"Cấm vận kinh tế"

20/11/2014 - 19:30

PNO - PN - Bé Sóc thấy bộ đồ chơi nấu ăn trong siêu thị, nằng nặc đòi mua. Xem bảng giá hơn 300.000đ, em đành nói với con: “Mẹ không đem đủ tiền. Vả lại, ở nhà con còn rất nhiều đồ chơi”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sóc phụng phịu, mè nheo. Bỗng có tiếng nói kề bên: “Chị cứ lấy cho cháu chơi, em sẽ trả giúp, lần sau chị gửi lại em”. Em quay lại, thì ra là cô bạn đồng nghiệp của anh cũng đang đi mua sắm. Chẳng đặng đừng, em đành mượn tiền của cô ấy. Trên đường về, em vừa xấu hổ vừa lo. Em xấu hổ vì nếu cô ấy biết sự thật đằng sau câu chuyện không đem đủ tiền, cô ấy sẽ nghĩ thế nào. Và em lo, không biết phải lấy khoản nào để trả số tiền thiếu hôm nay…

Anh làm phó giám đốc công ty lớn, lương cao, nhưng vẫn tiền đong gạo phát, chi li từng đồng với vợ con. Chuyện chồng giữ tiền sẽ không là vấn đề lớn nếu chồng hiểu được nỗi khổ của vợ khi phải lo hàng trăm thứ linh tinh. Hàng tháng, mọi chi tiêu đâu chỉ đơn thuần là tiền chợ, gạo, gas, điện, nước, mà còn đủ thứ phát sinh: tiền đi đám tiệc, thăm ba má đau ốm, mua tập viết, giày dép cho con, tiền cho con ủng hộ bạn nghèo, đóng quỹ lớp… Mỗi lần em hỏi, y như rằng anh lại cau có, hạch sách: “Chi vào việc gì?”, “Mới xin đây lại xin nữa”, “Tưởng anh là thùng ATM di động, bấm nút là tiền chạy ra sao?”…

Thật ra trước đây anh không phải là người tính toán chi li từng đồng với vợ con. Mỗi tháng, bao nhiêu tiền lương, thưởng, làm thêm… anh đều đưa hết để em chi tiêu và gửi tiết kiệm. Có lần anh nửa đùa nửa thật: "Đàn bà phải biết tính toán, dành dụm, mai mốt còn lo đổi nhà lớn, lo con cái học hành. Em đừng ỷ tay hòm chìa khóa rồi phung phí, muốn làm gì thì làm. Anh mất lòng tin vào em thì sẽ “cấm vận kinh tế” hai mẹ con cho xem”. Thật ra, không cần anh nhắc, em vẫn luôn chi xài tiết kiệm. Vài tháng một lần, em lại công khai việc chi tiêu, đưa sổ tiết kiệm cho anh xem. Muốn cho ba má thứ gì, em cũng hỏi ý anh. Thật ra việc ngồi nhà để chồng nuôi và giữ tay hòm chìa khóa là nghề… em không mong đợi, nhưng anh nói thừa sức nuôi hai mẹ con. Vả lại, thuê người làm việc nhà và đưa đón bé Sóc đi học, sao có thể yên tâm? Em đành phải làm quản gia bất đắc dĩ.

Chuyện xảy ra từ lần vợ chồng mình về quê đám giỗ, một người trong họ nói khích: “Dượng Ba ở nhà lầu, đi xe hơi, sao không cất nổi cho ba má vợ cái nhà đàng hoàng”. Anh liền hùng hồn tuyên bố: “Ba má muốn cất nhà thế nào, cứ lên kế hoạch, tiền bạc để con lo”.

Sau đó, thằng Út gọi lên, nói căn nhà cấp bốn khoảng 300 triệu, hỏi vợ chồng mình tính thế nào. Không ngờ anh nổi quạu: “Tiếng là nhà của ba má, nhưng sau này cũng thuộc về vợ chồng thằng Út. Muốn cất tròn méo thế nào tùy nó. Anh chỉ cho 50 triệu”. Em vừa thất vọng vừa buồn. Bấy lâu thấy ba má ở trong căn nhà xập xệ, em rất muốn bàn với anh giúp ba má xây nhà. Giờ anh chỉ cho ít tiền, ba má làm sao lo nổi.

Sau đó, em giấu anh chuyển cho ba má 100 triệu. Vài hôm sau, anh đi công tác ghé qua nhà, đưa má 50 triệu. Má thật thà hỏi: “Vợ con đã đưa 100 triệu rồi, cái này là con cho thêm phải không?”. Chuyện đổ bể, anh về mắng em không tiếc lời. Từ đó, anh phát tiền chợ hàng ngày, vì “giao cho em, có ngày anh phá sản”…

Chẳng lẽ chỉ vì một lần em phạm lỗi mà anh thẳng tay cắt hết quyền làm vợ của em, trừng phạt em như cách ông chủ đối với người làm công? Anh có bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh của em, nghĩ giùm em không? Em viết những dòng này là vì còn muốn níu kéo gia đình, mong anh hồi tâm.

 PHƯƠNG LINH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI