Viêm âm đạo do nấm và điều trị như thế nào mới đúng?

27/04/2017 - 16:19

PNO - Phụ nữ thường lầm tưởng giữa viêm âm đạo do nấm và viêm âm đạo do nhiễm vi khuẩn. Thêm phần ngại đi khám bệnh, họ tự mua thuốc điều trị và gây ra nhiều hậu quả nặng nề.

Như trường hợp của chị N.M. (24 tuổi, ngụ Gia Lai) thấy vùng kín của mình ngứa ngáy khó chịu, tiết nhiều dịch. Chị không đến bệnh viện để thăm khám mà tự nhận bản thân đã bị viêm âm đạo do nấm và tự điều trị.

Sáng hôm sau, vùng kín của chị M. bị sưng phù, cảm giác ngứa và nóng rát tăng lên khiến chị hoảng loạn không biết làm thế nào.

TS.BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết: “Ở phụ nữ, không phải lúc nào vùng kín bị ngứa ngáy, khó chịu cũng là bị viêm nấm vùng kín. Tình trạng tiết dịch âm đạo gây ngứa có thể do nhiều nguyên nhân gây nên như: nhiễm nấm, nhiễm Trichomonas Vaginalis, hoặc do nhiễm lậu cầu,...

Với mỗi tác nhân cần có những biện pháp điều trị khác nhau. Người bệnh không nên tự ý chẩn đoán và mua thuốc để điều trị vì như vậy sẽ không hiệu quả, thậm chí còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. 

Trường hợp chị M. đã bị sưng, rát thì chị nên đến ngay bệnh viện có chuyên khoa để được thăm khám và điều trị đúng cách”.

Theo bác sĩ Hà, nếu phái đẹp có những dấu hiệu như: ngứa vùng âm hộ âm đạo, nóng rát, có khí hư âm đạo màu trắng đục, đặc như váng sữa, bên ngoài âm hộ phù nề, hơi đỏ hơn bình thường, đôi khi giao hợp đau, tiểu khó, thì có thể đã bị viêm âm đạo do nấm.

Viem am dao do nam va dieu tri nhu the nao moi dung?
Tiến sĩ bác sĩ Lê Thị Thu Hà tư vấn cho bạn đọc về viêm âm đạo do nấm

Tuy nhiên, viêm âm đạo do nấm đơn thuần ít gây mùi hôi khó chịu. Khi bạn cảm thấy có mùi hôi nhiều ở vùng kín, thì bạn có thể bị viêm âm đạo do vi khuẩn.

Viêm âm đạo do nấm thường dễ xảy ra trên những phụ nữ dùng kháng sinh kéo dài, sức đề kháng cơ thể yếu như suy giảm miễn dịch, bệnh đái tháo đường, mang thai, thiếu máu mạn tính, điều kiện vệ sinh vùng kín không tốt,…

Ngoài ra, những bạn gái mặc quần bó sát khiến máu không lưu thông tốt, hoặc gây ẩm ướt vùng kín nên cũng dễ mắc bệnh viêm nấm ở âm hộ, âm đạo.

Thông thường, người bệnh phải dùng thuốc đặc trị trong khoảng 7 ngày trừ trường hợp viêm nấm kéo dài hoặc tái phát. Nấm âm đạo có lây qua đường tình dục hay không là câu hỏi nhiều bạn đọc gửi đến.

“Tuy bệnh ít lây lan qua đường tình dục, nhưng nếu vợ mình mắc bệnh thì các ông chồng nên cảm thông, đồng hành trong quá trình người vợ điều trị bệnh. Giai đoạn này vợ chồng nên tránh quan hệ để thuốc đặt trong âm đạo phát huy tác dụng tốt nhất”, bác sĩ Hà cho biết thêm.

Viem am dao do nam va dieu tri nhu the nao moi dung?
Theo bác sĩ Hà, chị em không nên tự điều trị bệnh phụ khoa

Để phòng ngừa viêm âm đạo do nấm, chị em phụ nữ cần giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Phụ nữ năng động ngày nay thường làm việc ở nhiều môi trường khác nhau, trong thời gian dài. Vì vậy, vấn đề vệ sinh vùng kín cần được quan tâm nhiều hơn.

Nếu nơi làm việc có nhiều điều kiện thì nên rửa vùng kín bằng nước sạch và thấm khô bằng khăn sạch sau mỗi lần đi vệ sinh xong. Thay quần lót 2 lần mỗi ngày. Ngược lại, có thể sử dụng băng vệ sinh hàng ngày, cách mỗi 3-4 giờ thì thay mới băng một lần để vùng kín luôn khô và thoáng.

Trường hợp chị em phụ nữ thường dùng dung dịch vệ sinh phụ khoa hằng ngày nên chọn loại có pH phù hợp và mang tính dịu nhẹ. Với loại dung dịch vệ sinh phụ nữ có tính sát khuẩn thì chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, có khoảng 45% phụ nữ viêm âm đạo do nấm bị tái phát. Để tránh bệnh tái phát, người bệnh cần điều trị cho hết liệu trình trong đợt viêm. Sau đó, phải chú ý giữ vệ sinh vùng kín đúng cách, quần lót phải giặt sạch và phơi nắng, không để vùng kín bị ẩm ướt, điều trị các bệnh thiếu máu, tiểu đường (nếu có); uống nhiều nước, ăn trái cây tươi và sinh hoạt lành mạnh để giữ sức khỏe tốt. Bên cạnh đó, cần phải khám phụ khoa định kỳ để tầm soát các bệnh lý nếu có.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI