Vụ bé 9 tuổi tử vong trên xe cấp cứu: Bác sĩ thừa nhận bình oxy không xài được

31/10/2017 - 15:10

PNO - Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Rạch Kiến, tỉnh Long An thừa nhận bình oxy trên xe cứu thương không còn giọt oxy nào để tiếp thêm hơi thở cho cháu bé.

Liên quan đến câu chuyện bé gái (9 tuổi, ở xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) tử vong trên xe cứu thương Báo Phụ Nữ đăng ngày 26/10/2017; sau đó phóng viên đã liên hệ được với bác sĩ Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Rạch Kiến (trực thuộc Trung tâm y tế huyện Cần Đước, tỉnh Long An).

Bình oxy bị xì hơi mà tua trực không hề hay biết

Bác sĩ Nguyễn Văn Trung thừa nhận: “Lúc nào xe cấp cứu cũng trang bị bình oxy nhưng bữa đó, do sự cố đồng hồ xì hơi, thậm chí, điều dưỡng có thay bình oxy mới nhưng đồng hồ bị xì nên tua trực không hay. Lẽ ra, phải gắn oxy cho bệnh nhân ngay từ lúc ra khỏi phòng cấp cứu nhưng do bệnh gấp quá nên lúc xe chạy rồi mới gắn oxy.

Vu be 9 tuoi tu vong tren xe cap cuu: Bac si thua nhan binh oxy khong xai duoc
Bình oxy cấp cứu tại một bệnh viện nhi của TP.HCM

Khi xe cứu thương chạy một đoạn đường khoảng 5 phút, nhân viên gắn bình oxy cho cháu mới phát hiện ra. Đây là do thiếu kiểm tra, giám sát. Người chịu trách nhiệm là điều dưỡng Nguyễn Thị Thúy An và 2 tua trực. Lẽ ra, sau khi chuyển viện về phải báo bình oxy còn hay không để tua trực khác chuẩn bị cho đợt chuyển viện tiếp theo”.

Bác sĩ Trung cho rằng bình oxy trên xe cấp cứu nếu quản lý không kỹ sẽ rất dễ bị xì, nhất là khi van bình bị di lệch. Về quy trình, luôn có phân công người theo dõi việc sử dụng bình oxy.

Vu be 9 tuoi tu vong tren xe cap cuu: Bac si thua nhan binh oxy khong xai duoc
Khám chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa khu vực Rạch Kiến (Long An). Ảnh: Báo Long An

Như vậy, phản ánh của gia đình bé N.A.D. về chuyện bình oxy trên xe cứu thương không thể sử dụng được do thiếu oxy đã được Phòng khám Rạch Kiến thừa nhận.

Tuy nhiên, cách giải thích của đại diện Phòng khám Rạch Kiến lại mẫu thuẫn với bức xúc của gia đình bệnh nhi. Người nhà bé D. cho rằng nam điều dưỡng không cho bé thở oxy vì cho rằng: “thở oxy sẽ làm bé bị khô phổi”, chứ không phải do chuyển viện quá gấp.

Điều dưỡng thực hiện việc cấp cứu có phần “lụp chụp”

Anh Ngô Thành Công – bố của bé D. cho biết, khi thấy con gái lên cơn co giật, tím tái vì thiếu oxy, nam điều dưỡng Nguyễn Đăng Định sau khi không sử dụng được bình oxy đã vội lấy bóp bóng bằng tay.

Nhưng sau đó, điều dưỡng chỉ thực hiện thao tác hồi sức tim phổi. Anh nghi ngờ dụng cụ bóp bóng bằng tay này cũng bị hư hỏng. 

Vu be 9 tuoi tu vong tren xe cap cuu: Bac si thua nhan binh oxy khong xai duoc
Gia đình bé N.A.D cho rằng chính việc bình oxy không có đủ oxy cung cấp khi cháu bé rơi vào tình trạng suy hô hấp chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chết não của bé trước khi kịp đến bệnh viện.

Trả lời vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Trung khẳng định: Điều dưỡng Định có sử dụng bóp bóng phối hợp với các thao tác hồi sức cấp cứu khác: “Vừa bóp bóng vừa hà hơi thổi ngạt vừa xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Kiểm tra sơ bộ dụng cụ bóp bóng không hư, chắc là do gia đình không biết về chuyên môn.

Bóp bóng là thiết bị để hà hơi thổi ngạt trên đường chuyển viện từ trên xe. Có nghĩa khi bệnh nhân ngừng tim ngừng thở, mình sẽ hỗ trợ bằng bóp bóng. Chắc lúc đó điều dưỡng làm có một mình, hơi lụp chụp”.

Bác sĩ Trung khẳng định điều dưỡng Định là điều dưỡng trung cấp, có đào tạo chuyên môn về hồi sức cấp cứu. 

Vu be 9 tuoi tu vong tren xe cap cuu: Bac si thua nhan binh oxy khong xai duoc
Đại diện Phòng khám Rạch Kiến cho biết thông thường khi bệnh nhân chuyển ra khỏi phòng hồi sức đều được cho thở oxy trước khi lên xe cấp cứu.

Theo một chuyên gia về hồi sức cấp cứu, trong trường hợp bệnh nặng, khi chuyển viện phải có bác sĩ trên xe cấp cứu. Nhưng trong trường hợp này, chỉ có nam điều dưỡng trên xe.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Trung thừa nhận đây là trường hợp nặng: “Khám sơ bộ tại đây, chẩn đoán bé hôn mê, rối loạn tri thức nên chỉ định theo dõi thiếu máu cơ tim, xử trí ổn hết rồi chuyển đi. Có nghĩa bé khi đưa ra xe, Sp02 (độ bão hòa oxy trong máu) đã trong giới hạn cho phép (khoảng 96% hoặc 98%), phòng khám mới cho chuyển. Trên đường chuyển viện nghĩ là có bình oxy rồi!”

Trên giấy báo tử của Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cấp ngày 4/10/2017 ghi rõ: “Nguyên nhân tử vong: Ngưng tim ngưng thở trước nhập viện, tổn thương não do thiếu oxy não”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Trung là người trực tiếp thăm khám cho bé D. ngày 2/9 cũng thừa nhận: Đây là ca bệnh nặng nhưng không có bác sĩ đi theo, bình oxy trên xe cấp cứu không sử dụng được, nam điều dưỡng lụp chụp khi hồi sức cấp cứu, không thực hiện truyền oxy ngay sau khi ra khỏi phòng cấp cứu như quy trình…

Vu be 9 tuoi tu vong tren xe cap cuu: Bac si thua nhan binh oxy khong xai duoc
Giấy báo tử ghi rõ bé N.A.D. tử vong vì tổn thương não do thiếu oxy não

Tuy vậy, bác sĩ Trung cho rằng nguyên nhân tử vong của bé D. chưa thể xác định rõ: “Chúng tôi không biết do trùng hợp bệnh lý hay là do không cung cấp đủ oxy, về chuyên môn rất khó xác định. Cũng nghe nói cháu bị ngất mấy lần.

Theo kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Nhi đồng thành phố, bệnh nhi âm tính với bệnh lý Brugada (bệnh lý về tim rất hiếm gặp) nhưng chưa chắc đây không phải là bệnh lý Brugada, có thể là bệnh này nhưng ở ngưỡng thấp nên các xét nghiệm cho ra kết quả âm tính”.

Việc xác định chính xác nguyên nhân tử vong của bé N.A.D. chưa xác định rõ, nhưng việc chuyển viện của Phòng khám đa khoa khu vực Rạch Kiến đã không đảm bảo an toàn.

Lãnh đạo cơ sở y tế này cho biết đã họp bàn và kỷ luật điều dưỡng Nguyễn Đăng Định, chuyển công tác khác. Điều dưỡng Nguyễn Thị Thúy An viết kiểm điểm, phê bình.

Bác sĩ Trung cho biết gia đình bé D. “khó tính lắm nên chúng tôi không dám đến nhà xin lỗi”.


Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI