Xử lý nhanh nếu trẻ ngộ độc trà sữa

20/01/2018 - 15:24

PNO - Xin được hỏi vì sao tình trạng của bệnh nhi Trần Tú U. ở Khánh Hòa lại chuyển biến nặng, dẫn đến viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận… Có cách nào xử lý nhanh tại nhà để giảm bớt nguy cơ không?

Hỏi: Tôi từng bị ngộ độc thực phẩm nhưng biểu hiện thường chỉ là nôn ói, tiêu chảy. Mới đây, thấy có thông tin về trường hợp ngộ độc dẫn đến nguy kịch sức khỏe, nghi do ngộ độc trà sữa, tôi thật sự lo lắng.

Xin được hỏi vì sao tình trạng của bệnh nhi Trần Tú U. ở Khánh Hòa lại chuyển biến nặng như thế, dẫn đến viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận…  Có cách nào xử lý nhanh tại nhà để giảm bớt nguy cơ không?

Thụy An (TP.HCM)

Xu ly nhanh neu tre ngo doc tra sua
 

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM: Trường hợp bé U. các báo đang đề cập, khi nhập viện thì bệnh nhi (BN) đã tím tái do sốc nhiễm trùng, được chẩn đoán: viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa, tổn thương đa cơ quan…

Nhiễm khuẩn tiêu hóa là bệnh lý thường gặp nhưng với BN U. thì bệnh diễn biến khá phức tạp, do vi khuẩn từ đường tiêu hóa xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng máu, suy gan, suy thận. Thông thường, khi vi trùng có độc lực mạnh, lại gặp người có sức đề kháng yếu sẽ dễ dẫn đến tình trạng này.

Về nguyên nhân, qua các xét nghiệm, chỉ có thể nhận định là BN bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa; phổ biến nhất là do ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn, hoặc dùng tay bẩn cầm nắm thức ăn. Để xác định BN bị  nhiễm khuẩn do ăn phải món gì hay độc tố nào cần có sự phối hợp của các ban ngành liên quan.

Để tránh trường hợp bệnh diễn tiến nặng như trên, khi bị ngộ độc thực phẩm (trẻ thường có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy, sốt cao) cơ thể dễ bị mất nước, phải bù nước ngay bằng nước biển khô (oersol) hoặc nước cháo pha với muối, đường. Đồng thời phải cho người bệnh uống thuốc hạ sốt rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Trong dân gian, nhiều người hay “giải độc” bằng cách móc họng cho trẻ ói, cho ăn lòng trắng trứng… nhưng thật ra đó là những cách rất nguy hiểm. Với trẻ nhỏ, việc tác động khiến trẻ nôn ói dễ dẫn đến tình trạng hít sặc gây viêm phổi, co thắt đường thở, có thể dẫn đến tử vong. Dù mùi tanh lòng trắng trứng có thể giúp trẻ nôn ói, thải độc bớt, nhưng trứng lại có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, tuyệt đối không được dùng để giải độc. 

 Thùy Dương ghi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI