về sớm, tầm mười giờ sáng.

Chị đặt thằng bé tám tuổi vào mớ thau hãy còn nhớt tanh mùi cá, bảo chồng: “Anh thương tui thì theo tui đi chỗ khác!”. Chị tành tạch nổ máy chiếc xe cà tàng thì anh cũng quăng tay lưới vào góc nhà, chạy bộ theo vợ. Họ chính thức “ra riêng” từ đó. Trên vạt đất nhà chị cho.

Năm sau, chị sinh đứa nữa. Rồi qua bao đầu sóng ngọn gió, mùa nước nổi thì theo từng con sóng để giăng câu thả lưới, mùa nước rút thì anh mang bình xiệc đi chích từng con cá. Chị mua bến bán chợ rồi sinh đứa con nữa. Nhà ba đứa trẻ, nhưng hầu như khách đến, không biết đó là con chung hay con riêng.

Doi khong co gi phai buon!
Chị và chồng (thứ 2, 3 từ phải sang) với những người thân

Anh lùi lụi làm ăn, người đen trại vì nắng, chứng thấp khớp đã bắt đầu hành hạ người đàn ông ngoài bốn mươi. Cực khổ vậy mà cách sống của anh đơn giản đến lạ, chứ không phải hay “ra uy” như bao người đàn ông làm chủ kinh tế gia đình. Cá có đó, thêm bó rau là xong bữa của anh, mẹ con chị cần gì cứ nấu thêm. Quần áo anh mặc, chỉ độc loại vải kaki bán sẵn ở hàng quần áo “si-đa”. Anh nói nó bền và ấm. Sáng sớm mờ đất đã chạy xe đi, mặc chỉ một bộ đồ, nhưng ấm vì nó dày. Bền vì quanh năm suốt tháng ngâm nước, nhưng mỗi năm tốn có hai-ba bộ thôi. Trong nhà trong cửa, chị “cầm quyền” mua sắm, đắp bồi, sửa sang, đám tiệc… Anh không can thiệp gì, ngày ngày chỉ đi lưới về, bán cá xong, giao một nắm tiền cho vợ là hết.

Chị không chỉ yêu quý anh, mà còn mang ơn người đàn ông đã yêu con mình như con ruột. Nhưng khi thằng con lớn mười bảy tuổi thì sự việc lại xảy ra. Nói chính xác là do mẹ anh “chọc ngoáy” cho nó xảy ra. Dù mười mấy năm qua, tuy ra riêng nhưng mỗi đám tiệc, hữu sự nhà chồng, chị vẫn siêng lui tới, vẫn đóng góp phần “coi được được” hơn những anh chị em khác. Nhưng trong mắt mẹ chồng, tia thiện cảm vẫn chưa dành cho chị.

Rồi anh có vợ nhỏ, khi vừa chớm năm mươi. Một mớ tiền khá nhiều trong tủ đã biến mất, nhưng anh không ngần ngại nói rằng anh lấy để cho “con đó”. Chị khóc, hỏi bao nhiêu năm sống chung, chị có lỗi gì khiến anh tệ bạc như vậy?

Anh ngần ngừ: “Em… Thật ra thì em không có lỗi gì hết. Em là một người vợ, người mẹ tuyệt vời. Nhưng má anh nói, đời người đàn ông mà không biết một đứa con gái trinh là… ngu. Cái tật má nói dai, nói dài, nói hoài em biết rồi. Vậy nên lần này anh phải kiếm một đứa con gái, để má không chê anh ngu nữa. Em cho anh đi vài năm, để má hết chửi, rồi anh về”.

Chị không ngờ mẹ chồng lại quan niệm như vậy, chị có thể cho anh tất cả, chỉ sự trinh trắng là không. Chị nuốt nước mắt trước lời thú tội của chồng. Rồi không biết ma xui quỷ khiến thế nào, mà chị lấy cả mớ tiền vừa bán bầy heo dúi vào tay anh kèm lời động viên: “Anh cứ đi chơi ít bữa. Nhưng ráng… đừng để có con nữa, khổ cho đứa nhỏ”.

Anh đi rồi. Đâu cũng gần ba năm nay chứ ít gì. Cứ đi đi về về, mà đi nhiều hơn về, khi về thì nháo nhào sửa cái chuồng heo, đóng lại cái chuồng gà, vác lưới xuống sông… Dăm ba bữa thì đi, sau khi chị dúi vào tay dăm ba triệu.

Lòng dặn lòng hãy bình an để “bù đắp” cho chồng nhưng riêng chị chẳng an yên. Nằm cứ nghĩ giờ này, ngày này anh đang làm gì, vòng tay ôm “con đó” có chặt như ôm chị, bữa cơm cá con kho mỡ chấm bông kèo nèo luộc, anh có hít hà khen như hồi ở nhà… Nghĩ mãi, nghĩ mãi lên cơn khó thở thì… đổ bệnh. Cấp cứu xong, qua mấy lượt siêu âm, xét nghiệm, chiếu, chụp thì phát hiện cái van tim bị hở. Chứng tiểu đường tám năm nay vẫn chung sống với nó, giờ nó bắt đầu “quậy” rồi đây.

Thằng con trai lớn vừa đi hỏi vợ. Hai đứa nhỏ, đứa đi xí nghiệp, đứa học làm cửa nhôm, coi như cũng yên tâm. Chị có bầy heo, đàn gà ụt ịt cục ta cục tác mỗi ngày, rảnh rảnh thì nhận đũa tre về vót gia công giúp người đàn bà tuổi năm mươi cũng ổn định về kinh tế. Chỉ tâm tư chị là chìm nổi. Muốn dứt khoát điều gì đó mà chẳng được.

Nhưng chị không buồn nhiều, bởi “Cuộc đời ngắn lắm, mình yêu người thì phải để người vui. Con người sống với nhau vì duyên vì nợ, nợ duyên khi hết rồi cũng nắm níu được đâu. Chị giờ chỉ mong khỏe để mai mốt… ẵm cháu nội”.

Chị là Bùi Ngọc Mai, ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Hoàng Cúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI