Bóng tùng

30/07/2016 - 11:10

PNO - “Vợ tôi bệnh vậy, biết là lâu hết lắm, nhưng cũng cầu mong phước đức ông bà. Tôi chỉ biết làm hết sức mình. Ngày nào có người kêu đi làm thì dậy từ 3 giờ sáng để vệ sinh, thay ống dẫn… cho vợ..."

Nhìn người đàn ông tuổi mới hơn 30 ấy tỉ mẩn phơi từng món quần áo cho vợ, lau mặt cho vợ, dịu dàng hỏi vợ hôm nay muốn ăn gì rồi lấy trong túi ra những đồng tiền nhăn nhúm bảo con ra quán mua… lòng tôi dấy lên một niềm cảm phục, thấy anh như một bóng tùng quân đang vươn mình che chở cho cả giàn cát đằng xung quanh.

Thấy có khách, dì Út của chị Tú từ nhà bên chạy sang. Nghe khách hỏi thăm chuyện nhà anh Hận, bà Út nói ngay: “Tội nghiệp thằng Hận lắm, ngày nào cũng vậy, hết quay như chong chóng với chuyện cơm nước, vệ sinh cho vợ… là đi nhổ mì, cắt cỏ. Nó ra đồng từ sáng giờ, để tui gọi nó về”.

Chủ và khách ngồi trên chiếc giường tre long chân dưới mái hiên vừa được sửa chữa tạm bợ. Cách đó khoảng ba mét, trong căn nhà ọp ẹp, chị Tú nằm trên sàn nhà, không chăn không chiếu, xung quanh là mấy tấm vỉ dính ruồi. Chị nói yếu ớt: “Tôi bệnh đã hai năm nay. Hồi mới phát bệnh thì ráng lướt… khi không lướt nổi nữa mới đi bệnh viện. Đã xạ trị, hóa trị nhưng chắc là khó qua. Chỉ thương chồng tôi một mình vất vả lo cho vợ con”. Chị là Phạm Ngọc Tú (SN 1984), chồng là Đoàn Hoài Hận (SN 1982) ngụ ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, H.Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Bong tung
Anh Hận chăm sóc vợ

Thời mới kết hôn anh chị ở nhà trọ, đi làm công nhân khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM). Sau khi sinh đứa con đầu, không chịu nổi vật giá ở thành phố, vợ chồng đưa nhau về khu công nghiệp Phước Đông (Gò Dầu) làm công nhân. Năm 2007 sinh đứa con thứ hai, mẹ anh thương cảnh gia đình con trai nheo nhóc, sống chen chúc trong phòng trọ, nên dù chẳng đất đai gì cũng ráng cắt phần chái bếp của nhà mình cho con làm mái ấm.

Từ đó, gửi hai con cho mẹ chồng chăm sóc, chị làm công nhân, anh đi nhổ mì, chặt mía, xịt rầy… ai thuê gì làm nấy. Năm 2011 anh chị “vỡ kế hoạch”, sinh thêm bé út. Giờ thì không chỉ ai thuê gì làm nấy, anh Hận còn chủ động tìm thêm việc như cắt cỏ bán cho người nuôi bò với giá 10.000đ/bao; hái bông thiên lý bán 2.000đ/kg.

Chuyện tập vở của hai con và gạo thóc trong nhà thì trông vào lương căn bản của chị. Cuộc sống của gia đình tuy khó khăn nhưng vẫn đầm ấm. Bất ngờ năm 2013, chị Tú phát bệnh ung thư cổ tử cung. Chị không dám đi bệnh viện vì sợ phải nghỉ làm dài ngày, mất thu nhập, chỉ uống thuốc cầm chừng theo kiểu… “ai bày chi uống nấy”. Cầm cự đến tháng 2/2015, không chịu nổi những cơn đau, chị phải vào BV Ung Bướu để chữa trị.

Thời gian chị nằm viện, anh Hận hết sức gian nan vì vừa lo chăm vợ, vừa trông coi các con ở nhà. Bà nội các cháu cũng nghèo, hàng ngày phải đi phụ quán ăn ở thị trấn Tân Biên nên chẳng có mấy thời gian trông chừng các cháu. Chị Tú không thể đi làm được mà tiền tã, tiền bông băng vệ sinh cho chị ngày nào cũng cần… khiến cảnh nhà đã khó càng thêm khó. Thấy hoàn cảnh gia đình anh chị như vậy, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho chị Tú một suất bảo hiểm y tế có giá trị ba tháng.

Anh Hận bùi ngùi tâm sự: “Vợ tôi bệnh vậy, biết là lâu hết lắm, nhưng cũng cầu mong phước đức ông bà. Tôi chỉ biết làm hết sức mình. Ngày nào có người kêu đi làm thì dậy từ 3 giờ sáng để vệ sinh, thay ống dẫn… cho vợ. Con gái ở nhà sẽ đút mẹ ăn. Hơn mười ngày nay có người hàng xóm thương, cho một con bò mẹ đang có chửa để “nuôi rẻ”, bò đẻ mình được lấy bò con, nhưng chắc tôi không làm nổi nữa, phải trả bò lại, vì nhiều khi cắt cỏ chưa đủ bò ăn mà có điện thoại kêu vợ mệt, vợ xỉu là phải quay về ngay…”.

Nhìn người đàn ông tuổi mới hơn 30 ấy tỉ mẩn phơi từng món quần áo cho vợ, lau mặt cho vợ, dịu dàng hỏi vợ hôm nay muốn ăn gì rồi lấy trong túi ra những đồng tiền nhăn nhúm bảo con ra quán mua… lòng tôi dấy lên một niềm cảm phục, thấy anh như một bóng tùng quân đang vươn mình che chở cho cả giàn cát đằng xung quanh.

Phận người thật gieo neo. Tôi rời nhà anh chị trong cơn mưa biên giới đang ào ào ập tới mà ám ảnh mãi ánh mắt cam chịu của anh. Anh bảo, cực khổ cỡ nào anh cũng chịu được, chỉ thương các con, đứa lớn mới 11 tuổi đã phải nghỉ học đi giữ em bé thuê. Đứa kế vừa lên lớp 3, năm học tới chắc cũng không thể đến trường vì nhà quá khó khăn, dù trên những mảng tường loang lổ trong nhà, những tấm giấy khen vẫn còn tươi màu mực.

Trang Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI