Tưởng béo phì, hóa ra mắc bệnh cực hiếm

25/09/2017 - 08:30

PNO - Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vừa phẫu thuật thành công ca bệnh hiếm gặp (ca thứ 21-22 trên thế giới): tăng sinh tuyến thượng thận hai bên gây hội chứng Cushing khiến bệnh nhi tăng cân bất thường.

Nếu không phẫu thuật sớm, bé sẽ bị béo phì mất kiểm soát, tăng huyết áp, loãng xương, loạn thần. Bác sĩ (BS) Trần Thị Hương - Phó khoa Thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh nhi T.P. (11 tuổi,  ở TP.Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nhập viện trong trình trạng béo phì mức độ nặng, rậm lông, rạn da, cao huyết áp…

Theo  mẹ của bệnh nhi,  cách đây ba năm, bỗng dưng P. tăng cân bất thường. Gia đình cho bé ăn kiêng, tập thể dục… nhưng trọng lượng cơ thể vẫn tăng nhanh. Tại nhiều cơ sở y tế, các BS đều chẩn đoán bé P. bị béo phì.

Tuong beo phi, hoa ra mac benh cuc hiem
Người bệnh hội chứng Cushing

Gần đây, sau một lần phát hiện huyết áp bé P. tăng cao (180-200mm Hg), gia đình đưa bé đến BV Nhi Đồng 1 khám. Các BS xác định bé mắc hội chứng Cushing do tăng sinh tuyến thượng thận hai bên. Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật bỏ hai tuyến thượng thận.  

ThS-BS Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 chia sẻ: “Trước nay, BV chỉ gặp tăng sinh một bên tuyến thượng thận, trường hợp này ở cả hai bên. Bệnh nhi bị béo phì nhiều năm, mỡ thành bụng rất dày, trong khi tuyến thượng thận nằm ở vị trí phức tạp nên mổ mở rất khó khăn. Vì vậy, các BS quyết định mổ nội soi, bên cạnh đó, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm hạn chế các yếu tố dẫn đến nguy cơ rối loạn nội tiết, nhịp tim, huyết áp…”.  

Tuong beo phi, hoa ra mac benh cuc hiem
Bé T.P. bị béo phì vì hội chứng Cushing, nhưng gia đình nhầm tưởng béo phì thông thường

Sau hơn ba giờ, ê-kip phẫu thuật bóc tách, cắt khối u hai tuyến thượng thận thành công. Hiện bé đã hồi phục tốt, huyết áp ổn định. Tuy nhiên, bệnh nhi cần phải theo dõi và điều trị suốt đời, vì cắt bỏ hai tuyến thượng thận sẽ có nguy cơ dẫn đến suy thượng thận cấp, mất nước, ói mửa… 

Theo y văn, hội chứng Cushing là một bệnh lý nội tiết do rối loạn chức năng vỏ tuyến thượng thận, gây tăng mạn tính hormon glucocorticoid không kìm hãm được. Béo phì là triệu chứng thường gặp nhất của hội chứng này, việc tăng cân nhanh, phân bố mỡ không đồng đều, chủ yếu ở mặt làm cho bệnh nhân có bộ mặt “tròn như trăng rằm”, tăng tích mỡ ở ngực, bụng. Ngược lại, chân tay nhỏ, khẳng khiu (mỡ ít tập trung ở vùng này), cơ thể mất cân đối. 

Bệnh nhân thường bị tăng huyết áp, nếu không được điều trị tích cực có thể đưa đến các biến chứng mắt, thận, tim, não gây tàn phế và tử vong. Bên cạnh gây ra các bệnh về tiêu hóa (loét dạ dày), suy thận, loãng xương… hội chứng Cushing còn khiến bệnh nhân hay cáu gắt, bồn chồn, lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, giảm trí nhớ, có lúc hưng phấn hoặc loạn thần.

BS Trần Thị Hương khuyến cáo, khi trẻ bị béo phì, gia đình nên đưa con đến cơ sở y tế khám xem đó là béo phì thông thường hay béo phì bệnh lý. Nếu béo phì bệnh lý thì trẻ phải được điều trị càng sớm càng tốt. Còn với những trẻ béo phì thông thường cũng cần tầm soát xem có mắc bệnh lý đi kèm  như: tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch… Trẻ bị béo phì cần tập thể dục phù hợp, đồng thời kiểm soát chế độ ăn để trở về cân nặng bình thường, giúp phòng tránh nhiều bệnh nguy hiểm. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI