Xử trí sai cách, gây họa cho bệnh nhân đột quỵ

24/09/2016 - 20:00

PNO - Bệnh viên Đại học Y Dược TP.HCM vừa tiếp nhận hai bệnh nhân bị đột quỵ, nhưng do người nhà xử trí, di chuyển không đúng cách đã gây thêm những chấn thương nặng, khiến BN bị liệt tứ chi và chấn thương sọ não.

Tuy đã 65 tuổi, nhưng sức khỏe của bà Mai Thị T. ở Q.Bình Tân, TP.HCM khá tốt; bà vẫn đi chợ, nấu ăn và giữ cháu. Nhưng vào một buổi sáng tháng 9/2016, người nhà phát hiện bà T. “ngủ nướng” đến gần trưa, vào gọi thì thấy bà mê man, không biết gì. Con cháu liền xốc bà dậy và bồng ra đường kêu taxi chở vào BV ĐHYD TP.HCM cấp cứu.

Tại BV, các bác sĩ (BS) phát hiện bà T. bị liệt tứ chi, trong khi kết quả chụp CT cho thấy bà bị xuất huyết não một bên không quá lớn, không đủ gây liệt người. Khi đó, bà được chỉ định chụp MRI cột sống cổ và phát hiện có tổn thương tủy cổ kèm theo.

Lúc đó, người nhà mới kể lại quá trình di chuyển bà T. đến BV, bà được bế, hai tay chân buông thõng và đầu cổ lúc lắc tự do theo tốc độ chạy của người bế. BS nhận định, có thể trong lúc bồng ẵm, di chuyển, bà T. bị cúi hoặc ngửa cổ quá mức, gây tổn thương tủy cổ, dẫn đến liệt tứ chi. Đến lúc này, con cháu mới bật ngửa, tự trách mình đã làm bệnh tình của bà trầm trọng thêm.

Đây không phải là trường hợp hiếm, vì phần đông người dân không có kiến thức, kỹ năng trong xử lý ban đầu đối với những trường hợp đột quỵ. Hơn nữa, khi bất ngờ gặp người thân bị ngất xỉu, hôn mê, hầu như ai cũng hoảng hốt, bối rối và cứ thế bế xốc lên, chạy kêu cứu.

Xu tri sai cach, gay hoa cho benh nhan dot quy
Bác sĩ Trần Quốc Tuấn đang khám cho một bệnh nhân đột quỵ bị yếu liệt chi do di chuyển không đúng cách

Có những trường hợp khi đột quỵ, BN chưa bị tổn thương gì, nhưng người nhà vô tình gây tổn thương, như trường hợp của anh Nguyễn Minh D., 42 tuổi, ở Q.5, TP.HCM. Anh D. bị ngất xỉu trong nhà tắm nên người nhà hoảng hốt xốc anh lên để đưa đi cấp cứu; do sàn nhà tắm trơn nên người bồng trượt chân khiến cả hai đều bị ngã và đầu của anh D. va vào tường.

Anh D. được đưa vào BV ĐHYD TP.HCM cấp cứu, kết quả chụp CT cho thấy: anh vừa bị nhồi máu não, vừa bị chấn thương sọ não rất nặng.

BS Trần Quốc Tuấn (khoa Ngoại thần kinh, BV ĐHYD TP.HCM) lưu ý: “Việc di chuyển, xử trí ban đầu cho người đột quỵ không đúng cách có thể làm cho tình trạng bệnh nặng thêm. Người bị đột quỵ có thể có chấn thương kèm theo do đột ngột té ngã, nhưng không được người thân nhận ra để sơ cứu trước, hay việc bồng ẵm một cách gấp gáp cũng có thể gây thêm chấn thương cho cả BN và người ứng cứu.

Người bệnh cũng có thể bị chấn thương nặng hơn do việc di chuyển không đúng cách. Khi có các tổn thương kèm theo thì việc xử trí đột quỵ hoặc chấn thương trên người bệnh sẽ phức tạp hơn nhiều, do việc xử lý tình trạng này có thể làm nặng hơn tình trạng kia và ngược lại”.

Còn BS Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, BV Nhân dân 115 hướng dẫn: Đối với BN đột quỵ, một trong những điều quan trọng nhất quyết định sự sống còn của BN là phải đưa vào BV cấp cứu sớm nhất, trong thời gian vàng: trước 4-6 giờ tính từ lúc phát bệnh. Do đó, không nên trì hoãn, chần chờ để áp dụng những phương pháp dân gian như vắt chanh vào miệng, chích máu ở tai, đầu ngón tay, vì những cách này hoàn toàn không có tác dụng.

Việc di chuyển BN vào viện nhanh và đúng cách là rất quan trọng. Người dân thường có thói quen bồng, khi đó đầu BN ngửa ra, hai chân buông thõng; hoặc hai-ba người khiêng, người khiêng cổ, người bợ lưng, người khiêng chân và hai tay cũng buông thõng. Cả hai cách này đều sai và có nguy cơ làm tổn thương thứ phát như trật đốt sống cổ, gây tổn thương tủy cổ khiến liệt tứ chi.

Theo BS Chu Tấn Sĩ, việc di chuyển người bệnh đột quỵ phải tuân thủ các nguyên tắc: đảm bảo đường thở và tim đập; cố định và bảo vệ được các bộ phận có thể tổn thương như đầu, cổ, tứ chi nhanh nhất có thể. Không nên bồng ẵm chạy bộ hay để ngồi trên xe máy, buông thõng tay chân (đã có trường hợp BN mất ý thức, chân bị rớt xuống đường, bị kéo lê, cụt cả ngón chân).

Tốt nhất là nên gọi số điện thoại cấp cứu (115) hoặc xe cấp cứu tư nhân để được đưa đến BV bằng phương tiện này. Vận chuyển bằng xe cấp cứu có nhiều thuận lợi: di chuyển nhanh; nhân viên y tế chuyên về sơ cấp cứu thường đánh giá tình trạng người bệnh chính xác hơn người bệnh và thân nhân; hệ thống xe cứu thương có sẵn các thông tin về chuyên môn của các BV để BN đến đúng BV chuyên sâu; xử trí ban đầu như hồi sức tim phổi, duy trì sinh hiệu… trên đường vận chuyển cũng tốt hơn, qua đó sẽ tránh được nhiều rủi ro không đáng có. 

 Cách xử trí đúng khi bị đột quỵ

- Hồi sức tim phổi nếu người bệnh bị ngưng thở hoặc ngưng tim.

- Đặt người bệnh nằm ở tư thế thoải mái nhất nếu họ tỉnh, hoặc nằm nghiêng về phía nửa người bị ảnh hưởng (yếu liệt) nếu họ hôn mê hoặc không tỉnh táo hẳn. Việc nằm nghiêng là để ngừa hít sặc do nôn ói và nghiêng về phía bên liệt là để phía không liệt còn có thể cử động, ra hiệu khi cần.

- Cố định các phần cơ thể khi di chuyển, quan trọng nhất là đầu, cổ và tứ chi.

- Khi di chuyển người bệnh, nếu không có cáng chuyên dụng thì tốt nhất nên đặt người bệnh trên mặt phẳng cứng, nằm ngửa, tay chân xuôi theo mình; dùng gối, chăn cố định hai bên, tránh chấn thương cột sống cổ lúc di chuyển.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI