Chồng chua chát nói, không chia tay, ráng sống vì con, không thì lúc già ai lo cho mình?

29/12/2016 - 06:30

PNO - Linh cảm phụ nữ mách bảo là chồng chị đang có người khác. Chị bắt đầu hạch sách, bóng gió, lục lạo đồ đạc của chồng, kể lể những cực nhọc với con cái…

Hai vợ chồng cùng đến cuộc hôn nhân của họ gặp chuyên gia tư vấn? Đang “bệnh” nặng, cần điều trị. Hiếm khi thấy một đôi vợ chồng dù đang xung đột nhưng vẫn sắp xếp thời gian cùng đi với nhau. Họ còn muốn cứu vãn hôn nhân, muốn được trở lại những ngày êm ấm yêu thương.

Vợ: Vì người thứ ba chen vào

Đó là nguyên do khiến hôn nhân của họ rạn nứt. Người vợ đã ghi sẵn những gì chị muốn nói ra một cuốn tập, trình bày trôi chảy, mạch lạc. Họ đã có tình bạn từ thời cấp III, học đại học xong mới thật sự yêu nhau và tiến tới hôn nhân. Họ chưa đủ điều kiện ra riêng nên phải ở cùng cha mẹ chồng.

Nhà chồng chật chội, không gian dành cho đôi vợ chồng trẻ không đủ riêng tư. Những câu nói đùa, những cử chỉ âu yếm vợ chồng cứ phải cố kiềm chế. Mẹ chồng lại hay góp ý với con trai về những vụng về của con dâu, những chuyện lặt vặt không đáng như đi chợ không biết lựa rau, chén bát dơ để qua đêm không rửa, bạn mẹ chồng đến chơi không ra nói chuyện…

Dù biết chẳng ai hoàn hảo nhưng người chồng nghe mãi cũng mất dần cảm tình với vợ. Mẹ chồng tuy không to tiếng với con dâu nhưng lại không chịu nhìn nhận những điểm tốt của… con gái người ta. Bà chỉ xét nét những thiếu khuyết để chê trách. Vì thế, khi có thai, đến ngày sinh thì chị xin phép về nhà mẹ ruột, rồi nhất định ở luôn. Người chồng bất đắc dĩ đành theo vợ đi ở rể.

Lại chịu cảnh nhà chật, căn phòng vợ chồng trên gác lửng luôn bừa bộn đủ thứ vì có trẻ con. Con dâu đã tránh xa nhưng mẹ chồng vẫn tiếp tục ý kiến này nọ mỗi khi vợ chồng đưa cháu về thăm bà. “Nó không biết chăm em bé, không biết kiêng cữ cho con, không biết…”. Thỉnh thoảng chồng về nhà mẹ ruột ăn uống, hôm nào mưa gió thì ở lại, vợ cằn nhằn: “Có con rồi mà cứ như còn độc thân, bỏ mình vợ ôm hết việc nhà, con đau ốm cũng chỉ mình vợ lo”.

Còn những lúc ở nhà vợ, chồng như người thừa, đi làm về là lên phòng nằm dài xem ti vi. Mẹ vợ chướng mắt, trách: “Cái thằng thiệt là! Bao nhiêu sung sướng nó hưởng, còn cực khổ thì dành cho con gái mình”. Chồng không chấp mẹ vợ, lao vào công việc để tìm niềm vui, vắng nhà nhiều hơn, tiệc tùng nhiều hơn.

Chong chua chat noi, khong chia tay, rang song vi con, khong thi luc gia ai lo cho minh?
Ảnh mang tính minh họa. Shutterstock

Những lần chồng về khuya, vợ chờ cửa, thấy chồng say xỉn đâm ra ngao ngán. Sau hai lần dọn hàng “ói mửa”, vợ tuyên bố không dọn nữa. Sáng thức dậy, cả nhà mẹ vợ phát hoảng la làng, bịt mũi vì chịu không nổi mùi tối hôm trước ông con rể thải ra. Quê độ, người chồng khăng khăng đó là chuyện lớn, không thể bỏ qua. Anh quyết tâm mua nhà riêng, vợ chồng cùng đóng góp tiền bạc.

Nhưng ở nhà riêng, người vợ càng vất vả với việc nhà vì đã không còn bà ngoại giúp trông cháu. Lúc này, vợ chồng đã thỏa mơ ước có phòng ngủ kín đáo, lãng mạn, nhưng đáng buồn là vợ chồng lại không còn gần gũi, mặn nồng với nhau nữa. Cơ quan anh chồng cần người ra làm việc ở miền Trung, mỗi tuần về nhà một lần, anh được chọn. Anh vui vì được tin tưởng và được thay đổi môi trường sống. Người vợ không cản chồng vì sau khi sinh đứa con thứ hai, chị có quá nhiều việc để lo, không có chồng ở nhà còn bớt được việc “hầu chồng”.

Thế nhưng chẳng bao lâu lại phát sinh chuyện anh chồng không thấy có… nhu cầu với vợ. Linh cảm phụ nữ mách bảo là chồng chị đang có người khác. Chị bắt đầu hạch sách, bóng gió, lục lạo đồ đạc của chồng, kể lể những cực nhọc với con cái… Đã vậy, anh chồng về nhà chủ yếu lại chỉ chơi với con, tối ngủ riêng vì phải làm việc khuya. Chị điều tra, khẳng định chồng có bồ nên đau đớn khóc lóc, trách móc. Anh chồng cố giải thích, người vợ càng làm dữ.

Chồng: Không chia sẻ được với vợ

Đi cùng vợ đến lần thứ hai người chồng mới chịu vào gặp chuyên gia tư vấn. Đàn ông không nói được nhiều như phụ nữ nhưng anh nghe rất kỹ đoạn ghi âm những gì vợ đã nói. Anh đồng ý với nhận định của chuyên gia tư vấn: ngôi nhà là nơi con người được an toàn nhất, được sống thật nhất, được chia sẻ, hỗ trợ nhiều nhất.

Thế nhưng, lấy vợ tám năm thì hết 5 năm khi về nhà anh phải “thui thủi một mình”, “trò chuyện còn không được, nói gì đến tâm sự”; giữa vợ chồng chỉ còn những thông báo, chủ yếu về con cái. Đi chơi hay đi tiệc tùng, anh chỉ muốn dắt con theo. Cứ đi với vợ là thế nào chồng cũng phải nghe người khác… mắng vốn. Nguyên do là chị vợ quá… hồn nhiên, nói năng chỉ làm người đối diện phật lòng.

Khó khăn lắm anh mới đưa ra ví dụ: Biếu người ta trái cây thì vợ tôi nói: “Nhiều quá, nhà ăn không hết, sợ hỏng”, ai nghe mà còn muốn nhận. Chồng nhắc nhở, vợ chống chế: “Em nói thật mà!”. Chưa hết, chồng mà nói với vợ chuyện gì là cả thiên hạ đều biết vì vợ luôn mau miệng kể lể với mọi người không từ chuyện gì… Chồng chán nên dần chẳng còn muốn với gì với vợ.

Mà khi vợ chồng giảm ăn nói với nhau thì… ăn nằm cũng giảm. Chồng ngủ phòng khách, vợ ngủ với con, lâu thành quen, như hai người cùng trọ một nhà. Tiền bạc cũng dần “mạnh ai nấy giữ”, chồng bệnh phải điều trị cũng chẳng nói với vợ. “Không chia tay, ráng sống vì con, không thì lúc già ai lo cho mình?”, ông chồng chua chát.

Vợ chồng giờ đã như hai kẻ xa lạ. Ông chồng cũng biết vợ từng nỗ lực nối lại chuyện gần gũi gối chăn, nhưng ông không thể… giả vờ yêu được. Chuyên gia tư vấn gợi ý: “Vợ chồng nên giúp nhau hoàn thiện”. Chồng lắc đầu: “Tôi dạy con chứ làm sao dạy vợ được. Cô ấy phải biết tự sửa mình, phải thay đổi, phải hiểu chồng, phải tự học cách giao tiếp, phải…”.

Người vợ chỉ yêu cầu chồng một cái “phải” duy nhất là: “Phải quên cô ta đi”. Không ít mâu thuẫn nhưng vợ chồng vẫn chung một mong muốn giữ được gia đình cho con. Họ mới sống với nhau chưa đến 10 năm, những bất hòa chưa đến nỗi trầm trọng. Họ cũng không muốn lập gia đình thêm lần nữa. Còn nước đấy, nhưng liệu họ có còn sức lực để tát, khi ai cũng dồn sức đổ thừa lỗi lầm cho đối phương, khăng khăng rằng người cần thay đổi không phải là mình?

Tuấn Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI