Trước khi tử vong, người phụ nữ hôn mê sau gọt cằm đã từng chảy nước mắt

13/02/2018 - 12:25

PNO - Trong 5 tháng điều trị do di chứng của gọt cằm, người phụ nữ 39 tuổi ở Thủ Đức từng có lúc chảy nước mắt, nghe hiểu những gì gia đình nói.

Sáng 13/2, bác sĩ Phạm Xuân Khiêm, Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Emcas TP.HCM thông tin thêm về trường hợp chị T.T.Đ. (39 tuổi, sống ở Thủ Đức) tử vong do gọt cằm tại nơi này. Phẫu thuật viên trực tiếp cho chị Đ. là tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi không xuất hiện.

Bác sĩ Khiêm cho biết, sáng 12/2, gia đình chị T.T.Đ. thông báo chị Đ. đã qua đời. Bệnh viện Emcas cho biết rất bất ngờ vì trước đó, trong quá trình điều trị, chị Đ. có những diễn tiến tốt như da hồng hào, không còn vết loét. Thậm chí, cho ăn vẫn nhai được, chảy nước mắt, có vẻ như nghe và hiểu được.

Truoc khi tu vong, nguoi phu nu hon me sau got cam da tung chay nuoc mat
Bác sĩ Phạm Xuân Khiêm, Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Emcas

Bệnh viện Emcas và bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi cùng đứng ra chia sẻ gánh nặng chi phí điều trị và mai táng cho gia đình chị Đ. Bác sĩ Khiêm cho biết chi phí cho chăm sóc chị Đ. rất nhiều, từ lúc xảy ra sự cố, đưa chị sang Singapore chữa bệnh, về nằm viện tại Bệnh viện FV, Bệnh viện Đại học Y Dược và qua đời tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tuy vậy, bác sĩ Khiêm không công bố rõ kinh phí điều trị.

Bác sĩ Phạm Xuân Khiêm cho biết ông không nắm rõ tình hình chị Đ. tại thời điểm tử vong. Ông cho rằng đây là một tai biến y khoa vì bất cứ một phẫu thuật nào cũng sẽ có khả năng dẫn đến tai biến.

Truoc khi tu vong, nguoi phu nu hon me sau got cam da tung chay nuoc mat

Về nguyên nhân khiến chị Đ. hôn mê do "tác hại của gọt mặt" dẫn đến tử vong, bác sĩ Phạm Xuân Khiêm cho biết sẽ do cơ quan quản lý nhà nước đưa ra kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, ông cho biết thêm chị Đ. sau khi được bác sĩ Phi thực hiện phẫu thuật gọt cằm đã tỉnh lại. Sau đó, mới xuất hiện chảy máu bên trong cổ, gây chèn ép đường thở.

Lúc này, Bệnh viện Emcas đã chuẩn bị sẵn ê kíp cấp cứu nhưng phải chờ ý kiến của bác sĩ Phi là phẫu thuật viên chính của ca mổ. Bác sĩ Khiêm cho rằng nếu bác sĩ Phi có mặt ngay tại thời điểm xảy ra sự cố thì mọi chuyện đã không tồi tệ như hiện tại. Tuy nhiên, về quy trình thì bác sĩ phẫu thuật viên có thể rời đi sau khi bệnh nhân đã tỉnh lại.

Bác sĩ Phạm Xuân Khiêm khẳng định bệnh viện chịu trách nhiệm cung cấp cơ sở vật chất cho bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi phẫu thuật. Khi chị Đ. bị tai biến, Emcas vẫn nhận trách nhiệm và hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân. Ngoài hỗ trợ kinh phí điều trị, Emcas cử điều dưỡng chăm sóc chị Đ. suốt 5 tháng qua.

Truoc khi tu vong, nguoi phu nu hon me sau got cam da tung chay nuoc mat

Bệnh viện Emcas cho biết gia đình chị Đ. không có ý kiến khiếu nại gì và sẽ cho an táng tại nghĩa trang. Sẽ không có giải phẫu tử thi. Tuy nhiên, đây lại là căn cứ gần như duy nhất để tìm hiểu vì sao lại dẫn đến tai biến khi bác sĩ Phi gọt cằm cho chị Đ.

Từ khi xảy ra sự cố vào tháng 9/2017 đến nay, Bệnh viện Emcas vẫn hợp tác với bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi và kỹ thuật chỉnh hình xương hai hàm (gọt cằm) vẫn được tiếp tục tại đây.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI